Dạy miễn phí rất vui, nhưng áp lực không hề nhỏ. Mỗi buổi có hàng chục người tìm đến, đụng cái gì cũng hỏi, trả lời không xuể. Khi ấy, anh nghĩ đến việc soạn giáo án phổ cập guitar để chỉ sau mười mấy buổi tập, ai cũng có thể ôm đàn đệm hát.
Từ quán xá, giảng đường đến công sở
Soạn xong giáo án, Lê Hùng Phong đến Trường đại học Xây dựng Hà Nội nói chuyện về dự án “Mỗi ký túc xá một cây đàn guitar” rồi bàn luôn kế hoạch dạy bộ môn này cho sinh viên theo hình thức sinh hoạt câu lạc bộ ngoại khóa. Ai nghe xong cũng gật gù, lớp học tại giảng đường được mở liền ngay sau đó.
Lớp đàn của thầy Phong kéo dài 12 buổi, sau giờ hành chính, với kiến thức cơ bản dựa trên nguyên tắc mọi thứ đơn giản mà hiệu quả. Sau nhiều tháng ròng quan sát người học từ các nơi, anh mày mò ra “công thức chung” cho tất cả hợp âm, để từ một điểm, người cầm đàn có thể biến tấu cách chơi theo sự sáng tạo riêng. Sinh viên có ba buổi làm quen đàn và học lý thuyết. Tiếp đó là hai buổi kết hợp các dạng ngón tay thông qua một số nhịp đơn giản rồi chuyển hợp âm. Phần lớn thời gian, anh dành tập các bài cụ thể, sửa những lỗi sai người mới chơi đàn hay mắc phải.
Biết sinh viên eo hẹp kinh tế, anh hay khuyên các bạn mượn đàn chơi chung, nếu mua, nhớ kiểm tra kỹ và mặc cả để tiết kiệm tiền. Khi làm việc với đoàn trường, anh dặn đi dặn lại “Không được thu phí nhiều, sinh viên nghèo lắm!”. Các câu lạc bộ chỉ lấy mức tượng trưng để anh em sinh hoạt cùng nhau, thi thoảng tặng món quà nho nhỏ khích lệ tinh thần người học.
Anh Phong nhớ lại: “Thù lao tôi nhận chỉ vài bát phở nhưng niềm vui thì đong đếm sao cho vừa. Hồi đó, mới ngoài 20, nghe các bạn gọi “thầy”, tôi cũng ngại nhưng rất thích. Nhìn mọi người say sưa ôm đàn, gảy những nốt đầu tiên rồi cùng nhau hát, tôi thấy mọi thứ thật đẹp. Ban đầu, nghe tôi cam kết chỉ sau 12 buổi có thể biết đàn, tự tin đệm hát, chẳng ai tin. Nhưng rồi, các bạn còn làm tốt hơn thế. Guitar đâu chỉ là bản nhạc không lời, nó trở thành chất xúc tác để mọi người ngồi lại với nhau, lan tỏa niềm vui vẻ, hòa đồng”.
Từ mô hình đầu tiên, về sau, câu lạc bộ guitar của “thầy Phong” được nhân rộng ra gần 30 trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội. Năm 2006, anh thành lập Câu lạc bộ Lê Nguyễn Trần với thành viên chủ chốt gồm ba cây guitar nổi tiếng thời đó cùng vài cộng sự trẻ yêu thích các dự án cộng đồng. Có những ngày phải di chuyển liên tục giữa các trường dạy đàn, truyền cảm hứng, cơ thể thấm mệt. Vậy mà chỉ cần nhìn thấy vài nhóm sinh viên nghêu ngao hát bên cây guitar ở góc nhỏ nào đó, anh lại mỉm cười, thầm vui. Mỗi câu lạc bộ như thế có từ 100-300 thành viên, sau khi hoàn tất chương trình tập luyện cơ bản vẫn duy trì hoạt động, tạo nên nhiều phong trào văn nghệ thú vị giữa các trường. Bây giờ, khi đã ngoài 50 tuổi, lâu lâu nghe ai đó nhắc tên mình trong những hoạt động giao lưu giữa các câu lạc bộ guitar của học sinh, sinh viên thế hệ 8X, 9X, lòng người nghệ sĩ ưa lang thang lại thấy rộn ràng.
