Hai người đàn ông ngồi bên bàn trà nhỏ, đối diện mảnh sân chung, mỗi người một tách trà xanh. Câu chuyện không đi đâu xa, quanh quẩn chuyện thành phố vừa thông qua Nghị quyết mới nhằm giảm phát thải nhựa trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
- Nghe nói sắp tới, vào khách sạn là không còn bàn chải đánh răng, dao cạo râu, mũ tắm miễn phí đâu ông ạ.
- Ừ, rồi mấy cái chợ, cửa hàng tiện ích cũng không còn phát túi nylon miễn phí nữa… Giờ mà đi siêu thị hay mua gì cũng phải đem theo túi vải, túi thân thiện môi trường.
Cả hai nhìn nhau, rồi người đàn ông tóc đã bạc thở dài: “Đáng ra việc này phải làm từ lâu rồi!”.
Thực vậy. Bao năm qua, Hà Nội - cũng như nhiều đô thị lớn ở Việt Nam - đã sống chung với rác nhựa như một thói quen đáng sợ. Hãy thử dạo quanh phố đi bộ Hồ Gươm vào một tối cuối tuần. Giữa ánh đèn rực rỡ và tiếng nhạc, những túi rác đen kịt nằm im lìm cạnh gốc cây: vỏ lon nước, hộp xốp, cốc nhựa đựng cà-phê, ống hút, thìa nhựa... Mỗi dấu vết tiêu dùng ấy chỉ hiện diện trong vài chục phút, nhưng để lại hệ lụy môi trường kéo dài hàng trăm năm.
Không chỉ phố đi bộ. Những khu tập thể cũ, chung cư mới, góc chợ dân sinh hay thậm chí cả khu dân cư cao cấp - rác thải nhựa có mặt ở khắp nơi. Túi nylon, đồ nhựa dùng một lần cứ ùn ùn xuất hiện, tiện dụng nhưng lặng lẽ tích tụ thành mối đe dọa. Dù đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng do thiếu chế tài và một phần vì sự dễ dãi trong lối sống, vấn nạn này vẫn âm ỉ lan rộng.
Hà Nội đang làm điều đúng đắn, sẽ cấm sản phẩm nhựa dùng một lần, chấm dứt phát túi nylon; cấm việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần... Đó là một lộ trình rõ ràng - nhưng cũng đầy thách thức. Bởi ngay cả việc tưởng đơn giản là phân loại rác thải tại nguồn - hữu cơ, vô cơ, tái chế - suốt nhiều năm vẫn chưa thể thực hiện được. Thùng rác có, hướng dẫn có, luật đã quy định, nhưng người dân thực hiện phân loại rác chưa nhiều. Tất cả rác thải sinh hoạt vẫn gom về một nơi, rồi đốt hoặc chôn.
Vậy thì liệu quy định mới có khả thi không?
Câu trả lời nằm ở nhận thức và hành động của mỗi người. Muốn sống sạch, trước hết phải sạch trong suy nghĩ. Suy nghĩ xanh, sống xanh - đó không thể là một khẩu hiệu được in trên pano tuyên truyền mà phải bắt đầu từ những hành động nhỏ mỗi ngày.
Như giữ lại một chiếc đĩa để dùng lần hai ở tiệc buffet. Như từ chối ống hút, kể cả khi nó “xanh” hơn nhựa. Như từ mình hạn chế dần việc dùng túi nylon, đồ nhựa dùng 1 lần. Như phân loại rác đúng cách, vì không ai làm thì chính mình làm. Những hành động ấy tưởng nhỏ, nhưng là những viên gạch đầu tiên xây nên một cuộc sống không ô nhiễm.
Không phải ai cũng phải trở thành nhà hoạt động môi trường. Nhưng mỗi người có thể bắt đầu từ việc không vứt bừa một túi nylon xuống cống. Có thể cầm theo một chiếc túi vải đi chợ. Có thể nói với con cái rằng: sống tử tế với môi trường hôm nay là sống trách nhiệm với chính cuộc sống của mình ngày mai.