Ngay sau khi bão số 3 đi qua, các đơn vị quản lý đường bộ, cùng với sự phối hợp của lực lượng Cảnh sát giao thông và các địa phương, đã khẩn trương triển khai các phương án ứng phó và khắc phục.
Hàng loạt công việc như hót dọn bùn đất, khơi thông cống rãnh, dựng rào chắn cảnh báo tại các điểm sạt lở, phân luồng giao thông tại khu vực ngập úng… đã được ngành đường bộ triển khai khẩn trương.
Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra hiện trường tại những tuyến trọng điểm như cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 3, Quốc lộ 16, 15C và các tuyến BOT. Riêng tại cầu Bãi Cháy, cầu Tân Vũ-Lạch Huyện-những điểm có kết cấu đặc biệt, việc kiểm soát an toàn được thực hiện nghiêm ngặt để bảo vệ người và phương tiện qua lại trong thời điểm có gió mạnh.
Một số điểm sạt lở và ngập úng vẫn đang được theo dõi sát sao. Điển hình như tại tuyến QL.15C đoạn Km77+700 (xã Nhi Sơn, Thanh Hóa) và đoạn QL.16 qua xã Nhôn Mai (Nghệ An), đất đá tiếp tục có nguy cơ trượt xuống nên máy móc đã tập kết nhưng chưa thể triển khai xử lý do điều kiện chưa bảo đảm an toàn.
Tại Thanh Hóa, hơn 20.000 m³ đất đá sạt trượt, một số đoạn đường bị trồi lún, tường chắn bị đổ. Dù một số đoạn vẫn ngập 15cm, nhưng chưa có điểm nào bị tắc đường nghiêm trọng. Trong khi đó, tại Nghệ An, 7/8 vị trí sạt lở trên QL.16 làm gián đoạn giao thông, nhưng cũng đang được khẩn trương khắc phục.
Các khu quản lý đường bộ II, III, IV (phụ trách khu vực từ Nghệ An đến miền Tây Nam Bộ) nhìn chung không ghi nhận thiệt hại lớn. Giao thông thông suốt, nhưng công tác kiểm tra, giám sát vẫn đang tiếp tục triển khai do mưa vẫn diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo về Cục Đường bộ Việt Nam của một số địa phương như Sơn La, Quảng Trị báo cáo cho biết, tại các địa phương này hiện chưa có thiệt hại về hạ tầng giao thông đường bộ.
"Việc bảo đảm an toàn giao thông, giữ cho mạng lưới đường bộ quốc gia hoạt động thông suốt là ưu tiên hàng đầu của đơn vị. Các lực lượng thuộc Cục Đường bộ Việt Nam vẫn đang ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng xử lý tình huống mới phát sinh, nhất là tại các khu vực miền núi và vùng trũng thấp, nơi còn tiềm ẩn nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất", Phó Cục trưởng Đường bộ Việt Nam-Thanh Hoài khẳng định với Báo Nhân Dân.