Công nghệ

Tạo đà phát triển drone dân dụng

Bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2010, ban đầu thiết bị máy bay không người lái (drone) chủ yếu là những chiếc flycam phục vụ sở thích cá nhân và quay phim. Nhưng chỉ trong một thập kỷ, thị trường drone nội địa đã phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Drone được sử dụng hiệu quả trong nông nghiệp. Ảnh | Agridrone
Drone được sử dụng hiệu quả trong nông nghiệp. Ảnh | Agridrone

Tuy nhiên, drone nội địa vẫn khá đắt đỏ so với “hàng ngoại” và chưa thể vươn mình ra quốc tế.

Kinh nghiệm từ thế giới

Theo số liệu từ statista.com và báo cáo của QY Research, thị trường drone Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) vào khoảng 13,1%. Thị trường dự kiến sẽ đạt doanh số 63,8 triệu USD vào năm 2024 và có thể tăng lên 193,2 triệu USD vào năm 2032. Với tiềm năng tăng trưởng lớn, thị trường drone tại Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu sản xuất drone nội địa như Agridrone Việt Nam hay MiSmart... Tuy nhiên, phần lớn drone tại Việt Nam vẫn được nhập khẩu từ nước ngoài. Theo số liệu của Cục Hải quan, nhập khẩu drone từ Trung Quốc (chủ yếu từ công ty DJI) tăng 25-30% trong giai đoạn 2020-2023, ước đạt 30-40 triệu USD/năm. Chỉ riêng từ tháng 2/2023 đến 1/2024, Việt Nam đã nhập 14.531 lô hàng drone (tăng 242% so với cùng kỳ năm trước) chủ yếu từ Trung Quốc và Mỹ.

Bắt đầu nghiên cứu và phát triển drone quân sự từ những năm 1960, Mỹ tiên phong, là cái nôi của công nghệ drone hiện đại, với nền tảng vững chắc từ quân sự đến dân sự. Hiện tại, Mỹ vẫn dẫn đầu về đổi mới công nghệ, đặc biệt trong AI, swarm (drone bày đàn) và ứng dụng đa ngành. Giới chuyên gia đánh giá, trong tương lai Mỹ sẽ tiếp tục định hình ngành công nghiệp drone toàn cầu, từ an ninh quốc phòng đến giao thông thông minh. Với Trung Quốc, từ khi mở rộng công nghệ drone sang lĩnh vực dân sự, nước này đã vươn lên dẫn đầu toàn cầu về công nghệ drone. Hiện tại, công ty DJI của Trung Quốc đang chiếm hơn 70% thị phần toàn cầu. Trung Quốc có được vị thế như vậy nhờ sự kết hợp giữa đầu tư công nghệ, hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và có hệ sinh thái sản xuất rộng lớn.

Theo Tiến sĩ Hồ Trọng Việt, CEO Công ty Deily Opt, từng đảm trách vị trí CTO của Tập đoàn TCGroup, để phát triển công nghệ drone, Việt Nam cần kết hợp “tư duy đổi mới của Mỹ” trong đó tập trung vào công nghệ cao, hợp tác đa ngành và “cách tiếp cận hệ thống của Trung Quốc”, có được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, sản xuất quy mô lớn. Cụ thể, Việt Nam cần có một chính sách tập trung, ưu tiên đầu tư R&D, hợp tác giữa Nhà nước-doanh nghiệp-viện nghiên cứu... Đồng thời, phát triển hệ sinh thái công nghệ và đổi mới như xây dựng trung tâm công nghệ, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp drone và tạo lợi thế cạnh tranh bằng việc liên kết các công ty công nghệ với doanh nghiệp drone, tập trung đầu tư vào các công nghệ cốt lõi như AI, swarm và pin năng lượng cao.

Tiếp theo, cần mở rộng đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học như phát triển giáo dục STEM: mở rộng chương trình đào tạo kỹ thuật drone tại các trường đại học, các viện nghiên cứu... Mở rộng việc hợp tác quốc tế để học tập công nghệ từ nước ngoài. Cuối cùng, yếu tố thiết yếu để phát triển công nghệ drone bền vững là cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển và sử dụng drone. Điều này giúp mở rộng ứng dụng drone sang nhiều lĩnh vực, giải quyết những nhu cầu thực tiễn như sử dụng drone phục vụ nông nghiệp, giám sát môi trường, cứu hộ, giao hàng...

Xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi

Việc có một hành lang pháp lý cụ thể, hiệu quả sẽ giải quyết được nhiều thách thức và rủi ro như mở rộng thị trường, quản lý không phận, bảo vệ quyền riêng tư, các lo ngại về an ninh, môi trường... Theo Thạc sĩ Bùi Minh Tuấn, giảng viên Trường đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ tịch Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ, hiện tại, Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định quy định về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay khác để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây chính là cơ sở pháp lý để kiểm soát drone, với một hệ thống pháp lý đa tầng, kết hợp giữa quy định hàng không, bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và quản lý không gian, ưu tiên an ninh quốc gia và an toàn hàng không.

