Ứng dụng AI trong môi trường đại học

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy sự chuyển đổi từ mô hình truyền thông và giáo dục tuyến tính truyền thống sang trải nghiệm tương tác đa chiều.

Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Đại học Đà Nẵng tiên phong tổ chức cuộc thi trí tuệ nhân tạo Danang AI for Life.
Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Đại học Đà Nẵng tiên phong tổ chức cuộc thi trí tuệ nhân tạo Danang AI for Life.

Thời gian gần đây, các trường đại học tại Đà Nẵng vừa xây dựng chương trình đào tạo AI, vừa đổi mới phương thức tiếp cận, đào tạo và sử dụng AI để đưa thông tin đến nguồn thí sinh mục tiêu, nhằm mở rộng tuyển sinh, tiết kiệm chi phí, phù hợp xu hướng công nghệ hiện nay.

ĐỔI MỚI TRUYỀN THÔNG ĐẠI HỌC

Theo ông Nguyễn Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Học liệu và truyền thông, Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, đơn vị tận dụng các công cụ thiết kế như Canva để tạo nội dung trực quan hấp dẫn và CapCut Pro để biên tập video phục vụ truyền thông trên mạng xã hội. Nhà trường triển khai hệ thống trả lời tự động trên Fanpage, hỗ trợ giải đáp nhanh các thắc mắc về thông tin tuyển sinh. “Theo số liệu so sánh sau khi sử dụng các công cụ AI như Canva AI, CapCut…, đội ngũ truyền thông tăng 40% số lượng sản phẩm như video tuyển sinh và bài đăng mạng xã hội khoảng từ tháng 6/2024 đến hiện tại, đồng thời giảm 30% thời gian thiết kế, dựng video. Các công cụ AI giúp tối ưu hóa quy trình sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp của nội dung. Nhà trường định hướng tích hợp chatbot AI và phân tích dữ liệu trong tương lai để cá nhân hóa thông điệp, dự kiến tăng 20% tỷ lệ tương tác với học sinh, sinh viên, bảo đảm sử dụng AI minh bạch và có đạo đức”, ông Triều cho biết.

Các phương thức truyền thông truyền thống mặc dù tạo sự gắn kết trực tiếp giữa người với người, song lại bộc lộ hạn chế về quy mô và hiệu quả. Hoạt động tuyển sinh trước đây phụ thuộc nhiều vào tờ rơi, áp-phích và sự kiện trực tiếp, khó nhắm trúng đối tượng và tốn kém nguồn lực. Việc thiếu các công cụ tự động hóa khiến khối lượng công việc thủ công cho cán bộ, giảng viên rất lớn, dễ xảy ra chậm trễ hoặc sai sót… Tất cả hạn chế này đặt ra nhu cầu chuyển đổi phương thức truyền thông, mở đường cho các giải pháp số hóa và AI trong giai đoạn sau. Bộ phận truyền thông Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cũng sử dụng AI để phân tích dữ liệu mạng xã hội, đo lường hiệu quả các bài đăng và tối ưu thời điểm đăng nội dung. Nhờ AI, nhà trường có thể theo dõi xu hướng thảo luận của sinh viên, cựu sinh viên trên mạng xã hội và kịp thời điều chỉnh thông điệp truyền thông.

Bà Lê Vân Trúc Ly, giảng viên Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng, việc triển khai các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội của nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn mang tính kinh nghiệm và thiếu đánh giá định lượng, nhất là từ góc nhìn của sinh viên, những người trực tiếp tiếp nhận, xử lý và ra quyết định dựa trên thông tin được cung cấp.

Mặt khác, sự hài lòng của sinh viên đối với thông tin tuyển sinh không đơn thuần phản ánh mức độ chấp nhận thông tin, mà còn cho thấy mức độ hiệu quả trong việc nhà trường đáp ứng kỳ vọng, hỗ trợ ra quyết định và xây dựng niềm tin học thuật. Nền tảng truyền thông xã hội được các cơ sở giáo dục đại học sử dụng rộng rãi như một kênh truyền thông tuyển sinh chủ lực.

ỨNG DỤNG AI VÀO ĐÀO TẠO

Đại học Duy Tân giảng dạy và huấn luyện bắt buộc các kỹ năng trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial Intelligence) và kiến thức khởi nghiệp cho tất cả sinh viên bậc đại học kể từ năm học 2025-2026. Sinh viên buộc phải học 3 tín chỉ AI bắt buộc, chuyên sâu tùy theo chuyên ngành đào tạo; trải dài suốt hành trình đại học, bảo đảm tính liên tục, thực tiễn và phù hợp từng ngành học. Mục tiêu là không chỉ giúp sinh viên hiểu biết về AI mà còn biến AI này thành một phần không thể thiếu trong tư duy nghề nghiệp của sinh viên. Để bắt kịp xu thế này trong thời đại kỷ nguyên số, Đại học Duy Tân xác định không chỉ dạy AI như các môn học thông thường mà định hướng xây dựng năng lực AI như một nền tảng cốt lõi, giúp sinh viên thích nghi, đổi mới và ứng dụng hiệu quả nhất trong thời đại số.

Trong khi đó, Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng không chỉ tiếp cận ứng dụng AI thông qua các hoạt động hội thảo, tọa đàm, chuyên đề, mà còn xây dựng định hướng chiến lược trong đào tạo, nghiên cứu công nghệ số và AI. Theo PGS, TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng nhà trường, ngành Kỹ sư trí tuệ nhân tạo được nhà trường tuyển sinh từ năm 2021 thu hút khoảng 1.000 sinh viên mỗi năm. Với định hướng quốc tế hóa toàn diện, nhà trường chú trọng gắn kết đào tạo với xu thế toàn cầu và nhu cầu của thị trường lao động, giúp sinh viên sẵn sàng hội nhập môi trường toàn cầu ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

PGS, TS Nguyễn Lê Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng khẳng định, sự bùng nổ của AI, đặc biệt trong giáo dục và nghiên cứu, đem lại nhiều cơ hội, thách thức. Điều này buộc nhà trường, giảng viên cần nhạy bén đổi mới tư duy, nâng cao năng lực ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn gắn với chuyển đổi số. Việc tăng cường tiếp cận, ứng dụng AI và khai thác công nghệ số góp phần nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, giảng viên, sinh viên.

Thời gian tới, nhà trường tăng cường hơn nữa các hoạt động tập huấn chuyên sâu về ứng dụng AI, qua đó hỗ trợ, thúc đẩy cán bộ, giảng viên và sinh viên nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và quản trị đại học.

Bạn Phan Minh Nhật, sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng vừa xuất sắc phát triển hệ thống MedCapSys - một giải pháp AI hiện đại có khả năng phân tích ảnh cộng hưởng từ (MRI) não, hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh lý chính xác và nhanh chóng hơn. Minh Nhật chia sẻ, bạn tự tin theo đuổi các đề tài AI trong y học như MedCapSys nhờ vào ý tưởng và kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, sự hướng dẫn tận tâm của giảng viên và một chương trình đào tạo bài bản, luôn cập nhật công nghệ mới. Ngoài ra, môi trường nghiên cứu ở trường luôn khuyến khích sinh viên tham gia các đề tài thực tế, giúp Minh Nhật tích lũy nhiều kinh nghiệm quan trọng, hình thành tư duy nghiên cứu và khả năng làm việc nhóm từ sớm. Việc học và nghiên cứu tại trường giúp sinh viên có thêm cơ hội tiếp cận công nghệ mới như AI ngay trên ghế giảng đường

Bài và ảnh: ANH ĐÀO