Thắp lửa sáng tạo cùng đất nước vươn mình

Kỳ 3: Cẩm nang gửi sang những “chiến dịch” mới

Chính sách mới đã tiếp sức, hồi sinh nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại. Ảnh: Múa bồng ở Triều Khúc, Hà Nội. Ảnh: LÊ BÍCH
Chính sách mới đã tiếp sức, hồi sinh nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại. Ảnh: Múa bồng ở Triều Khúc, Hà Nội. Ảnh: LÊ BÍCH

Thực tiễn đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật đang yêu cầu đi sâu phân tích những bài học quý giá từ việc hiện thực hóa đường lối văn hóa văn nghệ, thực hành sáng tạo, lan tỏa giá trị tác phẩm. Trên cơ sở đó, hướng tới phát huy sáng tạo các kinh nghiệm thành công, tạo động lực để văn học nghệ thuật thích ứng, phát triển bền vững, chủ động hơn nữa khi đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ trong hiện tại và những năm tới.

Nhiều điểm sáng cuối 40 năm Đổi mới

Sau gần bốn thập kỷ thực hiện công cuộc Đổi mới, vấn đề đúc kết kinh nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, văn hóa… đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt ra và giới chuyên môn quan tâm. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng, củng cố nền tảng lý luận cho nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc lớn lao này, đặc biệt khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Lĩnh vực văn hóa, trong đó có mũi nhọn văn học nghệ thuật (VHNT) cũng được kỳ vọng sẽ rút ra những bài học quý báu cho sự phát triển, khởi sắc. Gần 40 năm Đổi mới là cả một quãng đường dài với những quan điểm, chính sách lớn từ “mở cửa” văn nghệ cho đến xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, rồi nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng đã điểm ở đầu loạt bài này, cùng nhiều chuyển động của giới nghề, công chúng và thị trường văn hóa, VHNT. Riêng nhìn vào những kinh nghiệm hay, đúc rút đặc sắc trong dăm năm trở lại đây với sự “đua nở” của VHNT cũng là một điểm nhấn cần thiết, thậm chí cấp thiết trong bối cảnh hiện tại.

Một nền tảng quan trọng cần được khẳng định: Đó là sự cởi mở, đồng thời vừa bao quát, vừa sâu sát của chủ trương, đường lối và hệ thống chính sách, cơ chế. Từ những Chỉ thị, Nghị quyết lớn, Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa đang xây dựng các văn bản pháp luật gắn kết nhiều hơn với diễn biến đời sống văn hóa, VHNT và hoàn cảnh, điều kiện, tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ, rộng hơn là đội ngũ làm công tác văn hóa. Chính sách mang tầm chiến lược lâu dài, nhưng điều thật sự tạo ra sức sống là chính sách “thấm” vào từng thiết chế, các hội nghề nghiệp và hoạt động của nhiều nhóm, cá nhân văn nghệ sĩ. Đó là nhận định chung được nhiều lãnh đạo, nghệ sĩ và nhà nghiên cứu nhấn mạnh khi đánh giá hiệu ứng của “làn sóng chính sách” từ trung ương thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng, Đảng, Nhà nước đã đề cao VHNT như một phần không thể thiếu trong đời sống nhân dân và từ đó, có những kế hoạch giúp cho VHNT phát triển.

162.jpg
Công nghệ đang giúp công chúng mở rộng các hình thức thưởng lãm, tương tác với nghệ thuật. Ảnh: Ứng dụng nghệ thuật ánh sáng vào trưng bày và “kể chuyện” trong một sự kiện hợp tác quốc tế tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: DƯƠNG XUÂN

Tận dụng điểm mới, tiến bộ, vượt trội của chính sách để khắc phục hạn chế cũ, vượt qua những ràng buộc của thực tại, tăng cường cộng hưởng, hợp tác để từ đó cùng “tỏa hương”, đây là nỗ lực không nhỏ của nhiều đơn vị nghệ thuật, hội nghề, văn nghệ sĩ. Như chia sẻ của NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và quan sát một số chương trình phối hợp của Hội thời gian qua, thì kinh nghiệm này đã đạt hiệu quả qua sự bắt tay nhiều bên: giữa hội nghề với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, địa phương. Còn theo NSƯT Lê Nguyên Đạt, cán bộ-giảng viên Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sân khấu Sen Vàng thì anh và các cộng sự rất tích cực hợp tác với các chương trình, hoạt động văn hóa, VHNT mà thành phố phát động. Nhiều vở diễn của Sen Vàng với đề tài đa dạng về lãnh tụ, lịch sử chiến tranh cách mạng, đề tài về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân hay vấn đề an ninh mạng… đã được dàn dựng và biểu diễn từ những cuộc hưởng ứng, phối hợp này. Chung quan điểm đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, thành viên Nhóm xẩm Hà Thành gợi mở thêm: Với điểm tựa là chính sách văn hóa, cần gắn kết các hoạt động nghiên cứu - thực hành - biểu diễn - quảng bá với nhau. Sẽ không thể cống hiến hết mình nếu ta đi một mình và thiếu sự đồng hành.