Năm 2015, Lê Hùng Phong triển khai thêm dự án cộng đồng khác mang tên “Văn hóa công sở qua cây đàn guitar”. Các lớp học thú vị do anh trực tiếp giảng dạy được ví như làn gió mới trong đời sống tinh thần tại không ít doanh nghiệp, tập đoàn trên cả nước. Năm 2020, khi muốn bổ sung thêm hoạt động văn hóa, giải trí cho cán bộ, công nhân viên trong tập đoàn sau giờ làm việc, anh Trịnh Quốc Bảo (Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin VNPT Đà Nẵng, nguyên Bí thư Đoàn VNPT - IT) gửi lời mời nghệ sĩ guitar cùng gây dựng phong trào văn nghệ bên cây đàn thân thuộc. Và tất nhiên, Lê Hùng Phong gật đầu đồng ý. Không lâu sau, Câu lạc bộ Guitar VNPT - IT được thành lập ngay tại tập đoàn bằng buổi trò chuyện, giao lưu đầy hứng khởi.

Lớp học đặc biệt
Sau lần gặp ấy, anh Bảo cùng cộng sự tổ chức đêm nhạc “Câu chuyện mùa đông”, mời những ai trong tập đoàn biết đánh đàn guitar cùng tham gia biểu diễn với các nghệ sĩ. Tiếp đó, các lớp đàn guitar được triển khai, bắt đầu thu hút sự quan tâm của người lao động. Mỗi lớp tầm 30 học viên, kéo dài 20 buổi, học ngay tại tập đoàn sau giờ tan ca. “Tôi tổ chức lớp, anh Phong giảng dạy. Cái khó nhất là làm sao giúp mọi người vượt qua trở ngại ở những phím đầu tiên cũng như sắp xếp lịch cho phù hợp. Có buổi, trễ 15 phút mà vẫn chưa thấy ai vào, hai anh em nhìn nhau, động viên ráng đợi thêm chút nữa. Về sau, mọi người rủ nhau tham gia ngày càng nhiều. Đến giờ tôi vẫn nhớ rõ mình vui ra sao khi bắt gặp hình ảnh cây guitar ở góc phòng làm việc hay nhìn vài công nhân viên ôm đàn giải trí trong giờ giải lao. Làm lĩnh vực công nghệ, đầu óc nặng nề lắm, thi thoảng ôm guitar dạo vài nốt sẽ nhẹ nhàng hơn”, anh Bảo kể thêm.
Từ ngày có câu lạc bộ và các lớp guitar, hầu hết các chương trình văn nghệ của tập đoàn đều xuất hiện loại nhạc cụ này khiến nhiều người thích thú. Tiếng đàn vang lên, bên dưới, nhiều khán giả là thành viên câu lạc bộ nhịp tay, hòa giọng trong bầu không khí thân quen, ấm áp. Ngay khoảnh khắc ấy, Chủ tịch Câu lạc bộ Guitar VNPT - IT biết rằng, mục tiêu đặt ra khi tổ chức các lớp học cơ bản đã hoàn thành. Việc còn lại là duy trì và nhân rộng mô hình.
Bên cạnh niềm đam mê, sự chân thành và cách dạy dễ hiểu, sự thích ứng trong suốt đợt dịch Covid-19 để duy trì chất lượng lớp học của nghệ sĩ Lê Hùng Phong khiến anh Bảo nhiều lần bất ngờ. Không cầm tay chỉ việc, thầy Phong chọn dạy những giá trị cốt lõi để người học có nền tảng, tự chơi nhạc theo màu sắc riêng. Thời điểm dịch bùng phát, lớp học tập trung không thể tổ chức, chuyển sang hình thức trực tuyến. Nhiều người ái ngại thắc mắc: Đàn guitar học qua mạng thì tập tành, trao đổi, sửa sai kiểu gì? Anh Phong vẫn đều đặn đứng lớp, ứng dụng nhiều phần mềm giúp người học nắm kỹ bài, thoải mái tương tác và phản hồi. Những kênh tương tác trực tuyến, phần mềm hỗ trợ học viên được chính anh lên ý tưởng rồi nhờ bạn bè, người quen giỏi công nghệ chung tay.
