Tấm lòng từ bi, nhân ái
Cuối giờ chiều, đám trẻ đang vui chơi ở sân chùa, thấy bóng dáng sư Ngoan từ cổng, ào chạy, vây quanh sư phụ xin được ngủ tối cùng. Chúng ríu rít “Con yêu sư phụ”. Thầy Ngoan âu yếm xoa đầu từng đứa. Buổi tối, 15 bé nằm chung quanh, cả đêm thầy Ngoan tất bật trông nom, chăm bẵm, mệt nhưng tràn ngập niềm vui. Có hôm thầy Ngoan vừa đi truyền hóa chất điều trị ung thư từ viện về, người mệt, bé Bình An và Tuệ Đăng dù rất muốn ôm nhưng biết ý, chỉ đứng cạnh nắm tay hỏi thăm, động viên sư phụ chóng khỏe, không sà vào lòng như mọi khi. Sư Ngoan mỉm cười mà khóe mắt rưng rưng.
Thường xuyên đi lễ chùa, có duyên với cửa Phật, cô gái quê Hậu Lộc đến với con đường tu hành, lấy pháp danh Thích Đàm Ngoan. Khi về trụ trì chùa Hồi Long, lúc rảnh rỗi, thầy đến trường mầm non cho kẹo bánh, chơi đùa cùng các bé. Ánh mắt tươi vui, nụ cười hồn nhiên của đám trẻ xóa tan mọi ưu phiền, tâm hồn trở nên thư thái. Rồi những lần đi từ thiện các nơi, thầy Ngoan gặp nhiều đứa trẻ mồ côi, nhà nghèo, khát khao con chữ và đồng cảm, tặng quà động viên, hỗ trợ tiền đóng học, mua xe đạp điện, máy tính…
Cuối năm 2018, Trung tâm Từ thiện xã hội chùa Hồi Long được thành lập và được Ngân hàng Vietinbank tài trợ xây dựng. Bé gái đầu tiên tên Bình An được sư Ngoan nhận nuôi khi còn nằm trong lồng ấp chỉ nặng 1,4 cân. Là người xuất gia, không có kinh nghiệm chăm trẻ sơ sinh, buổi đầu rất cực. Thầy phải học cách nuôi bộ, pha sữa, cho uống đúng cữ, tắm, cho ăn dặm… Bé Bảo An lúc bị bỏ ở sân chùa mới 3 tuổi, bẩn thỉu, gày còm, rách rưới, không biết nói, tận tay thầy kiên trì chăm nom, dạy bảo, giờ đã 9 tuổi, nhanh nhẹn, chăm ngoan. Số trẻ tăng dần, có bé bị bỏ rơi trên người còn dính nguyên cuống rốn, đứa ốm đau quặt quẹo, đứa bị HIV, bị dị tật…
Mỗi bé là một cảnh đời đầy nước mắt được sư Ngoan mở rộng vòng tay nhân ái chở che, nuôi dưỡng và dạy dỗ chu đáo chẳng khác con ruột. Nhà chùa giờ không chỉ có tiếng chuông ngân xa và mùi trầm lan tỏa, mà còn có tiếng khóc cười non nớt, làn da thơm mùi sữa, trái tim bé bỏng được sưởi ấm bằng tình yêu thương vô bờ.
Một gia đình nuôi dạy một, hai con đã vất vả, trung tâm hiện có hơn 30 trẻ, đứa ẵm ngửa, đứa đang tuổi ăn tuổi lớn, đứa trong độ tuổi dậy thì gian truân bội phần. Sư Ngoan như người mẹ hiền, cùng các bảo mẫu lo toan từ viên thuốc, cái bỉm, hộp sữa… đến chuyện no cơm ấm áo, học hành, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho các con. Có đêm khuya về muộn, thầy cũng tranh thủ ghé thăm, thấy chúng ngủ say mới yên tâm. Hằng ngày kèm cặp, dạy bảo, thỉnh thoảng, thầy cho chúng đi chơi siêu thị, tắm bể bơi. Các bé dưới 6 tuổi học tại nhóm trẻ mầm non ngay tại chùa, lên cấp một, cấp hai tốn kém hơn, đóng tiền ăn, tiền bán trú, đi lại. Dịch sởi năm ngoái, nhiều bé bị lây chéo, cùng nằm viện cấp cứu, tiền viện phí hàng chục triệu, mệt nhọc nhưng thầy Ngoan chẳng nề hà.
