Nói về sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong phần này của cuốn sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh điểm lại quá trình từ ngày 22/11/2012, khi ông trực tiếp được gặp và xin ý kiến Tổng Bí thư về nhu cầu cấp thiết của việc cần phải có một văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước ta về Chiến lược quốc phòng, quân sự đến khi thông qua Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-4-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Chiến lược quốc phòng Việt Nam” - Nghị quyết tập trung vào các kế sách bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước theo tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.
Ngay từ khi được gặp Tổng Bí thư và trực tiếp đưa ra đề xuất, Tổng Bí thư đã đặt ra những câu hỏi thể hiện sự am hiểu tường tận của Tổng Bí thư về những vấn đề của nền quốc phòng Việt Nam, gợi mở các vấn đề, định hướng để xây dựng Chiến lược quốc phòng Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng tả lại cảm xúc “mừng rơn” khi nghe Tổng Bí thư phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 sáng 16/12/2013, tại Hà Nội, Tổng Bí thư cho rằng: Nhiệm vụ tối thượng hiện nay là bảo vệ hòa bình cho đất nước bên cạnh cái đang có là chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ, chủ nghĩa xã hội...
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, đó chính là “điểm mở” của Tổng Bí thư cho việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chiến lược quốc phòng, quân sự Việt Nam. Bảo vệ Tổ quốc đồng nghĩa với bảo vệ hòa bình, bảo vệ hòa bình là một nội hàm của bảo vệ Tổ quốc và phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sứ mệnh này.
Đặc biệt, trong việc xây dựng Chiến lược quốc phòng Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đưa ra gợi mở, định hướng, tư duy chiến lược, tầm nhìn khái quát, triết lý hóa các mâu thuẫn và xu thế vận động liên quan, ông còn trực tiếp sửa từng trang bản thảo.
Với việc ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018, Chiến lược quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược; mang tính hòa bình, tự vệ bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; dựa trên nền tảng đường lối chính trị đúng đắn là nhân tố quyết định, sức mạnh quốc phòng là then chốt, sức mạnh quân sự là đặc trưng, trực tiếp là sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân; xây dựng, củng cố quan hệ, lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các đối tác chiến lược, tạo thế để bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra.
Cụ thể hơn, Chiến lược quốc phòng Việt Nam là bộ phận chủ đạo, cụ thể hóa Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc cả trong và ngoài lãnh thổ; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.
Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta luôn coi trọng việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng nhiều biện pháp, trong đó có các hoạt động bang giao, giữ hòa khí với các nước láng giềng, bảo vệ hòa bình, tránh nạn binh đao; chăm lo xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, thực hiện “khoan thư sức dân” làm kế sâu rễ, bền gốc, “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phát huy, thực hiện thành công các biện pháp này.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định các chiến lược quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội, ngoại giao... để xây dựng năng lực, sức mạnh, bảo vệ hòa bình cho Tổ quốc, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng để lại những dấu ấn trong việc nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Đảng ta, đất nước ta; củng cố và phát triển mối quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước lớn.
Từ khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội XI năm 2011, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài quan trọng, cũng như đón tiếp lãnh đạo các nước đến Việt Nam.
Tháng 10/2011, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực và trao đổi những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước.
Nhân chuyến thăm này, hai bên ra Tuyên bố chung và Thỏa thuận nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, đóng vai trò quan trọng trong cải thiện quan hệ Việt-Trung, là bước đi tích cực trong giải quyết bất đồng thông qua đàm phán và đối thoại. Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc được đưa ra nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12-2023, khẳng định hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác tập trung vào 6 phương hướng lớn: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện chuyến thăm lần thứ 5 tới Việt Nam nhưng là lần đầu tiên ông thăm cấp nhà nước theo lời mời của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại hội đàm với Tổng thống Putin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối quốc phòng "4 không", triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, trong đó có việc củng cố mạnh mẽ quan hệ với các nước láng giềng, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác.
Trong khi đó, Tổng thống Putin nhấn mạnh phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới trong quan hệ hai nước.
Trong thư chia buồn ngày 19/7 trước tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã hiến dâng cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc. Qua nhiều năm công tác trên các cương vị trọng trách của Nhà nước và Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự kính trọng sâu sắc của người dân Việt Nam và có uy tín lớn trên trường quốc tế. Nước Nga sẽ nhớ đến Tổng Bí thư như một người bạn thực sự có đóng góp cá nhân to lớn cho việc thiết lập và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Moscow và Hà Nội”.
Trước đó, tháng 7/2015, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ. Lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có chuyến thăm chính thức đến Hoa Kỳ. Chuyến thăm cho thấy hai quốc gia có chế độ chính trị khác nhau vẫn có thể vượt qua khác biệt, hiểu biết và hợp tác với nhau vì lợi ích chung.
Thành quả của chuyến thăm này vẫn được nhắc đến trong tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khi được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người ủng hộ mạnh mẽ mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của ngài, tình hữu nghị và quan hệ đối tác giữa hai quốc gia đã được vun đắp và phát triển. Chuyến thăm lịch sử của ngài tới Nhà Trắng vào năm 2015 là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương. Nhờ tầm nhìn của ngài, trong chuyến thăm cấp nhà nước của tôi tới Hà Nội vào năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, cấp độ đối tác cao nhất trong hệ thống quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Người dân Việt Nam và Hoa Kỳ, cùng với người dân khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngày nay được hưởng an ninh và nhiều cơ hội hơn nhờ có tình hữu nghị và quan hệ đối tác giữa hai quốc gia chúng ta. Điều đó có được là nhờ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước những biến động lớn, phức tạp, khó lường trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động, đột phá để bảo vệ cao nhất lợi ích của quốc gia-dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
BÀI ĐĂNG BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ, NGÀY 25/7/2024