Đó cũng là bài học cần được lưu lại cho sự phát huy tư thế chủ động, thích ứng hoàn cảnh của hoạt động văn nghệ. Những người thực hiện loạt bài này cho rằng, kinh nghiệm trên cũng gắn liền với bài học về tinh thần bám sát thực tiễn cuộc sống. Qua nhiều diễn biến lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước mấy năm gần đây, tư thế nhập cuộc của đông đảo văn nghệ sĩ ngày càng được xác lập. Thực tế, chính biến động xã hội đã “tập huấn” cho hệ thống chính trị, nhiều ban, ngành, lực lượng chức năng chứ không riêng trong lĩnh vực VHNT. Trong đó có biến cố Covid-19 liên tục từ cuối năm 2019 đến cuối 2022 và những hệ lụy kéo dài về kinh tế, xã hội của “kiếp nạn toàn cầu” này. Từ sau cơn dịch, tính “xung kích” của VHNT dường như được “xốc lại” và đẩy lên cao hơn để lực lượng sáng tác bám sát hơn với các diễn biến đa dạng của đời sống. Trong đó có những đề tài thời sự như phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo, hay các vấn đề xã hội nổi cộm khác có ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng…

NSND Thúy Mùi: “Chính sách có thể là chất xúc tác mạnh mẽ nhưng nếu các hội nghề nghiệp không chủ động làm cầu nối, vẫn sẽ có khoảng cách đáng kể giữa chính sách và thực tế. Những chương trình, như “Đưa sân khấu truyền thống vào học đường” hay các trại sáng tác phối hợp giữa nghệ sĩ và lực lượng vũ trang địa phương là thí dụ tốt về việc chính sách được “gỡ” xuống từ nghị quyết để thắp lên những sân khấu thật sự sống động trong cộng đồng”.

Một tiến trình đa năng

Nhìn ở hướng ngược lại với ý nghĩa đối ứng - tương hỗ, thì cùng ý thức tự thân, tinh thần dấn thân, sự nhanh nhạy đã và sẽ phải có, thì với đội ngũ sáng tạo, các điều kiện đang được cải thiện hơn về đầu tư đặt hàng, hỗ trợ sáng tác, quảng bá tác phẩm cũng đã phát huy tác dụng. Đó cũng là những yếu tố cần chú trọng để văn nghệ sĩ có thể đi bền trên đường dài. Đặc biệt trong mối tương quan này, theo nhiều ý kiến, lực lượng sáng tác cần là trung tâm, chủ thể. Nghệ nhân Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội đã có hành trình dài gìn giữ, phát triển nghề thủ công truyền thống trong mối liên kết với hoạt động nghệ thuật. Bà cho rằng: Chỉ khi văn nghệ sĩ, nghệ nhân trở thành chủ thể của chính sách thay vì là đối tượng thụ hưởng thì sự gắn kết mới trở nên bền vững. Bà Vinh dẫn chứng những mô hình bảo tồn gắn với du lịch cộng đồng, sáng tác thủ công kết hợp với công nghệ thị giác tại làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội) đã giúp tạo nên hình thái biểu đạt nghệ thuật sống động.

Nhà văn Niê Thanh Mai: “Ở Đắk Lắk, chúng tôi không dừng ở việc tổ chức trại sáng tác hay triển lãm mà luôn cố gắng tạo ra giá trị cộng hưởng như lớp học cảm thụ văn học cho học sinh, trại sáng tác kết hợp bảo tồn bản sắc Tây Nguyên, hoạt động cùng nghệ sĩ… Những hoạt động đó khiến chính sách không còn khô khan mà đi vào đời sống, nuôi dưỡng cảm hứng lâu dài”.

Thời gian qua, hàng loạt kinh nghiệm hay đã được chia sẻ rộng rãi từ các đầu mối sáng tạo, dựa trên cơ sở xu hướng truyền thông, công nghệ, du lịch đang được thúc đẩy mạnh mẽ… Do đó nắm bắt xu hướng để lan tỏa tác phẩm VHNT trên các nền tảng hiện đại và hoạt động xã hội rộng rãi đã là những cách làm được nhiều văn nghệ sĩ khai thác. Qua nhiều diễn đàn VHNT, nhiều ý kiến chung đánh giá: Những mô hình thành công hiện nay đều chủ động thích ứng với địa phương mình; lắng nghe từ cộng đồng, từ nhu cầu nghệ sĩ… Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích, người đã khẳng định được uy tín với các tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa, cho rằng: Hiệu ứng chính sách có thật, song cần thiết phải có những “lực kéo” mềm là lòng yêu nghề, sự chủ động của nghệ sĩ và đặc biệt là khả năng kết nối mạng lưới từ cộng đồng dân cư đến không gian số.

Như vậy, nếu các chính sách tạo ra hành lang, định hướng chiến lược thì ở tầng thực tiễn, nhiều mô hình sáng tạo, chương trình phối hợp của tổ chức lẫn cá nhân, khối công lập và tư nhân đang trở thành phản hồi sống động trước luồng chính sách mới. Điểm chung nổi bật là xu hướng xã hội hóa mạnh mẽ, mở rộng liên kết và đổi mới phương thức tiếp cận công chúng. Những kinh nghiệm quý, bài học hay đó đều có tính cởi mở, tiếp nối. Chúng sẽ được phát huy như thế nào trong bối cảnh nhiều thay đổi như hiện nay và rất nhiều thách thức thời gian tới?

(Còn nữa)

Thắp lửa sáng tạo cùng đất nước vươn mình (kỳ 2)

Thắp lửa sáng tạo cùng đất nước vươn mình (kỳ 1)

PHAN THANH PHONG, QUANG HƯNG, LỮ MAI