Xã mới gần dân, kiến tạo phát triển

Thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cán bộ, công chức xã Điềm Thụy (tỉnh Thái Nguyên mới) đã chuyển mạnh tư duy từ quản lý sang lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ và nỗ lực tạo xung lực phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Hằng ngày, cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Điềm Thụy làm hết việc chứ không làm hết giờ.
Hằng ngày, cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Điềm Thụy làm hết việc chứ không làm hết giờ.

Phục vụ người dân, doanh nghiệp

Xã Điềm Thụy được thành lập trên cơ sở sáp nhập bốn xã thuộc huyện Phú Bình (cũ) gồm: Nga My, Hà Châu, Điềm Thụy và Thượng Đình với dân số gần 42 nghìn người, diện tích hơn 42 km2.

Diện tích lớn, khoảng cách từ đầu xã đến cuối xã dài hơn 20 km, để tạo thuận lợi cho người dân, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã được tổ chức tại hai điểm. Một đặt tại trụ sở UBND xã Điềm Thụy; điểm thứ hai đặt tại trụ sở xã Nga My (cũ), nơi đặt trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Điềm Thụy, hai điểm này cách nhau gần 7 km. Đây cũng là trở ngại trong quá trình vận hành bộ máy mới, song lãnh đạo địa phương đã quán triệt cán bộ chủ động khắc phục về đi lại nhằm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, chuyển mạnh từ tư duy quản lý sang phục vụ. Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức đều ý thức nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới tác phong, không để chậm trễ công việc, nhất là giải quyết thủ tục hành chính.

Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, UBND xã Điềm Thụy đã nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, lịch sự tại hai điểm giải quyết thủ tục hành chính của Trung tâm Phục vụ hành chính công, đặc biệt nâng cấp đường truyền có dung lượng lớn để thông suốt, liên thông với cấp tỉnh. Bố trí cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến một cách nhanh chóng, đúng quy định.

Đến làm thủ tục cấp đổi giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Điềm Thụy, ông Dương Văn Thủ ở xóm Trạng chia sẻ: “Tôi được cán bộ tiếp đón nhiệt tình, rà soát, tiếp nhận giấy tờ đầy đủ và phát phiếu hẹn đến nhận giấy chứng nhận mới”.

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy, cho biết: “Hầu hết các chức năng, nhiệm vụ của cấp huyện trước đây đã được chuyển về cấp xã. Mặc dù tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của xã còn mới nhưng chúng tôi bố trí cán bộ thông thạo công nghệ thông tin làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp một cách tận tình, đúng hẹn. Hiện nhiều việc được giải quyết chỉ trong nửa ngày”.

Phát triển kinh tế, xã hội

Xã Điềm Thụy giáp vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, Quốc lộ 37, các tuyến tỉnh lộ chạy qua, kết nối với nhiều khu công nghiệp lớn của tỉnh Thái Nguyên và cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Trên địa bàn có Khu công nghiệp Điềm Thụy, xã được xác định phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, khu đô thị, nhà ở mà tỉnh Thái Nguyên đã quy hoạch và đang triển khai. Điển hình là Khu công nghiệp Yên Bình 3 có diện tích 295 ha, Khu công nghiệp Điềm Thụy B có diện tích 180 ha, Khu công nghiệp Công nghệ thông tin gần 200 ha, ba cụm công nghiệp có tổng diện tích gần 140 ha… đang được khẩn trương giải phóng mặt bằng để giao đất cho các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng. Cùng với đó là xây dựng các khu tái định cư để bố trí, sắp xếp chỗ ở cho khoảng 1.000 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp; các khu tái định cư, khu dân cư, đô thị...

Tỉnh Thái Nguyên yêu cầu công việc giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp, khu tái định cư trên địa bàn xã Điềm Thụy phải khẩn trương để thu hút đầu tư, trong khi đó hầu hết các chủ hộ gia đình trong diện giải phóng mặt bằng đều đi làm công nhân trong các khu công nghiệp, nên lãnh đạo và cán bộ xã thường phải đến các gia đình này vào buổi tối, sáng sớm, hoặc ngày thứ bảy, chủ nhật để vận động, kiểm đếm, thống kê bồi thường giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo, cán bộ xã làm việc gần như không có ngày nghỉ với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết công việc, người dân đồng thuận cao, quyết tâm xây dựng địa phương có kinh tế, xã hội phát triển.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy Lê Thanh Sơn, trên địa bàn xã có 15 dự án cụm, khu công nghiệp, khu dân cư, đô thị, khu tái định cư đang phải giải phóng mặt bằng từ nay đến năm 2026. Áp lực đối với lãnh đạo, công chức xã là rất lớn, nhưng cũng là cơ hội để đưa Điềm Thụy trở thành xã có công nghiệp, đô thị, dịch vụ phát triển, nâng cao đời sống người dân nên mọi cán bộ phải nỗ lực cao nhất.

THẾ BÌNH