Bà Lả, vợ ông trong buồng nói vọng ra: Thì ngày nào ông chẳng lên đó, sao tự dưng hôm nay ông cẩn thận thế?
Ông hắng giọng nghiêm nghị: Khi nào xong việc, tôi khắc về.
Đêm hôm ấy ông không về. Mưa rừng xối xả như trút, ngày nối ngày, trắng xóa cả núi rừng. Cả nhà thấp thỏm, người ra người vào, mắt hướng ra cửa trong vô thức. Sáng sớm, Lò Văn Giót - con trai cả sốt ruột khoác vội chiếc áo mưa, vừa chạy ra sân vừa lẩm bẩm: Mưa gió thế này lên lán làm cái gì? Giót vừa bước ra cổng thì đã thấy ông lững thững về, ướt sũng trong mưa. Chiếc gùi nặng oằn vai, nhưng đôi mắt ông ánh lên niềm vui lấp lánh. Giót hạ gùi, ông Ón liền nhắc: Cẩn thận, kẻo hỏng. Ban non đấy!
Bà Lả lắc đầu, làu bàu: Ối giời ơi, đúng là cái số giời đày… Mưa gió thế mà cũng cố lết lên nương, lên lán. Nhà cửa có mà không ở, mai mốt có ốm lăn ra đấy thì khổ ai lo cho...?
Thấy ông Ón ôm mấy nhánh ban mới nhổ từ rừng về, bà Lả cau mặt, lắc đầu cằn nhằn: Phạ ơi, mùa nào mà cũng đi đào ban à? Trồng thì đợi đến sang xuân, trời ấm, đất mềm. Đang mùa mưa dầm gió bấc thế này, đem về làm chi… cây sống sao nổi hở ông? Ông Ón cười, thủng thẳng: Trồng được mà!
Lò Văn Bành, thằng cháu nội cũng lon ton chạy ra giúp bố xếp mấy cây ban non vào hiên nhà, Bành nhìn ông reo lên thích thú: Ông ơi, ban đẹp thế! Cho cháu một cây đem lên trường trồng ông nhé?
- Cháu thích ban à? - Ông Ón ân cần nhìn thằng bé.
- Vâng! Cô giáo dạy, hoa ban là biểu tượng của dân tộc Thái mình mà ông!
Ông Ón mỉm cười, giọng chậm rãi mà ấm áp. Đây này, mấy mầm ban ông mới đánh từ rừng về. Mưa rừng lớn quá, đất sạt, rễ bị đứt gần hết… nhìn tơi tả vậy chứ không sao đâu. Cháu ở nhà chăm giúp ông. Ông tin, ban là loài kiên cường, có gió, có mưa, nó vẫn đội đất mà lên được.
Ông đưa tay vuốt nhẹ lên nhánh ban bé xíu còn lấm tấm bùn đất, rồi nói tiếp, ánh mắt ánh lên vẻ trìu mến: Khi nào cây hồi lại, ông sẽ chọn cho cháu một cây ban thật đẹp. Còn mấy cây này… ông có việc phải làm rồi.
- Việc gì vậy ông? - Bành tiếc rẻ hỏi.
- Việc quan trọng!
Ông đáp gọn lỏn, dứt khoát như mọi lần. Chưa bao giờ ông giải thích điều gì đến tận cùng. Ông vẫn thế, lặng lẽ, kiệm lời, tâm tư như dòng suối ngầm len lỏi dưới lòng đất, chảy mãi mà chẳng ai hay.
*
Hôm sau, ông Ón không lên nương như thường lệ. Cánh cửa phòng ông khép chặt. Trời vừa hửng sáng, ông bất ngờ lao ra khỏi nhà, vẻ mặt hốt hoảng, giọng nghiêm trọng khác thường: Bà có thấy cái áo cũ của tôi đâu không?
- Áo nào? - Bà Lả vẫn đang tất bật lo bữa sáng, hỏi lại mà chưa kịp ngẩng lên.
- Cái áo lính!
- Ông vẫn cất trong hòm chứ đâu. Ông tìm kỹ chưa?
- Tôi tìm rồi! Giọng ông nghèn nghẹn, ánh mắt lộ vẻ bối rối. Hay là... có trộm?
Bà Lả lúc này mới quay hẳn lại, ngao ngán: Trộm nào thèm lấy cái áo rách ấy! Ông nghĩ cái áo đó có vàng bạc châu báu chắc?
