Chính sách-Cuộc sống

Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế cho kinh tế số

Trong kỷ nguyên số, các chuỗi giá trị toàn cầu đang được tái định hình dựa trên dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, nền tảng số và đổi mới sáng tạo.

Đội ngũ kỹ sư trẻ của VNPT Technology nghiên cứu, phát triển sản phẩm và giải pháp công nghệ. Ảnh | SƠN TÙNG
Đội ngũ kỹ sư trẻ của VNPT Technology nghiên cứu, phát triển sản phẩm và giải pháp công nghệ. Ảnh | SƠN TÙNG

Trong bối cảnh đó, kinh tế số không chỉ là xu thế, mà đang trở thành động lực tăng trưởng mới của nhiều quốc gia. Việt Nam, với dân số trẻ, độ bao phủ internet cao và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, đang đứng trước cơ hội vàng để bứt phá. Tuy nhiên, cơ hội đó chỉ thành hiện thực khi chúng ta dám gỡ nghẽn thể chế - điểm nghẽn của mọi điểm nghẽn trong chính sách phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Đối với kinh tế số, nhận định này lại càng mang tính chính xác và cấp thiết tối đa. Trong khi thế giới đang tăng tốc đầu tư cho hạ tầng dữ liệu, luật hóa quyền sở hữu tài sản số và thúc đẩy số hóa bộ máy nhà nước, thì Việt Nam vẫn còn bối rối giữa những quy định lỗi thời và tư duy quản lý còn mang nặng dấu vết thời kinh tế công nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc gỡ nghẽn thể chế trở thành chìa khóa để khơi thông tiềm năng, huy động nguồn lực sáng tạo và đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Những điểm nghẽn cản trở phát triển

Kinh tế số không chỉ là sự ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, mà là một hệ sinh thái hoàn toàn mới dựa trên dữ liệu, nền tảng số, trí tuệ nhân tạo và tốc độ đổi mới sáng tạo. Đặc trưng của nó là phi biên giới, phi vật chất và thay đổi khó lường. Trong thế giới đó, tài sản không còn nằm trên đất, nhà xưởng hay thiết bị, mà nằm trong dữ liệu, mã nguồn, thuật toán và đối tượng người dùng.

Chính vì vậy, kinh tế số đòi hỏi một hệ thể chế không chỉ mở mà còn linh hoạt, hợp tác, liên thông và đi trước thực tiễn. Pháp luật không thể chỉ đủ vai trò đi sau để điều chỉnh, mà phải dẫn dắt để tạo lối.

Các nền tảng mới như blockchain, AI, kinh tế chia sẻ, giao dịch trên không gian số, tài sản ảo… không thể để chờ đến khi có luật điều chỉnh đầy đủ. Cần một cơ chế “sandbox” linh hoạt để cho phép thử nghiệm, quan sát, rút kinh nghiệm và luật hóa theo tiến trình. Cùng với đó, cần luật hóa quyền sở hữu tài sản số, quyền sở hữu dữ liệu và quyền giao dịch. Khi không xác lập được cơ chế để dữ liệu trở thành tài sản và có thể trao đổi trên thị trường, thì kinh tế số không thể thật sự cất cánh.

Thực tế cho thấy, hệ thống pháp luật còn đi sau thực tiễn, thiếu tính dẫn dắt. Hàng loạt hiện tượng kinh tế số đang diễn ra nhưng vẫn chưa được điều chỉnh rõ ràng bởi luật. Doanh nghiệp vừa làm vừa dò luật, cơ quan quản lý vừa bối rối vừa thụ động.

Tư duy quản lý vẫn theo kiểu ngành dọc, hành chính hóa, chưa theo kịp logic mạng lưới và liên ngành của nền kinh tế số. Tình trạng manh mún, cát cứ dữ liệu và thiếu chia sẻ thông tin khiến nhiều chương trình về kinh tế số trở nên hình thức. Cùng với đó, thiếu cơ chế bảo vệ đổi mới sáng tạo và thiếu không gian thử nghiệm an toàn cho doanh nghiệp công nghệ khiến nhiều ý tưởng sáng tạo không thể thử nghiệm và buộc phải lựa chọn rời bỏ.

Bộ máy nhà nước chưa được số hóa đồng bộ. Khi Nhà nước chưa số hóa thực chất, không thể dẫn dắt xã hội và không thể chứng minh sự hiệu quả của chủ trương. Quyền sở hữu tài sản số và quyền dữ liệu cá nhân vẫn chưa được xác lập một cách đầy đủ. Khi tài sản số không được công nhận, thị trường số không thể hoạt động minh bạch, còn người dân thì không được bảo vệ khi dữ liệu cá nhân bị xâm phạm hoặc khai thác trái phép.

