Y tế

Vì sao nhiều bệnh nhân vượt tuyến?

Tại những trạm y tế xã, phòng khám thưa vắng bệnh nhân, thiết bị y tế lạc hậu, bác sĩ làm việc trong cảnh thiếu thốn đủ bề. Trong khi đó, ở các bệnh viện tuyến Trung ương, từng hàng dài người bệnh kiên nhẫn ngồi chờ đến lượt khám, bất chấp chật chội và quá tải.

Nhiều trạm y tế xã vắng bệnh nhân.
Nhiều trạm y tế xã vắng bệnh nhân.

Một đầu hệ thống y tế trống vắng, đầu kia chen chúc, tạo ra nghịch cảnh vừa lãng phí, vừa kiệt sức cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến cuối. Phải chăng chính những mắt xích yếu ớt từ cơ sở đã thổi bùng làn sóng vượt tuyến, đẩy bệnh viện tuyến trên vào tình thế “nút thắt cổ chai” không dễ tháo gỡ?

Nhìn từ trạm y tế xã

Ở nhiều vùng quê, trạm y tế xã vẫn vắng bệnh nhân dù mở cửa suốt tuần. Bác sĩ, nếu có, cũng thường kiêm luôn nhiều vai trò, từ khám bệnh, tiêm chủng đến quản lý chương trình sức khỏe cộng đồng cùng các trang thiết bị nghèo nàn. Vì vậy, chỉ cần người dân ho, sốt hay đau bụng lâu ngày, họ đã lo lắng vượt lên các bệnh viện tuyến trên. Nhìn từ các trạm y tế xã, bức tranh quá tải ở bệnh viện tuyến Trung ương bỗng hiện lên rõ nét những mạch đứt gãy ngay từ gốc. Trong hệ thống y tế Việt Nam, trạm y tế xã là tuyến chăm sóc sức khỏe gần dân nhất, song nhiều nơi đang lâm vào cảnh hoạt động dưới công suất, thiết bị y tế đơn sơ, nguồn nhân lực thiếu hụt. Theo nghiên cứu, chỉ 32,8% trung tâm y tế và bệnh viện huyện (cũ) thực hiện được hơn 80% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn, ở cấp xã, năng lực chuyên môn còn hạn chế hơn nữa.

Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, không ít trạm y tế xã chỉ có vài bác sĩ hoặc y sĩ đa khoa, thiết bị chủ yếu là máy đo huyết áp, máy siêu âm đơn giản, còn các xét nghiệm cơ bản cũng khó triển khai. Nhiều máy móc hư hỏng hoặc hết niên hạn sử dụng mà không có kinh phí sửa chữa hay thay mới, buộc người dân khi có bệnh - kể cả những bệnh lý đơn giản như sốt, ho, viêm họng - phải vượt tuyến. Trong bối cảnh ấy, niềm tin của người dân với y tế tuyến xã bị xói mòn, tạo thành “lực đẩy” dồn tất cả về tuyến trên.

Không thể trông mong tuyến trên hết quá tải khi tuyến dưới vẫn yếu thế như vậy.

Nơi có máy lại thiếu bác sĩ, nơi có bác sĩ lại thiếu máy

Nhắc đến quá tải các bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều người nghĩ ngay: bệnh nhân đông, bệnh nặng nhiều. Nhưng thực chất, việc quá tải này không phải chỉ là vấn đề đông bệnh nhân, mà đó là hệ quả của một ma trận nguyên nhân phức tạp, đan xen từ phía cung lẫn phía cầu, với những sợi dây vô hình nhưng dai dẳng. Nếu không hiểu đúng những nguyên nhân gốc rễ, thì thêm bao nhiêu giường bệnh hay thêm bao nhiêu bác sĩ cũng chưa đủ để “hạ nhiệt” tuyến cuối.

Một trong những nút thắt nghiêm trọng nhất là thiếu hụt nhân lực y tế, cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là ở tuyến dưới. Tại nhiều bệnh viện, tỷ lệ nhân viên y tế trên giường bệnh chỉ đạt 0,6-0,7, thấp hơn nhiều so với mức định biên tối thiểu 0,5-2 người/giường, tùy hạng bệnh viện. Trong lĩnh vực y tế dự phòng, tình hình càng trầm trọng: cả nước thiếu tới gần 24.000 người, mới chỉ đáp ứng được 42% nhu cầu.

Đáng lo hơn, các bệnh viện tuyến huyện (cũ) gặp khó khăn lớn trong việc giữ chân bác sĩ giỏi. Nhiều bác sĩ được đào tạo hoặc chuyển giao kỹ thuật từ các đề án như Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816... lại rời bỏ tuyến cơ sở để lên tuyến tỉnh, tuyến Trung ương hoặc sang khu vực tư nhân. Lý do rất thực tế: thu nhập thấp, cơ hội thăng tiến ít, môi trường làm việc áp lực. Tuyến dưới không có đủ bác sĩ trình độ cao để chẩn đoán và xử lý ca bệnh ngay từ đầu. Hậu quả là mọi ca bệnh phức tạp, thậm chí cả bệnh nhẹ, cũng bị đẩy lên tuyến trên, tạo thêm áp lực.