*
Ông Ón lên cơn sốt cao, ho liên tục mấy ngày liền. Trạm xá phải cử người xuống tận nhà thăm khám, truyền dịch. Nhưng bệnh tình mỗi lúc một nặng. Bà Lả lo lắng, mời thầy mo về cúng dâng sao giải hạn, khấn vái đủ điều mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Cuối cùng, bà đành gọi các con về đưa ông đi viện. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán ông bị trầm cảm. Khi tỉnh lại, câu đầu tiên ông thều thào vẫn là: “Áo... tôi đâu?”.
Cả nhà họp lại, với nhận định chung: Mấu chốt chính là cái áo. Thế là một cuộc tìm kiếm bắt đầu. Hòm, tủ, bếp, gác mái… từng ngóc ngách trong nhà đều bị lật tung… Mãi đến khi thằng Bành đang nghịch ở buồng trong, nó tò mò thò tay vào vỏ gối ở đầu giường, bất ngờ lôi ra một mảnh vải rách bươm, loang lổ. Chính là cái áo lính! Chiếc áo được nhét sâu trong vỏ gối, tưởng chừng không ai để ý.
Nó cầm áo chạy ra sân, giơ cao lên gọi mọi người. Cả nhà ùa lại, xúm xít nhìn. Áo vẫn còn đây, vai sờn bạc, thân áo lỗ chỗ vết thủng như còn thoảng mùi thuốc súng. Cái áo lính năm nào! Ai nấy lặng đi, thở dài một nhịp, vừa nhẹ nhõm vì đã tìm thấy, vừa nghẹn ngào vì điều gì đó rất cũ đang sống dậy.
Thấy chiếc áo, ông Ón như khỏe hẳn ra. Vừa ra viện trở về, mắt ông bỗng sáng lên như gặp lại một người tri kỷ cũ. Ông nhẹ nhàng vuốt tay lên phần vai đã sờn, rồi úp mặt vào áo, mắt rưng rưng. Sau bữa cơm tối, cả nhà quây quần bên ấm trà nóng. Lúc ấy, ông Ón mới chậm rãi kể.
…Khi còn là chàng trai Thái mười chín tuổi, Ón lên đường nhập ngũ. Chiến trường năm ấy như chảo lửa đỏ rực. Ông và đồng đội được giao nhiệm vụ chốt chặn quân địch ở hướng Tây Bắc, mở đường cho đại quân tiến thẳng vào Sài Gòn. Tiếng pháo gào xé trời, từng đợt bom rền vang, làm rung chuyển cả dải đất miền nam. Tuyến phòng thủ Thủ Dầu Một - Dĩ An chìm trong khói lửa, trời như nghiêng xuống bởi sức nổ của hàng loạt trận pháo kích. Tiểu đoàn 2, nơi Ón đang chiến đấu nhận được lệnh chặn địch bằng mọi giá, giữ vững hành lang chiến lược cho các mũi tấn công chủ lực thọc sâu vào nội thành.
Pháo địch gầm lên như sấm dội, đất đá tung tóe, khét lẹt mùi thuốc súng. Những hàng cây cao su bị đạn quét qua rạp xuống như vừa trải qua một trận mưa đá dữ dội. Ông Ón, cùng khẩu đội B40, ghì chặt vị trí trên đoạn công sự loang lổ vết đạn, mắt không rời mục tiêu, hơi thở hòa lẫn với tiếng gầm của chiến sự.
Đột ngột, từ phía đối diện, địch tung ra một loạt xe thiết giáp cùng đội hình lính thủy đánh bộ, ồ ạt tràn lên như sóng cuộn. Tiếng xích sắt nghiến ken két trên mặt đường nghe như dao cứa vào tim gan người lính.
Tiểu đội của ông Ón nghiến răng giữ vững vị trí. Trần Văn Ích - xạ thủ B40, quê Vĩnh Phú, vẫn quỳ bên mép công sự, nòng súng đặt trên vai, mắt căng lên như chực nổ. Khi đợt pháo dứt, không chờ hiệu lệnh, Ích bật dậy lao lên, theo sau là đồng đội. Anh nhấn cò. Quả đạn xé gió lao thẳng vào mũi chiếc xe tăng đi đầu. Tiếng nổ long trời, đất dưới chân rung chuyển dữ dội. Chiếc thiết giáp khựng lại, rồi bốc khói đen ngùn ngụt, nằm chỏng chơ giữa đường, lửa đỏ lòe liếm quanh tháp pháo.