Đằng sau những phút giây trùng xuống vì áp lực lo toan, bệnh tật là ý chí mạnh mẽ, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Thầy luôn lạc quan, chăm chỉ làm việc không chút ngơi nghỉ. Chứng kiến trẻ khôn lớn từng ngày, chăm ngoan, hiếu thảo, trong lòng thầy trào dâng niềm hạnh phúc, mong chúng khỏe mạnh, bình an, học hành tiến bộ, trở thành người có ích.
Nỗi lo phần nào vơi bớt bởi những tấm lòng thơm thảo đồng hành sẻ chia trên hành trình nhân ái. Nhiều đoàn ủng hộ tiền, tặng quà, khi thùng sữa, cân gạo, gói bỉm, túi đồ chơi, lúc cho cả quạt, điều hòa. Mỗi món quà là một chút yêu thương góp nhặt để nuôi dưỡng những mầm non khuyết thiếu đủ đầy hơn trong tâm hồn.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, thầy làm phúc, tích đức chẳng mảy may tính toán, không mong chờ báo đáp. Các gia đình đến xin nhận lại con, thầy hoan hỉ tạo mọi điều kiện, không gây khó dễ. Họ khổ tâm, cùng quẫn mới bỏ con, thầy không nỡ trách. Có nữ sinh lỡ dại mang bầu, bạn trai chối bỏ trách nhiệm, đem con tới chùa, sau này ân hận khai thật với bố mẹ, nhắn tin với sư Ngoan. Sau những ngày tháng buồn đau là kết cục có hậu, đôi trẻ đi đăng ký kết hôn và giữ lời hứa với thầy nuôi con tử tế, bù đắp lại những tháng ngày thiếu vắng tình mẫu tử. Một người mẹ tìm gặp thầy trình bày hoàn cảnh, xin phép ở lại chăm con vì chưa có điều kiện đem về nuôi. Biết chuyện, thầy không trách giận, giữ kín thông tin để mẹ con gần nhau.

Cảm kích tấm lòng từ bi, thiện lành của nhà sư tâm đức, sau khi tốt nghiệp đại học Luật, Trần Ngọc Tân tình nguyện làm trợ lý pháp lý cho sư Ngoan, bảo đảm thủ tục nhận nuôi, trả lại con chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. “Làm việc ở nơi khác có thể thu nhập cao hơn, nhưng ở chùa em thấy cuộc sống ý nghĩa, lại học hỏi được cách sống hướng thiện, đối nhân xử thế của thầy”, Tân trải lòng.
Bố mất sớm, gia cảnh túng thiếu, chị cả Phạm Thị Thanh định dừng học để các em có cơ hội. Biết chuyện, thầy Ngoan khích lệ, hỗ trợ tiền ăn học, liên hệ xin học bổng của một công ty, Thanh tự tin, quyết tâm theo học Đại học Sư phạm Vinh, nỗ lực cố gắng, tốt nghiệp loại giỏi. Hôm nhà trường tặng giấy khen nữ sinh viên tiêu biểu, thầy Ngoan dự buổi lễ, nghẹn ngào xúc động. Nghỉ hè, Thanh dạy tiếng Anh, bù đắp thiệt thòi cho những đứa trẻ kém may mắn. Nhà gần chùa, Lê Phạm Minh Quân thường tới lễ Phật. Mẹ chẳng có đủ mấy chục triệu cho tiền mổ cận thị để vào Học viện Cảnh sát học, Quân ngỏ lời mong sư Ngoan giúp đỡ. Mỗi lần về quê, Quân sang chùa đỡ đần thầy bảo ban các bé điều hay lẽ phải, động viên học giỏi để vượt lên nghịch cảnh, tốt cho bản thân và có điều kiện giúp đỡ mọi người. Đó cũng là cách đền đáp công ơn dưỡng dục của thầy. Những lần cùng thầy Ngoan đi phát quà từ thiện cho Quân bài học quý giá về lòng nhân ái, san sẻ, yêu thương nồng ấm tình người. Lúc cấp bách, thầy Ngoan sẵn sàng mua chịu hàng để đi từ thiện, cứu trợ bão lụt, không quản ngại đường sá xa xôi đến phát tận tay cho bà con. Hồi dịch Covid-19, thầy trực tiếp gom hàng, thuê 15 xe container chở hàng cứu trợ từ Thanh Hóa vào các tỉnh miền nam, nào nước mắm, gạo, dầu ăn, bí xanh, khoai rồi ngược ra với hàng trăm tấn hoa quả giải cứu.