Nếu có bác sĩ mà không có máy móc thì cũng bằng không. Nhưng nếu có máy móc mà không có bác sĩ vận hành, lại còn tệ hơn. Bi kịch này đang diễn ra ở không ít bệnh viện tuyến huyện (cũ), có máy móc nhưng thiếu bác sĩ đủ trình độ sử dụng. Đơn cử, Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà (cũ), tỉnh Hà Tĩnh được trang bị thiết bị hiện đại nhưng không có bác sĩ chính quy vận hành, đành “trùm mền”. Nhiều máy móc ở tuyến dưới đã hết khấu hao từ lâu, hỏng hóc mà không có kinh phí sửa chữa hay thay mới. Điển hình, máy tán sỏi ngoài cơ thể tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai (cũ) đã hỏng hơn 2 năm, buộc bệnh nhân phải chuyển tuyến.

Tình trạng thiếu thiết bị không chỉ dừng ở tuyến dưới. Ngay cả các bệnh viện Trung ương cũng đang gặp khó khăn về trang thiết bị. Bệnh viện Bạch Mai - mỗi ngày tiếp nhận 8.000-10.000 lượt bệnh nhân - vẫn chật vật vì nhiều hợp đồng liên kết máy móc hết hạn, phải chờ ký mới.

Việt Nam vẫn dành tỷ trọng ngân sách cho y tế khá khiêm tốn. Chi tiêu công cho y tế thấp hơn mức cần thiết để bù đắp khoảng cách đầu tư giữa tuyến trên và tuyến dưới. Nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến cơ sở than thở: “Máy thì có thể mua, nhưng không có tiền để vận hành. Hoặc không có bác sĩ để chạy máy. Cuối cùng, phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”.

Bệnh tật đổi chiều và niềm tin hao hụt

Khác với 20 năm trước, gánh nặng bệnh tật giờ đây không còn chủ yếu là bệnh nhiễm trùng, mà dịch chuyển mạnh sang bệnh không lây nhiễm (NCDs) như tim mạch, ung thư, tiểu đường, bệnh hô hấp mãn tính. Những con số thật sự đáng lo: 80% số ca tử vong tại Việt Nam do bệnh không lây nhiễm (mỗi năm hơn 350.000 người).

78d3d7d14a763c7e67649afad35fa9aa.jpg
Khám bệnh cho bệnh nhân ở tuyến cơ sở.

Các bệnh này thường phải điều trị dài ngày, cần máy móc chẩn đoán hiện đại, bác sĩ chuyên sâu, khiến người dân tin rằng chỉ tuyến trên mới đủ khả năng cứu chữa, dù nhiều ca hoàn toàn có thể được xử lý ở tuyến dưới nếu hạ tầng đủ tốt. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đẩy bệnh viện Trung ương vào tình trạng quá tải chính là tâm lý vượt tuyến ăn sâu trong xã hội Việt Nam. 80% người bệnh đến bệnh viện Trung ương không tin chất lượng tuyến dưới, kể cả với những bệnh rất nhẹ. “Khám lại cho chắc” không còn là chuyện riêng của các ca bệnh phức tạp, mà trở thành phản xạ xã hội, biến tuyến Trung ương thành nơi “kiểm tra lại” mọi chẩn đoán. Điều nguy hiểm là tâm lý này tạo ra “lực hút” cực lớn về phía bệnh viện tuyến Trung ương, ngay cả khi tuyến dưới đủ sức xử lý. Hậu quả, tuyến trên phải lo chữa cả bệnh nhẹ, còn bệnh nặng thì thêm quá tải.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cùng Thông tư 01/2025/TT-BYT có nhiều điểm tiến bộ. Trong đó, cho phép bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh hiếm gặp được “thông tuyến” lên bệnh viện Trung ương mà không cần giấy chuyển tuyến, vẫn hưởng 100% quyền lợi bảo hiểm y tế. Chính sách này rất nhân văn, nhất là với bệnh nhân nghèo, mắc bệnh phức tạp. Nhưng nó cũng vô tình hợp thức hóa tâm lý vượt tuyến, khiến ngay cả những ca không thật sự cần thiết cũng tìm đường lên tuyến cuối. Nếu tuyến dưới không đủ năng lực sàng lọc và không có cơ chế “giữ bệnh nhân lại” hợp lý, các quy định thông tuyến sẽ trở thành con dao hai lưỡi, đẩy các bệnh viện tuyến cuối vào tình cảnh quá tải hơn.

Một điểm đáng chú ý, ngay từ góc nhìn của lãnh đạo ngành và chuyên gia, hai nguyên nhân then chốt đã được chỉ rõ. Trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận định, tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên một phần xuất phát từ sự chênh lệch về chuyên môn kỹ thuật giữa các vùng miền, giữa tuyến trên và tuyến dưới, khiến nhiều ca bệnh buộc phải chuyển lên tuyến trên do tuyến dưới chưa đủ năng lực thực hiện các kỹ thuật tương ứng. Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu lại nhấn mạnh gốc rễ sâu xa chính là sự mất niềm tin của người dân vào y tế tuyến cơ sở. Ông đề xuất cần nâng cao thực chất năng lực tuyến cơ sở, tổ chức bác sĩ tuyến trên khám định kỳ tại trạm y tế xã, đồng thời cải thiện chính sách đãi ngộ để giữ chân bác sĩ giỏi tại địa phương, như một giải pháp then chốt để giảm tải tuyến trên.

Tất cả những nguyên nhân nói trên đang khóa chặt hệ thống y tế Việt Nam vào một vòng luẩn quẩn: tuyến dưới thiếu nhân lực, máy móc, niềm tin dẫn đến bệnh nhân vượt tuyến; tuyến trên quá tải nên ít thời gian hỗ trợ tuyến dưới; tuyến dưới mãi không khá lên nên bệnh nhân tiếp tục vượt tuyến.

TS ĐINH THẮNG