Thắp lửa sáng tạo cùng đất nước vươn mình (kỳ 2)

Kỳ 2: Đua nở mô hình hay, gợi nhu cầu đúc kết

Các nghệ sĩ tạo hình tác phẩm mới trong không gian làng gốm cổ Bát Tràng. Ảnh: THỤY PHƯƠNG
Các nghệ sĩ tạo hình tác phẩm mới trong không gian làng gốm cổ Bát Tràng. Ảnh: THỤY PHƯƠNG

Nhiều lối mới từ cửa mở chính sách và nhu cầu xã hội

Tìm hiểu tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường trên con đường mang tên Tây Tiến, trước thuộc TP Hòa Bình - tỉnh Hòa Bình, nay là phường Thống Nhất - tỉnh Phú Thọ, qua cuộc trưng bày tác phẩm mỹ thuật gần đây nhất quy tụ nhiều tên tuổi trong giới hội họa, điêu khắc nước nhà, chúng tôi nhận thấy những tìm tòi không ngừng nghỉ của giám đốc bảo tàng - họa sĩ Vũ Đức Hiếu. Họa sĩ và cộng sự, cộng tác viên đã biến bảo tàng thành một không gian đa chức năng “kiểu mới”.

Điều này thể hiện qua việc bảo tàng đang vừa là nơi bảo tồn hiện vật, quảng bá di sản văn hóa, vừa là địa chỉ lưu trú sáng tác của đông đảo nghệ sĩ từ các miền đất, cũng là trại sáng tác thường xuyên của chính chủ nhân và đồng nghiệp. Đó chính là hiệu quả từ những nỗ lực của bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa Mường này trên nền tảng chính sách văn hóa mới. Không dừng ở địa điểm cố định, họa sĩ giám đốc trong những năm qua còn tích cực tham gia các dự án mỹ thuật cộng đồng, vẽ tranh tường tại nhiều địa phương ven biển miền trung, cùng cộng đồng các họa sĩ đem đến sắc màu nghệ thuật cho các điểm du lịch mới.

Tại Thủ đô, một địa chỉ trước kia thường đóng cửa, hầu như chỉ phục vụ cho một số cuộc tổng kết, tham quan của giới nghề, hội viên, là Bảo tàng Văn học Việt Nam thuộc Hội nhà văn Việt Nam, trong mấy năm qua đã trở thành điểm đến cuốn hút của học sinh và du khách. Trong nỗ lực đưa văn học đến gần công chúng, đặc biệt là giới trẻ, bảo tàng đã gây chú ý trong việc hợp tác mở tour du lịch, thiết kế chương trình, xây dựng nội dung tiếp cận, trải nghiệm có tính tương tác cao cho khách tham quan. “Chúng tôi muốn cải thiện trạng thái trưng bày tĩnh thật sự trở thành không gian “sống” của văn học, nơi học sinh có thể nghe đọc thơ, xem hoạt cảnh, triển lãm về hành trình sáng tác, tham gia giao lưu, trò chuyện với tác giả… Đây là cách để làm mới cảm thụ văn học, đưa văn học thoát khỏi khuôn khổ hàn lâm để gần hơn với đời sống”, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Hội nhà văn Việt Nam, Giám đốc bảo tàng chia sẻ.

Một địa chỉ khác là NXB Hội nhà văn, theo cách nhìn truyền thống thì lẽ ra “phải im ắng” để làm nhiệm vụ chuyên môn, thời gian qua đã “lột xác” để trở thành điểm giao lưu, quảng bá sang trọng. Không dừng ở việc tổ chức các lễ ra mắt tác phẩm văn học mới, NXB sau khi được sửa chữa, mở rộng diện tích từ nguồn kinh phí xã hội hóa, còn đang trở thành không gian giao thoa của văn thơ, nhạc, họa, đang từng bước được các văn nghệ sĩ tín nhiệm hợp tác tổ chức sự kiện. Giám đốc NXB - Nguyễn Thúy Hằng chia sẻ: “Chúng tôi đã và đang xây dựng các chuỗi sự kiện kết hợp quảng bá tác phẩm mới nhằm đưa sách ra không gian mở. Như vậy, bạn đọc không còn tiếp nhận văn học chỉ qua hình thức truyền thống nữa mà sẽ là tương tác đa chiều, sâu sắc và có tính trải nghiệm”.

Cùng với nhiều không gian văn hóa, văn học nghệ thuật (VHNT) tư nhân và trực thuộc hội nghề nghiệp mà như trên chỉ là vài thí dụ, thì với một số hội văn VHNT địa phương, lâu nay vốn được “tiếng” là hoạt động “bình bình”, có phần thụ động, lại đã có những nét mới nổi bật. Một điểm sáng được ghi nhận không chỉ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên là Hội VHNT Đắk Lắk với nhiều đổi mới cả về nội dung lẫn phương thức tiếp cận. Tại đây, Chủ tịch Hội - nhà văn Niê Thanh Mai cho biết, trong mấy năm qua, ngoài các trại sáng tác truyền thống, Hội còn đẩy mạnh các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh đậm đà bản sắc; tổ chức các lớp bồi dưỡng cảm thụ văn học cho học sinh, giáo viên; phối hợp cùng các đơn vị quân đội, công an tỉnh tổ chức các chương trình nghệ thuật kết hợp chính trị - văn hóa. “Chúng tôi xác định rõ: Nếu không gắn văn nghệ sĩ với cộng đồng thì mọi chính sách hay mô hình chỉ là lý thuyết. Điều quan trọng, cần kích hoạt được niềm tự hào văn hóa - nghệ thuật từ chính người dân, đặc biệt là thế hệ măng non”, nhà văn chia sẻ.