Về sau, kênh trực tuyến được giữ lại, kết nối những học viên bận công tác không thể sinh hoạt tập trung. Giai đoạn cao điểm, mỗi buổi dạy có vài trăm cán bộ, công nhân viên của tập đoàn rải đều các tỉnh, thành phố tham gia theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Câu lạc bộ đầu tiên thành lập một năm, mở được 5 lớp hướng dẫn đàn guitar cho đồng nghiệp, anh Bảo rời Hà Nội, vào Đà Nẵng nhận nhiệm vụ mới theo chương trình Nhân sự quản lý trẻ của tập đoàn. Thời điểm ấy, anh tiếp tục phát triển văn hóa guitar nơi công sở, kết hợp triển khai thêm hoạt động về văn hóa đọc, được đồng nghiệp hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, các câu lạc bộ vẫn duy trì nếp sinh hoạt, tạo thêm không gian thư giãn ngay tại chỗ làm.
Trước khi trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ Guitar tại Tập đoàn FECON, anh Phạm Tuân có thời gian theo “thầy Phong” học đàn. Năm 2023, FECON muốn thành lập một ban nhạc để phục vụ các chương trình văn hóa văn nghệ của tập đoàn, đẩy mạnh hoạt động giao lưu trong cộng đồng. Thế nhưng, nhìn đi nhìn lại, thấy thiếu cây chơi guitar có trình độ tương đối. Nghe học trò ngỏ lời, anh Phong mở đầu hành trình truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm với buổi nói chuyện về “Văn hóa công sở với cây đàn guitar”. Theo kế hoạch ban đầu, lớp chỉ tổ chức cho vài người nhưng sau đó lại thu hút đến 22 thành viên, bao gồm cả chủ tịch, phó chủ tịch tập đoàn và nhiều lãnh đạo khác. “Khóa học đệm hát cơ bản gồm 20 buổi nhưng đến 2/3 chặng đường, mọi người dần chơi thành thạo. Thời điểm này, ban nhạc “Dế mèn phiêu ca” của tập đoàn chính thức được thành lập và do thầy Phong làm cố vấn chuyên môn. Khóa học kết thúc, thầy vẫn đồng hành và hỗ trợ nếu chúng tôi mở lời”, anh Tuân cho biết thêm.
Lê Hùng Phong chia sẻ, điều khiến anh tâm đắc nhất sau mấy chục năm cầm đàn là phổ cập được cách chơi loại nhạc cụ này đến những người quanh mình. Bạn bè lâu ngày gặp lại thường hỏi “Có chạy show nhiều không?”. Hùng Phong lắc đầu, bảo chỉ muốn chuyên tâm giảng dạy, truyền cảm hứng vì đó là cách hiệu quả nhất tạo ra một lớp khán giả chất lượng cho guitar. Người nghệ sĩ ưa dịch chuyển ngồi tính nhẩm, cười khà. Anh nói, vài chục phần trăm trong số gần 20 nghìn học viên mê mẩn guitar đã là thành công lớn. Còn lại, chỉ cần khi nghe đàn, mọi người thấy vui là được. Sau môi trường công sở, “thầy Phong” tiếp tục ấp ủ những dự án cộng đồng khác với mong muốn gắn kết mọi người bằng tiếng đàn ngân nga. Hôm rồi ngồi tâm sự, anh khoe đang nỗ lực đưa guitar vào bệnh viện dạy cho những cán bộ, nhân viên thường xuyên làm việc, giao tiếp với bệnh nhân. Anh muốn sự êm ả của guitar sẽ xóa bớt nhọc nhằn, khoảng cách ngay ở nơi nhiều muộn phiền nhất.