100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam

Tạo sóng thúc đẩy công nghiệp văn hóa

Thời gian gần đây, nhiều ấn phẩm của Báo Nhân Dân phát hành trong các dịp lễ lớn được độc giả hào hứng đón nhận, thậm chí trở thành hiện tượng gây sốt trên mạng xã hội. Hình ảnh từng đoàn người xếp hàng nối nhau dài cả cây số suốt nhiều giờ đồng hồ để chờ nhận báo gây bất ngờ lớn với cộng đồng.

Các bạn trẻ hào hứng với phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Các bạn trẻ hào hứng với phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Sự chuyển mình mạnh mẽ của Báo Nhân Dân đã phần nào làm thay đổi quan niệm của không ít người về cái gọi là “sự suy thoái không thể cưỡng lại” của báo chí truyền thống trước tốc độ phát triển như vũ bão của các nền tảng số.

“Chìa khóa” mở ra vận hội mới

“20 năm trước, chúng tôi đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ là phần không thể tách rời của báo chí. Lúc đó không có nhiều người thống nhất quan điểm này. Các cơ quan báo chí giai đoạn đó quá tự tin vào bản thân mà quên đi việc chuẩn bị cho thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ”, chia sẻ của nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân có lẽ đã đánh động ký ức của nhiều người về giai đoạn phát triển khá thịnh vượng của báo chí truyền thống thời kỳ trước đây. Nhiều tờ báo bên cạnh ấn bản chính thức còn ra mắt các phụ trương, đặc san,... vì độc giả luôn trong tâm thế hào hứng đón nhận. Các điểm phát hành báo chí từ tờ mờ sáng đã vô cùng đông vui, náo nhiệt.

Khoảng 7 năm trước, trong buổi gặp mặt, tri ân cộng tác viên, một nhà báo đang phụ trách một trong số những tờ báo có số lượng phát hành đáng mơ ước nhất thời điểm đó tự tin khẳng định rằng, cứ duy trì cách làm hiện tại, tờ báo của mình vẫn sẽ “sống tốt” trong 20 - 30 năm tới. Thế nhưng chỉ vài năm sau, tờ báo này đã biến mất khỏi thị trường nhanh như một tia chớp - vì lý do không bán được! Nhiều tờ báo khác cũng chung cảnh ngộ. Lập tức xuất hiện vô số ý kiến đổ lỗi cho mạng xã hội đã tước đoạt không gian sinh tồn của báo chí, công nghệ “ép chết” báo truyền thống, khiến độc giả quay lưng lại với báo giấy! Tuy nhiên thực tế đã chứng minh, không gian phát triển của báo chí ở từng giai đoạn có thể bị tác động, nhu cầu, thói quen của độc giả có thể thay đổi, nhưng nếu báo chí biết chủ động nắm bắt tình hình và nỗ lực tìm cách thích ứng phù hợp, “biến nguy thành cơ” thì sẽ chẳng có gì bị tước đoạt. Trở lại với tình hình hiện nay, câu hỏi đặt ra đó là báo chí và công nghệ có phải là “kẻ thù không đội trời chung” hay không? Tuy nhiên theo nhà báo Lê Quốc Minh phân tích: “Nội dung là vua nhưng công nghệ là nữ hoàng, báo chí hiện đại trọng dụng công nghệ và chạy theo công nghệ để tồn tại và phát triển”. Rõ ràng trong công cuộc chuyển đổi số diễn ra như vũ bão, báo chí ứng dụng công nghệ không chỉ là xu thế không thể đảo ngược mà thậm chí đây còn là chìa khóa để mở ra vận hội mới.

Khơi dậy lòng tự hào dân tộc

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để có những sản phẩm chất lượng, thu hút công chúng, góp phần nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Tiêu biểu như Báo Nhân Dân, cùng với tư duy sáng tạo, đổi mới, vừa chú trọng nâng cao chất lượng nội dung, vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã tạo ra những sản phẩm truyền thông đột phá, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong đời sống.

bao-nhan-dan-phat-hanh-phu-san-tranh-panorama-ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-tang-doc-gia.jpg
Bạn đọc xếp hàng nhận phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Có thể kể đến chiến dịch truyền thông của Báo Nhân Dân nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Nhân Dân đã tạo nên một hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện, từ báo in, báo điện tử đến các nền tảng xuyên biên giới, tái hiện sống động những thời khắc hào hùng trong quá khứ, chuyển hóa các sự kiện lịch sử khô khan thành câu chuyện giàu cảm xúc.