Năng động, đa dạng, khát vọng hội nhập, sáng tạo và đổi mới

Qua đánh giá, có thể thấy chính các tổ chức, nhóm, cá nhân văn nghệ sĩ đã tích cực tận dụng và vận dụng sáng tạo các chính sách, cơ chế mới được Chính phủ, ngành văn hóa và nhiều khi là cả cấp tỉnh, thành phố xây dựng. Vừa nhìn bao quát, vừa trực tiếp tham gia nhiều diễn đàn, hoạt động chuyên môn và phối hợp với các địa phương, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhìn nhận: Đời sống VHNT nước ta thời gian qua tuy còn không ít khó khăn nhưng vẫn xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, chương trình hiệu quả, mang lại cảm hứng và sức lan tỏa tích cực.

Theo đó, có những mô hình nổi bật như liên hoan sáng tác gắn với không gian văn hóa địa phương. Chẳng hạn, các trại sáng tác văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh tại Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long đã không chỉ tạo môi trường trải nghiệm thực tế cho nghệ sĩ mà còn khơi gợi tình yêu quê hương, bản sắc dân tộc. Một số địa phương như Huế, Đà Lạt, Quảng Nam (nay là Đà Nẵng), Phú Yên (nay là Đắk Lắk), Hà Giang (nay là Tuyên Quang)… đã chủ động phối hợp với các hội VHNT để tổ chức sáng tác theo chuyên đề gắn với văn hóa bản địa, qua đó quảng bá cả du lịch và di sản một cách sáng tạo. PGS Bùi Hoài Sơn đặc biệt đề cao các cuộc thi sáng tác có chủ đề cụ thể, gắn với những sự kiện lớn của đất nước như các cuộc thi sáng tác về biển đảo, về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, 80 năm Quốc hội, hay về xây dựng nông thôn mới... Những cuộc thi này không chỉ tạo ra số lượng tác phẩm đáng kể, mà còn góp phần khơi dậy tinh thần công dân trong giới văn nghệ sĩ, khích lệ người sáng tác nhập cuộc với những vấn đề lớn của dân tộc bằng ngôn ngữ nghệ thuật riêng của mình.

“Từ các mô hình đó, có thể thấy rằng, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang có những tín hiệu đáng mừng, dù còn khiêm tốn nhưng đã cho thấy sự năng động, đa dạng và nhất là khát vọng hội nhập, sáng tạo và đổi mới. Những mô hình hay cần được tiếp tục lan tỏa, có cơ chế hỗ trợ và kết nối chặt chẽ hơn với các chiến lược phát triển văn hóa quốc gia”, PGS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

Đòi hỏi đúc kết để đi xa

Dù vậy, trong không khí “trăm hoa đua nở” đó, vẫn có những bất cập hoặc phát sinh theo hướng chưa tích cực khiến cho bức tranh đa sắc còn những điểm thiếu sáng và chính sách hay chưa được phát huy làm nên sức mạnh. Cũng có khi còn những điểm nghẽn cần tiếp tục tháo gỡ, mở đường. Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho rằng: “Vấn đề lớn hiện nay là sự thiếu đồng đều trong triển khai chính sách giữa các địa phương, cũng như khoảng trống trong cơ chế nuôi dưỡng tài năng trẻ. Chính sách là khung, song chính đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở mới là người thổi hồn vào nó. Nếu không có sự vào cuộc linh hoạt, sáng tạo thì sẽ vẫn còn cảnh nơi hoạt động sôi nổi, nơi thì gần như đóng băng. Với tài năng trẻ, cần có quỹ đầu tư bài bản thành chiến lược nhân lực quốc gia. Nếu không, ta sẽ mất dần một thế hệ sáng tạo có thể đi xa”.

Có thể thấy, một bầu không khí mới cho VHNT đang từng bước được hình thành, từ chính sách đến thực tiễn, từ trung ương đến địa phương, từ hành lang pháp lý đến không gian sáng tạo sống động. Cùng với những làn sóng sôi nổi của sáng tạo, lan tỏa và thụ hưởng VHNT và cả những hạn chế được nhận rõ, hiện tại đang đặt ra đòi hỏi quan trọng: Làm thế nào để những chính sách tốt không bị “đóng khung”? Những mô hình nào thật sự hiệu quả và có thể nhân rộng? Cần đúc kết gì về những kinh nghiệm quý trong những năm đời sống VHNT khởi sắc vừa qua? Bài học nào từ thực tiễn có thể trở thành gợi mở cho cách làm chính sách trong giai đoạn tới?...

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: “Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với sự nổi lên của các nhóm nghệ sĩ trẻ, độc lập, sáng tạo theo hình thức liên ngành, kết hợp công nghệ mới như sân khấu tương tác, nghệ thuật thị giác, video art và sử dụng nền tảng số để phổ biến tác phẩm. Một số dự án nghệ thuật cộng đồng, như các chương trình nghệ thuật đường phố tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, hay hoạt động nghệ thuật trong không gian di sản như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hội An cũng đang chứng minh khả năng kết nối giữa nghệ thuật và cộng đồng”.

(Còn nữa)

PHAN THANH PHONG, QUANG HƯNG, LỮ MAI