Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người quan tâm định hướng phát triển văn hóa

NDO - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là người có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mang tính dẫn dắt và định hướng cho lĩnh vực văn hóa. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người, đồng thời thúc đẩy hội nhập với thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tháng 7-2023. Ảnh: TRÍ DŨNG
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tháng 7-2023. Ảnh: TRÍ DŨNG

1. Tình yêu dành cho văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố quan trọng. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thành phố có truyền thống văn hóa lâu đời, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc, gia đình và quê hương đã truyền vào đồng chí tình yêu sâu sắc đối với văn hóa.

Học vấn chuyên sâu về văn hóa và ngôn ngữ tiếp thu tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã củng cố thêm tình yêu và vốn hiểu biết sâu rộng của đồng chí về văn hóa Việt Nam.

Hơn hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều năm công tác trong các lĩnh vực liên quan đến tư tưởng và văn hóa, như biên tập viên, nhà nghiên cứu ở Tạp chí Cộng sản (1967-1996); phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa và khoa giáo của Đảng (1998-2000); Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (2001-2006).

Đây là giai đoạn đặc biệt trong lịch sử đất nước khi Việt Nam đang thực hiện rất thành công công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường và tiến hành hội nhập quốc tế sâu rộng. Thành quả của sự phát triển đất nước được cảm nhận rõ ràng ở mọi mặt của xã hội, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Song, mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và từ các phương tiện truyền thông mới đã tác động rất lớn đến đời sống văn hóa, tạo ra những vấn đề mới mẻ chưa từng có tiền lệ trong xây dựng văn hóa và con người.

Bên cạnh thuận lợi cũng có nhiều nguy cơ: Chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, lối sống hưởng thụ, đua đòi thiếu lành mạnh, văn hóa ngoại lai lấn át, các giá trị truyền thống bị phai nhạt, thương mại hóa văn hóa-văn nghệ quá đà không tính đến lợi ích lâu dài... đã làm xói mòn những giá trị văn hóa dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đạo đức cộng đồng, cá nhân. Tất cả đòi hỏi một định hướng phát triển văn hóa đúng đắn, rõ ràng để làm hệ điều tiết, dẫn dắt sự phát triển văn hóa, xây dựng con người cũng như sự phát triển chung của đất nước.

Trong bài viết “Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội” đăng trên Thời báo Tài chính ngày 22-9-1994, đồng chí nhấn mạnh: “Càng đi vào kinh tế thị trường trong thời đại văn minh này, chúng ta càng nhận rõ phải phát triển văn hóa, chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, coi đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu của công cuộc xây dựng xã hội mới”.

Cũng trong bài viết này, đồng chí đã làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa: “Nếu tăng trưởng kinh tế là điều kiện, là tiền đề của phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội thì phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội lại là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay ở nước ta, tăng trưởng kinh tế không tự nó giải quyết được tất cả các vấn đề văn hóa, xã hội, càng không chờ đến lúc kinh tế phát triển cao mới quan tâm đến những vấn đề văn hóa, xã hội. Trái lại, chính việc giải quyết tốt những vấn đề văn hóa, xã hội là điều kiện quyết định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

2. Trong bối cảnh đó, vai trò của đồng chí Nguyễn Phú Trọng thực sự rất có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một học giả có sự hiểu biết sâu rộng về lý luận chính trị và văn hóa. Đồng chí đã viết nhiều bài báo, tác phẩm nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và văn hóa dân tộc. Những tác phẩm này không chỉ thể hiện kiến thức uyên thâm mà còn cho thấy sự trăn trở về con đường phát triển đất nước, làm sao để vừa giữ gìn được truyền thống dân tộc, vừa hội nhập, phát triển hiện đại.

Những tư tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và truyền thống đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí luôn hướng đến việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng trong công tác lãnh đạo chính trị.

Tình yêu của Tổng Bí thư dành cho văn hóa thấm đẫm trong từng chỉ đạo, bài viết, câu nói. Tinh thần “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” hay “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc”, “văn hóa còn thì dân tộc còn” thể hiện sâu sắc nhất mong muốn của ông về vai trò dẫn dắt, điều tiết sự phát triển đất nước của văn hóa, cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn những giá trị của văn hóa dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tích cực ủng hộ và khuyến khích các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đồng chí từng nhiều lần nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước. Tổng Bí thư cũng đề cao giá trị của nền văn hóa Việt Nam, khẳng định rằng bảo vệ văn hóa truyền thống là bảo vệ nền tảng tinh thần và bản sắc của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng tích cực tham gia vào các hội nghị, diễn đàn văn hóa, gặp gỡ các văn nghệ sĩ, trí thức để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và góp phần vào việc xây dựng chính sách văn hóa hợp lý. Trong những cuộc gặp gỡ, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ, trí thức trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, cũng như khuyến khích họ sáng tạo, phát triển những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, gắn liền với đời sống hiện đại.

Đồng chí khẳng định sự tự hào về những đóng góp to lớn của giới văn nghệ sĩ cho sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho văn nghệ sĩ thể hiện qua sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ thiết thực, động viên, giúp họ yên tâm sáng tạo và cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật và công cuộc xây dựng đất nước.

3. Một trong những mốc son cho sự phát triển văn hóa nước nhà là Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Bài phát biểu của Tổng Bí thư đã nêu lên nhiều thông điệp và thực sự truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa nước nhà.

Hệ thống quan điểm về phát triển văn hóa và xây dựng con người của Tổng Bí thư được đúc kết trong các bài viết, bài phát biểu, thư..., được tập hợp trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 2024) chắc chắn sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo, phát triển văn hóa trong giai đoạn sắp tới.

Vừa là người con Hà Nội và là Bí thư Thành ủy Hà Nội (2000-2006), đồng chí đặc biệt coi trọng vai trò văn hóa của Hà Nội - trái tim của cả nước, nơi phải thể hiện rõ nét nhất và dẫn dắt sự phát triển chung của văn hóa đất nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một, Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, người Hà Nội làm sao phải phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô” và “Hà Nội phải thực sự phát triển, gương mẫu đi đầu, làm gương cho cả nước”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn xem văn hóa là một trong những nền tảng quan trọng của đất nước. Tình yêu văn hóa không chỉ là tình cảm cá nhân của Tổng Bí thư mà còn là một chiến lược phát triển đất nước lâu dài và bền vững. Với những nỗ lực không ngừng, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tầm vóc và giá trị của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

BÀI ĐĂNG BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN NGÀY 21/7/2024

PGS, TS BÙI HOÀI SƠN