Trước đây, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP và Nghị định số 79/2011/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung) đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp phép, tổ chức quản lý các hoạt động bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ... cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng loại phương tiện bay này trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên đến nay, các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đã có nhiều thay đổi, phát sinh nhiều quan hệ mới cần bổ sung, điều chỉnh.

may-bay-khong-nguoi-lai-trong-linh-vuc-chup-anh-va-quay-phim-tren-khong-ngay-cang-da-dang-anh-linkienrc.jpg
Máy bay không người lái trong lĩnh vực chụp ảnh và quay phim ngày càng đa dạng. Ảnh | Linkienrc

Theo đó, các quy định cần linh hoạt hơn để khuyến khích ứng dụng công nghệ drone trong nhiều lĩnh vực. Ông Bùi Minh Tuấn cho biết, hiện vẫn đang tồn tại một số rào cản cần giải quyết để đẩy mạnh phát triển công nghệ drone tại Việt Nam. Trong đó, một số yếu tố có thể giải quyết ngay như giản lược quy trình đăng ký và cấp phép bay, nới lỏng quy định về kỹ thuật như giới hạn độ cao và yêu cầu về thiết bị tích hợp (GPS, thiết bị truyền phát)...

Ngoài ra, các quy định cũ còn tồn tại một số bất cập như: Việt Nam chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho drone, dẫn đến việc phải tuân thủ tiêu chuẩn nước ngoài, tốn kém thời gian và chi phí; thiếu khung pháp lý cho ứng dụng mới về drone giao hàng: chưa có quy định cụ thể cho việc vận chuyển hàng hóa bằng drone; với drone nông nghiệp: dù được khuyến khích, việc áp dụng đại trà vấp phải rào cản về giấy phép bay và bảo hiểm trách nhiệm; thiếu cơ chế thử nghiệm: chưa có “vùng thử nghiệm” (sandbox) cho drone, khiến doanh nghiệp khó triển khai dự án mà không vi phạm pháp luật...

Để giải quyết những vấn đề này, ông Tuấn khuyến nghị các nhà quản lý nên đơn giản hóa thủ tục sử dụng drone: áp dụng nền tảng trực tuyến để đăng ký và cấp phép bay nhanh chóng. Đồng thời, mở rộng vùng bay thử nghiệm bằng cách thiết lập các khu vực thử nghiệm đặc biệt tại các vùng nông thôn hay biển đảo để thử nghiệm drone giao hàng, nông nghiệp... Tiếp theo là xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về kỹ thuật riêng cho drone phù hợp với điều kiện địa lý và nhu cầu tại Việt Nam.

Song song với những vấn đề trên, thuế nhập khẩu linh kiện cao (10-20%) và việc chưa có một khung pháp lý cụ thể, chưa có mô hình hợp tác đầu tư công (PPP) chính thức dành riêng cho công nghệ drone cũng là những yếu tố cần nhanh chóng xem xét giải quyết.

Đẩy mạnh hợp tác đầu tư công

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có mô hình PPP chính thức và quy mô dành riêng cho công nghệ drone. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số dự án hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, mang tính thí điểm hoặc phi tập trung. Có thể kể đến như dự án drone phun thuốc trừ sâu cho cánh đồng lúa của Công ty AgriDrone Việt Nam với các địa phương như Đồng Tháp, An Giang. Về R&D có hợp tác giữa Tập đoàn Viettel và doanh nghiệp như dự án drone giao hàng Viettel Delivery thử nghiệm tại vùng núi phía bắc. Có thể thấy, đã có những bước đầu trong hợp tác công-tư về drone, nhưng chủ yếu ở dạng thử nghiệm hoặc hợp tác phi chính thức. Để thúc đẩy PPP, cần phải giải quyết các thách thức là thiếu khung pháp lý cho PPP công nghệ cao: hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể về chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, hay sở hữu trí tuệ trong hợp tác công-tư; hạn chế về nguồn vốn: ngân sách nhà nước dành cho R&D drone còn thấp, doanh nghiệp tư nhân chưa mạnh dạn đầu tư; rào cản kỹ thuật và nhân lực: thiếu chuyên gia công nghệ UAV và hạ tầng thử nghiệm.

Trong hợp tác PPP cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, tăng cường đầu tư và tập trung vào các ứng dụng thực tiễn để thu hút sự tham gia của cả hai phía: xây dựng cơ chế đặc thù, trong đó cần ban hành những ưu đãi như chính sách, thuế, chia sẻ rủi ro và hỗ trợ vốn cho dự án drone... Tập trung vào các lĩnh vực cần ưu tiên như hợp tác trong nông nghiệp, logistics vùng sâu và phòng chống thiên tai... Để thực hiện điều này có thể học hỏi các mô hình từ nước ngoài để thiết kế PPP cho phù hợp.

Cuối cùng, Việt Nam có thể “đi tắt đón đầu” bằng cách “kết hợp công nghệ tiên tiến” (AI, swarm) với “giải pháp địa phương hóa”, tập trung vào các ứng dụng thực tiễn. Đồng thời, cần xây dựng “hệ sinh thái hỗ trợ” từ chính sách, nhân lực, đến hạ tầng để đưa drone Việt Nam bay xa ra quốc tế.

MINH TIỆP