Tăng lương để cuộc sống không còn “tối thiểu”

Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Nguyễn Mạnh Khương, mức tăng 7,2% lương tối thiểu là phù hợp tình hình kinh tế hiện tại.

Việc tăng lương tối thiểu có tác động thật sự tích cực đến đời sống người lao động. Ảnh: BẮC SƠN
Việc tăng lương tối thiểu có tác động thật sự tích cực đến đời sống người lao động. Ảnh: BẮC SƠN

Tăng lương tối thiểu không chỉ là giải pháp tài chính nhằm nâng cao đời sống người lao động, mà còn là công cụ quan trọng bảo vệ các quyền lợi cơ bản và thúc đẩy công bằng xã hội. Đồng thời, cũng là minh chứng thực chất cho cam kết hỗ trợ và đồng hành của cơ quan chức năng.

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2026. Mức tăng tương đương từ 250.000 đến 350.000 đồng/tháng, tùy theo từng khu vực.

Bảo vệ quyền lợi người lao động

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 7,2% không chỉ thỏa mãn mong đợi của đoàn viên và người lao động trên toàn quốc mà còn thể hiện sự đồng cảm với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt.

Mặc dù mức tăng này sẽ không giải quyết được hoàn toàn mọi vấn đề, nhưng nó sẽ cải thiện phần nào đời sống người lao động, đặc biệt là khi nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương cao hơn mức tối thiểu. Mức lương tối thiểu này cũng sẽ là cơ sở tham khảo để các nhóm lao động khác có thể xây dựng mức lương phù hợp.

“Tôi tin rằng mức lương này cũng sẽ tạo động lực để người lao động làm việc với tinh thần phấn chấn, để cùng nỗ lực phấn đấu năm nay chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và từ năm sau trở đi thì có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng hai con số”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết. Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục bảo vệ quan điểm đề xuất tăng lương tối thiểu lên 9,2% để đối phó với sự gia tăng chi phí sinh hoạt.

Thực tế, một cuộc khảo sát với hơn 3.000 lao động tại 10 tỉnh, thành phố của Công đoàn Việt Nam hồi tháng 4 vẫn cho thấy, 55% số người lao động chỉ đủ chi tiêu cơ bản, 26% phải sống kham khổ và 8% không đủ sống, phải làm thêm. Thu nhập không đủ đáp ứng nhu cầu gia đình khiến nhiều người lao động phải vay mượn để chi trả cho các nhu cầu phát sinh đột xuất. Cũng trong những cuộc khảo sát ngắn, thực hiện đề tài về công nhân trước đây của phóng viên Thời Nay, 100% số công nhân được hỏi đều làm tăng ca, làm thêm. Nhiều người nói thẳng: Làm thêm, tăng ca mới đủ trang trải chứ không phải để làm giàu.

Quay trở lại với cuộc khảo sát của Công đoàn, gần 73% số lao động độc thân cho biết, thu nhập hiện tại không đủ để lập gia đình, đặc biệt khi chi phí sinh hoạt và nuôi con ngày càng tăng. Thu nhập thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng mua nhà, tiết kiệm và bảo đảm nhu cầu cơ bản. Với lao động đã có gia đình, 73% cho biết, thu nhập ảnh hưởng đến quyết định sinh con, trong khi 53% cho biết, chỉ đủ chi trả một phần cho giáo dục và 7% không đủ tiền cho việc học hành của con cái...

Tăng lương tối thiểu là một trong những biện pháp quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nhưng trong suốt những năm qua, các đợt tăng lương tối thiểu tại Việt Nam luôn bị phản ánh là không theo kịp với mức sống ngày càng tăng cao. Hay nói cách khác, các đợt tăng lương dường như luôn chậm chạp, không thể theo kịp tốc độ tăng giá cả sinh hoạt.

Có ý kiến cho rằng, số đông các doanh nghiệp thường dựa vào mức lương tối thiểu để tối ưu chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Điều này dẫn đến thực tế, doanh nghiệp luôn trả sát mức lương tối thiểu vùng và khuyến khích công nhân tăng thu nhập bằng giờ làm thêm. Thực chất lương tối thiểu ảnh hưởng nhiều nhất đến những ngành nghề mang tính chất gia công, da giày, linh kiện điện tử... Chi phí nhân công chiếm phần nhỏ trong giá thành sản phẩm. Lương tối thiểu chỉ là một phần giống như phụ cấp, thưởng, các khoản đóng góp như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... cấu thành nên chi phí nhân công. Mối liên hệ giữa tăng lương tối thiểu và tăng giá thành sản phẩm nhỏ đến mức rất khó để nhận ra sự khác biệt.