Nhưng đúng lúc ấy, một loạt đạn M79 của địch giót trúng công sự. Mảnh đạn găm vào ngực Trần Văn Ích. Anh gục xuống, thân hình đổ vật trên vạt đất còn nham nhở mùi thuốc súng. Ón lao tới, bất chấp đạn vẫn rít trên đầu, ôm chầm lấy đồng đội. Ích thở dốc, máu thấm ướt cả vạt áo, nhưng đôi mắt vẫn sáng, ánh nhìn không rời chiến tuyến. Trong khoảnh khắc mong manh giữa sống và chết, giữa khói lửa và im lặng, Ích thều thào:
- Bạn à... thắng rồi... đừng quên tao...
Ón nghiến chặt hàm răng, ánh mắt bừng sáng. Ông vội rút chiếc áo lành còn lại trên người khoác lên thi thể Ích, rồi cởi tấm áo đẫm máu của đồng đội để mặc lên mình. Đó là lời thề thầm lặng của người lính: Sẽ mang Ích cùng về nơi bình yên, nơi ngày mai vẫn còn chờ đợi.
*
- Ông đi mạnh giỏi nhé, nhớ uống thuốc đúng bữa đó! Bà Lả tiễn ông ra tận xe, giọng lo lắng nhưng cố gắng vững vàng.
- Khi nào xong việc, tôi sẽ về, ông Ón nhẹ nhàng an ủi.
- Trên đó… ông thắp nhang thay phần tôi nhé.
- Ừ, Ích nó sẽ vui lắm!
Tháng Bảy, trời vẫn mưa rả rích, từng giọt nước lạnh thấm vào da thịt. Ông Ón khoác ba-lô, trong tay cầm những nhành ban non mơn man, chân bước chậm rãi qua con đường đất đỏ dẫn vào Nghĩa trang Trường Sơn. Những ngôi mộ bạt ngàn trải dài như biển người, từng bia đá trắng ngần lấp ló giữa rừng thông xanh ngát. Gió thổi qua khe lá, mang theo tiếng xào xạc như lời thì thầm của đồng đội đã ngã xuống, âm vang mãi trong lòng người còn sống.
Ông Ón thắp nén nhang, rồi nhẹ nhàng đặt mấy nhánh ban xuống bên phần mộ của Ích và các liệt sĩ khác. Giọng ông khẽ, như thì thầm với người bạn cũ: Ích à… giờ nơi đây có hoa ban Tây Bắc rồi. Mày yên nghỉ nhé. Tao sẽ trồng ở Nghĩa trang Trường Sơn những cây ban để mày và anh em, mỗi khi thức dậy, cũng thấy một góc quê hương. Đất Trường Sơn nhiều cát, lắm đá, nhưng ban là loài không sợ gian khổ. Cứ rễ sâu, nhẫn nại mà sống… như lính tụi tao ngày trước…
Chiều buông chầm chậm trên dãy Trường Sơn. Gió thì thào qua rừng, như lắng nghe lời hứa của một người lính già. Rồi đây, ban sẽ nở trắng muốt giữa nền trời nơi này, dịu dàng mà kiêu hãnh, như những linh hồn không ngủ. Ông Ón đứng lặng một lúc, rồi quay bước. Ông trở về trong một niềm thanh thản lặng sâu như thể đã gửi lại một phần Tây Bắc ở nơi đất rừng phương nam.
Trở về nhà, ông sững người. Nơi góc sân, những mầm ban ông mang về hôm nào, bị mưa rừng xói đứt hết rễ, nay đã bắn lên tua tủa những chồi non mướt mát. Bành chạy ào ra, giọng ríu rít như chim non: Ông ơi, ban lên xanh rồi!
- Ừ, ban sống rồi. Sống như ông Ích ngày xưa vẫn còn sống trong lòng ông, trong lòng dân bản ta!
Ông mỉm cười, ngước nhìn trời, lòng nhẹ bẫng.
Chiều Phạ Đin. Trong mâm cơm quây quần bên bếp lửa, ông Ón lặng lẽ nâng chiếc áo lính cũ, nhẹ nhàng đặt lên ban thờ. Chiếc áo ấy từng theo ông qua bom đạn, giờ nằm lại giữa không gian ấm cúng như một kỷ vật thiêng. Ngoài thung, gió hòa vào nhịp thở của núi rừng, nơi vẫn còn in dấu chân người lính năm xưa và tấm lòng gửi lại mảnh đất Tây Bắc.