Doanh nghiệp công nghệ trong nước thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị thanh, kiểm tra chồng chéo; thiếu hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý; và đối diện với rủi ro pháp lý ngay cả khi vận hành đúng tinh thần đổi mới. Đây cũng là một căn nguyên khiến không ít startup phải đăng ký ở nước ngoài, chuyển hoạt động ra khỏi Việt Nam, hoặc từ bỏ hoàn toàn ý tưởng kinh doanh.

Trong khi đó, tư duy “quản lý để kiểm soát” vẫn lấn át tư duy “quản trị để thúc đẩy phát triển”. Nhiều chính sách khi ban hành vẫn đặt nặng yêu cầu siết chặt, quản lý rủi ro tuyệt đối, mà quên mất bản chất của kinh tế số là sáng tạo, thử nghiệm và cải tiến liên tục. Khi mọi sáng tạo đều phải “xin-cho”, động lực đổi mới sẽ dần mai một.

Kinh tế số là lĩnh vực tích hợp - liên quan đến tài chính, công thương, thông tin truyền thông, giáo dục, khoa học công nghệ… nhưng hiện vẫn thiếu thể chế phối hợp liên ngành ở cấp Trung ương, chưa có một đầu mối đủ thẩm quyền và năng lực để điều phối chính sách tổng thể. Sự rời rạc trong hoạch định và thực thi đang làm chậm tiến trình chuyển đổi số toàn diện.

Nếu không nhanh chóng tháo gỡ, những điểm nghẽn thể chế trên sẽ cản trở tăng trưởng, làm chậm đà vươn lên của kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Khơi thông tiềm năng, tạo đà cất cánh

Để khơi thông tiềm năng của kinh tế số và thật sự tạo ra bước nhảy vọt về tăng trưởng, Việt Nam cần một chương trình cải cách thể chế mang tính đột phá và hệ thống. Một số định hướng then chốt cần tập trung:

1. Ban hành khung pháp lý tổng thể về kinh tế số. Cần khẩn trương xây dựng và ban hành Luật Kinh tế số hoặc thiết kế một khung pháp lý toàn diện, bao trùm các lĩnh vực trụ cột như dữ liệu, tài sản số, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, nền tảng số, sandbox và quyền dữ liệu cá nhân. Khung pháp lý này cần linh hoạt, cập nhật nhanh và có cơ chế thí điểm để phản ứng với sự thay đổi công nghệ liên tục.

2. Công nhận và bảo vệ quyền tài sản số, quyền dữ liệu. Pháp luật cần thừa nhận dữ liệu là một loại tài sản có giá trị, được định danh, định giá và giao dịch hợp pháp. Cùng với đó, người dân phải được bảo vệ thực chất khỏi các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân. Đây là nền tảng cho niềm tin số - yếu tố sống còn của một xã hội số.

3. Áp dụng cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox) rộng rãi. Mọi mô hình đổi mới cần không gian thử nghiệm được pháp luật bảo vệ. Cần triển khai sandbox trên diện rộng ở các lĩnh vực tiềm năng như fintech, edtech, healthtech, govtech và AI. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình đánh giá, lượng hóa rủi ro để từ đó cập nhật luật kịp thời.

4. Số hóa bộ máy nhà nước và công khai dữ liệu công. Cần thực hiện chuyển đổi số thực chất trong hệ thống công quyền - không chỉ dừng ở việc số hóa thủ tục, mà phải cải cách quy trình, tích hợp hệ thống, liên thông dữ liệu và vận hành trên nền tảng thời gian thực. Chính phủ phải đi đầu trong sử dụng dữ liệu để hoạch định, ra quyết định và phục vụ người dân.

5. Thành lập Ủy ban Quốc gia về kinh tế số và chuyển đổi số. Cần có một cơ quan liên ngành đủ mạnh, có thẩm quyền cao để điều phối chính sách, thúc đẩy thực thi và xử lý các vướng mắc xuyên bộ, xuyên ngành. Ủy ban này cần hoạt động như một “bộ não số” chiến lược của Chính phủ.

6. Phát triển nhân lực thể chế số và đội ngũ công chức công nghệ. Không thể có thể chế kinh tế số nếu thiếu người xây dựng và vận hành nó. Cần nâng cao năng lực cho đội ngũ xây dựng chính sách; bổ sung chuyên gia công nghệ, luật sư công nghệ và cán bộ dữ liệu vào hệ thống quản lý nhà nước.

Trong cuộc đua toàn cầu ngày càng khốc liệt, không quốc gia nào có thể chậm chân mà vẫn giữ được cơ hội. Mỗi ngày trì hoãn cải cách thể chế cho kinh tế số là một ngày để mất thị phần sáng tạo, để rò rỉ chất xám, để tài sản số bị thao túng và người dân mất lòng tin vào khả năng kiến tạo tương lai.

Cơ hội phát triển kinh tế số nằm ngay trước mắt. Nhưng để nắm bắt được, chúng ta phải hành động - nhanh hơn, quyết liệt hơn và sáng tạo hơn, góp phần để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng với tốc độ tăng trưởng hai con số.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG