Bão số 3: Nhiều tuyến đường sạt lở, giao thông từng bước được khôi phục

Theo báo cáo cập nhật đến 12 giờ trưa 23/7 của Cục Đường bộ Việt Nam gửi Bộ Xây dựng, toàn hệ thống quốc lộ và đường địa phương tại các tỉnh chịu ảnh hưởng bão số 3 (Wipha) đang được khẩn trương khắc phục nhằm bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.

Đoàn công tác của Cục Đường bộ, Khu Quản lý đường bộ I và các cơ quan, đơn vị kiểm tra bão lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Wipha) trên Quốc lộ 3, đường Hồ Chí Minh, địa phận Bắc Kạn (tỉnh Thái Nguyên).
Đoàn công tác của Cục Đường bộ, Khu Quản lý đường bộ I và các cơ quan, đơn vị kiểm tra bão lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Wipha) trên Quốc lộ 3, đường Hồ Chí Minh, địa phận Bắc Kạn (tỉnh Thái Nguyên).

Sau khi bão số 3 (Wipha), suy yếu thành vùng áp thấp và di chuyển sang khu vực Thượng Lào, nhiều địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ vẫn đang oằn mình chống chọi với hậu quả nặng nề do mưa lớn, sạt lở đất và ngập lụt kéo dài.

Thanh Hóa: Giao thông quốc lộ bảo đảm, đường tỉnh còn nhiều điểm tắc

Tại Thanh Hóa, mưa lớn gây sạt lở ta-luy dương, đất đá tràn xuống mặt đường tại 28 vị trí trên các tuyến quốc lộ, tăng gấp đôi so với một ngày trước.

Riêng quốc lộ 15C tại xã Nhi Sơn từng bị tắc hoàn toàn, đã được xử lý thông xe. Trên các tuyến đường tỉnh, 12 điểm ngập trên các tuyến đường tỉnh (ĐT.505, ĐT.512, ĐT.520...), gây ách tắc cục bộ, nhiều nơi có sạt lở ta-luy âm, đá lăn. Chính quyền đã triển khai rào chắn, biển cảnh báo và trực gác tại các điểm nguy hiểm.

Nghệ An: Thiệt hại nghiêm trọng nhất, hàng trăm điểm sạt lở và ngập lụt

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Nghệ An ghi nhận 83 điểm sạt lở ta luy trên quốc lộ, trong đó Quốc lộ 7 chiếm 36 điểm, Quốc lộ 16 có 30 điểm và Quốc lộ 48 có 16 điểm, phần lớn gây tắc đường. Thêm vào đó, có tới 24 điểm ngập trên quốc lộ, trong đó 20 điểm gây tắc giao thông, đặc biệt là tại Quốc lộ 7.

Trên các tuyến tỉnh lộ, thiệt hại cũng lan rộng với 16 điểm sạt nền đường và 16 điểm ngập sâu, nhiều đoạn bị chia cắt hoàn toàn. Hiện địa phương đang tập trung tối đa lực lượng, máy móc để thông tuyến.

Phía bắc và duyên hải: Sạt lở nhỏ lẻ, giao thông cơ bản ổn định

Các khu vực từ Thanh Hóa trở ra bắc do Khu Quản lý đường bộ I quản lý không ghi nhận điểm ngập mới. Một số vị trí sạt ta luy và cây đổ trên Quốc lộ 6 đang được xử lý. Khu Quản lý đường bộ II (Nghệ An-Huế) ghi nhận sự cố cây đổ tại Hà Tĩnh, đã được khắc phục ngay trong sáng 23/7.

Tại Quảng Ninh, tuyến đường tỉnh (ĐT.326) qua tràn Vũ Oai vẫn ngập cục bộ, các đoạn sạt ta-luy dương và âm được xử lý bằng rào chắn và biển cảnh báo.

Mặt cầu Sông Chanh trên cao tốc Bạch Đằng-Hạ Long bị hư hỏng, đã được cắm biển giới hạn tốc độ. Giao thông cầu Bãi Cháy đã trở lại bình thường.

Hải Phòng ghi nhận hơn 900 cây xanh gãy đổ, một số tuyến đô thị bị ngập nhẹ nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng. Ước tính thiệt hại hạ tầng giao thông gần 1 tỷ đồng.

Hưng Yên, Sơn La, Quảng Trị và Lâm Đồng cũng báo cáo các sự cố nhỏ như cây đổ, hư hỏng biển báo nhưng đều đã được xử lý kịp thời.

Phối hợp đồng bộ, nỗ lực khắc phục

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết: "Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam đang tiếp tục cử các đoàn công tác kiểm tra thực tế, đôn đốc khắc phục hậu quả thiên tai.

Tất cả các Khu Quản lý đường bộ và Sở Xây dựng tại khu vực ảnh hưởng đã triển khai phương án ứng phó nhanh, phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Đến thời điểm hiện tại, phần lớn quốc lộ đã cơ bản thông suốt, tuy nhiên một số đoạn đường tỉnh tại Nghệ An và Thanh Hóa vẫn còn bị chia cắt. Công tác khắc phục đang được gấp rút triển khai trong điều kiện thời tiết tiếp tục có mưa lớn ở một số khu vực".

KIM CƯƠNG