Hình ảnh những người trẻ xếp hàng dài, chờ đợi nhiều giờ đồng hồ để được đón nhận tờ phụ san báo Đảng, hân hoan đón nhận tờ báo Nhân Dân cuối tuần số đặc biệt có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chụp ảnh cạnh mô hình chiếc xe tăng đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 và nồng nhiệt bày tỏ tình yêu nước trên các diễn đàn mạng... đã truyền cảm hứng rất lớn trong cộng đồng. Có thể nói báo chí đã tạo cú huých quan trọng để khơi gợi tinh thần “yêu nước ở trong gen” mỗi cá nhân, tạo thành làn sóng mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Bên cạnh đó, báo chí cách mạng Việt Nam cũng góp phần quan trọng thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển. Với tư cách là một thành tố quan trọng trong chuỗi sáng tạo, báo chí phát huy vai trò của kênh truyền dẫn, định hình nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về giá trị văn hóa truyền thống, lan tỏa các sản phẩm sáng tạo và kết nối các chủ thể từ nghệ sĩ, nhà sản xuất đến công chúng; gia tăng giá trị kinh tế của các sản phẩm văn hóa, khuyến khích sự sáng tạo của các nghệ sĩ; kích thích nhiều nguồn lực xã hội đầu tư vào công nghiệp văn hóa.

Cùng với đó, sự quan tâm, đầu tư của báo chí trong việc ứng dụng công nghệ cũng tạo ra nhiều thay đổi, mang lại kết quả khả quan, tác động đến nhận thức, hành vi trong các tầng lớn nhân dân trong hoạt động văn hóa. Gần đây dự án “Yêu lắm Việt Nam” của Báo Nhân Dân, triển khai rộng khắp tại các tỉnh, thành phố, sử dụng công nghệ để giới thiệu các địa danh lịch sử và văn hóa, giúp khơi dậy ý thức bảo tồn bản sắc dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Việc ứng dụng các công nghệ mới trong sản phẩm báo chí không chỉ mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo; mà còn giúp nâng cao giá trị thẩm mỹ trong cộng đồng và tạo ra các mô hình kinh doanh mới, như vé tham quan ảo, nội dung trả phí, hoặc ứng dụng du lịch thông minh, tạo nguồn thu bền vững cho công nghiệp văn hóa. Cũng cần phải đề cập đến vai trò “gác cổng” đắc lực của báo chí trong công tác bảo vệ bản quyền và nâng cao nhận thức công chúng đối với sở hữu trí tuệ, tạo môi trường văn minh, lành mạnh trong lĩnh vực văn hóa.

Tìm hướng đi trong bối cảnh nhiều thách thức

Sự “bắt tay” của báo chí với công nghệ đã và đang mang lại những lợi ích to lớn. Tuy nhiên, tâm lý chần chừ, ngại thay đổi vẫn còn xuất hiện ở một số người làm báo, ở một số cơ quan báo chí. Nếu mang tâm lý ấy, vô hình trung chúng ta đang tự đánh mất cơ hội của mình, tự đặt mình ra ngoài “đường đua”. Khi những khó khăn, thách thức không ngừng gia tăng, báo chí muốn thực hiện tốt chức năng “là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội”, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động báo chí là cần thiết và cấp bách, đúng với tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

cac-em-hoc-sinh-thich-thu-tuong-tac-voi-cac-san-pham-dac-biet-cua-bao-nhan-dan-tren-nen-tang-so.jpg
Học sinh thích thú tương tác với các sản phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân trên nền tảng số.

Cùng với sự vận động của kinh tế thị trường, báo chí cũng cần chủ động xây dựng mô hình kinh doanh bền vững từ việc khai thác ứng dụng công nghệ. Bởi những sản phẩm báo chí hiện đại hoàn toàn có thể mang lại các giá trị kinh tế, như có thể bán vé xem nội dung công nghệ thực tế ảo (VR) hoặc phát hành podcast trả phí. Các hình thức quảng cáo thông minh, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để cá nhân hóa nội dung cũng là hướng đi tiềm năng để tăng doanh thu cho cơ quan báo chí. Hiện nay, một số tòa soạn tại Việt Nam đã áp dụng thu phí với những bài viết chất lượng cao. Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ vẫn chưa tạo ra ưu thế rõ rệt, giúp mang lại nguồn thu như kỳ vọng.

Một yêu cầu cấp bách đặt ra với các cơ quan báo chí hiện nay đó là cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao - những người làm báo thành thạo các ứng dụng công nghệ. Việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế sẽ giúp phát triển các nền tảng số đa ngôn ngữ, tối ưu hóa phân phối nội dung đến công chúng một cách hiệu quả và tiết kiệm.

Đồng thời, báo chí cần sáng tạo những sản phẩm mang đậm bản sắc Việt Nam, kết hợp giá trị truyền thống với tinh hoa thế giới. Việc lắng nghe công chúng, đặc biệt là giới trẻ, là yếu tố then chốt để báo chí tạo ra các sản phẩm phù hợp thị hiếu hiện đại, góp phần kiến tạo một cộng đồng chung sức, đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

PHONG ĐIỆP