Từ những thực tế này, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, mức lương được điều chỉnh tăng thêm 7,2% liệu có thật sự phù hợp với mức sống thực tế của người lao động? Nhìn lại từ năm 2020 (năm bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) đến hết năm 2024, mức tăng trưởng GDP cộng lũy tiến đã lên tới 28,83%. Trong khi đó mức tăng lương tối thiểu cộng lũy tiến chỉ khoảng 12,27%.

Từ ngày 1/1/2026, mức lương tối thiểu vùng 1 sẽ tăng từ 4,96 triệu lên 5,31 triệu đồng/tháng; vùng 2 từ 4,41 triệu lên 4,73 triệu đồng; vùng 3 từ 3,86 triệu lên 4,14 triệu đồng; và vùng 4 từ 3,45 triệu lên 3,7 triệu đồng. Mức lương tối thiểu theo giờ cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng mức lương tháng.

Vẫn cần một lời giải chính xác cho “bài toán lương”

Trước đó, số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng chỉ ra, trong giai đoạn 2015-2022, mặc dù Chính phủ đã điều chỉnh lương tối thiểu tăng từ 119 USD/tháng vào cuối năm 2015 lên 168 USD vào cuối năm 2022, nhưng do lạm phát gia tăng, giá trị thực tế của lương tối thiểu lại không tăng tương ứng. Trong giai đoạn 2015-2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7%, nhưng lạm phát đã khiến thu nhập thực tế chỉ tăng 20,1%. Đến giai đoạn 2020-2022, dù lương tối thiểu đã được điều chỉnh xấp xỉ 6%, nhưng mức tăng thực tế chỉ là 0,7%.

ILO cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu cần phải dựa vào các dữ liệu chính xác về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tình hình việc làm, khả năng chi trả của doanh nghiệp và năng suất lao động. Đồng thời, mức điều chỉnh phải theo kịp tốc độ lạm phát để bảo đảm giá trị thật sự của lương tăng lên, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người lao động và gia đình họ.

Có một thực tế là quá trình đàm phán mức tăng lương tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia thường diễn ra theo một mô hình quen thuộc. Mức lương mới dựa trên sự đồng thuận các bên. Cụ thể hơn, qua các lần điều chỉnh, mức tăng thống nhất vẫn luôn là trung bình cộng giữa đề xuất của phía Công đoàn (đại diện cho người lao động) và của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI - đại diện cho doanh nghiệp).

Con số 7,2% khá ấn tượng nếu so với các lần điều chỉnh gần đây. Nhưng nó sẽ ấn tượng hơn nữa nếu người ta quên đi việc mức lương tối thiểu đã không được điều chỉnh trong ba năm (2021 - 2023). Và dù ấn tượng đến mấy thì nó cũng khó có thể làm hài lòng các bên. Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định, mức tăng này “vẫn cao và còn lăn tăn”. Tuy nhiên, do hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận cao, VCCI chấp thuận phương án này và cho biết, doanh nghiệp sẽ cần thời gian điều chỉnh kế hoạch sản xuất, giữ chân lao động có tay nghề. Một số người lao động được hỏi về mức tăng này vẫn khẳng định sẽ tiếp tục làm thêm giờ, tăng ca.

Luật sư Thu Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, mức lương tối thiểu phải được điều chỉnh linh hoạt hơn, tùy theo từng khu vực và ngành nghề, thay vì áp dụng một mức đồng loạt cho tất cả. Để việc tăng lương thật sự mang lại hiệu quả, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn. Đầu tiên, cần phải nâng cao chất lượng đàm phán và cải thiện quá trình ra quyết định. Các bên liên quan phải bảo đảm quyết định tăng lương phản ánh được tình hình thực tế của nền kinh tế và nhu cầu sống của người dân, thay vì chỉ đơn thuần là sự thỏa hiệp giữa các bên.

Ngoài ra, cần phải có những chính sách bổ trợ để giảm bớt gánh nặng cho người lao động, như giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng cường các chương trình bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ nhà ở cho công nhân. Đồng thời, Chính phủ cần có các chương trình hỗ trợ đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động, giúp họ có thể nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, cần phải tạo ra một hệ thống kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt để bảo đảm rằng, doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về lương tối thiểu và các quyền lợi khác của người lao động. Cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý mạnh mẽ đối với những doanh nghiệp vi phạm, bảo đảm người lao động thật sự được bảo vệ.

Các chuyên gia lao động cũng cho rằng, để việc tăng lương có tác động thật sự tích cực đến đời sống người lao động, cần phải xem xét thêm nhiều yếu tố khác ngoài chỉ số CPI, bao gồm sự thay đổi trong thu nhập của các tầng lớp lao động, sự phát triển của các ngành nghề mới, cũng như mức độ cạnh tranh trong thị trường.

THÀNH LINH