Đam mê nghiên cứu, lợi lạc chúng sinh
Việc Phật sự, chăm trẻ bận rộn, thầy Ngoan vẫn dành thời gian chuyên tâm nghiên cứu sáng chế các sản phẩm từ thảo dược thiên nhiên. Kiến thức tích lũy hồi theo học y dược nhiều năm trước, đọc sách, tìm hiểu thông tin trên mạng, học hỏi thêm các chuyên gia đầu ngành, đúc kết từ kinh nghiệm dân gian, thầy Ngoan mày mò nghiên cứu công thức làm tinh dầu, hương, dầu gội, xả, nước rửa bát. Con đường chông gai, nhọc nhằn, nhiều lần thử nghiệm phải đổ bỏ nguyên liệu, tốn kém nhưng thầy không bỏ cuộc. Mỗi nén hương được làm thủ công tỉ mỉ, không chứa hóa chất, thơm thuần khiết, nguyên liệu làm dầu gội thảo dược 100% tự nhiên, được sơ chế, pha chế, ngâm ủ, lên men kỹ lưỡng để giữ trọn dưỡng chất quý, cho tóc chắc, khỏe, mềm mượt; nước rửa chén được công nhận sản phẩm OCOP ba sao cấp huyện.
Ban đầu sản phẩm để phục vụ trẻ tại trung tâm, tặng Phật tử. Các bé ngày một lớn, chi phí càng tốn kém, không thể chỉ trông chờ vào tấm lòng thiện nguyện của các nhà hảo tâm, thầy Ngoan quyết định bán sản phẩm để có điều kiện chăm nuôi các bé đầy đủ hơn. Buổi đầu các giáo viên, phụ nữ địa phương mua ủng hộ, nhiều người khen, phản hồi tích cực về công dụng sản phẩm, thầy Ngoan tự tin quảng cáo trên facebook, trang fanpage để nhiều người biết đến. Anh Trương Nam Anh - starup hỗ trợ thầy Ngoan bán hàng trên mạng cho biết, sản phẩm dầu gội dược liệu tự nhiên chùa Hồi Long sử dụng phương pháp lên men truyền thống, là thế mạnh cạnh tranh trên thị trường. Có lần ra Hà Nội khám bệnh, mọi người ở bệnh viện nhận ra “sư cô bán dầu gội”, thầy rất vui.
Sản phẩm được ưa chuộng, tiêu thụ càng nhiều, doanh thu tăng, nhưng với bản tính cầu toàn, thầy Ngoan luôn lắng nghe phản hồi để điều chỉnh, hoàn thiện, nâng cao chất lượng. Không ít đối tác liên hệ muốn sản xuất thương mại với chi phí, giá thành rẻ hơn nhưng thầy không đồng ý, lo họ không làm thật, nhất là trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái trà trộn lẫn hàng thật. Thầy Ngoan xác định rõ sản phẩm mình trực tiếp làm mới đem bán, bởi mục đích không đơn thuần là lợi nhuận mà mang lại giá trị hữu dụng, an toàn, thật sự tốt cho sức khỏe. Có Phật tử băn khoăn hỏi “Thầy đã xuất gia, lánh xa bụi trần, sao không tập trung ăn chay niệm Phật mà sản xuất, kinh doanh, dễ bị điều tiếng”. Sư Ngoan từ tốn giải thích: “Sống thiện là sống có ích, mình giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt để tích đức. Đức Phật dạy tùy thuận chúng sinh nhi vi lợi ích, có hai phương pháp để giáo hóa, là thân giáo và khẩu giáo. Tôi chọn thân giáo, tự lao động chân chính bằng trí tuệ, sức lực của mình, không vi phạm đạo đức, pháp luật, không sai luật Phật, đem lợi lạc cho mọi người và có thêm nguồn kinh phí nuôi dưỡng các bé”.