Thời luận

Sinh ra từ làng, lớn lên cùng đất nước

Ðã hơn nửa tháng trôi qua, kể từ ngày 1/7. Như con tàu rời ga không tránh khỏi chộn rộn, rung lắc lúc đầu, guồng máy lãnh đạo từ cơ sở đến tỉnh, thành phố đã từng bước làm quen mô hình mới - chính quyền địa phương hai cấp.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng (mới) trao các Quyết định bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh | MAI VĂN BẢO
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng (mới) trao các Quyết định bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh | MAI VĂN BẢO

Chúng tôi hẹn hò nhau về quê sau ngày trọng đại ấy, ngày đánh dấu sự kiện “sắp xếp lại giang sơn”. Quê tôi, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam chiêm trũng một thời nay nhập vào Ninh Bình. Nhớ quê, nhớ tên làng, tên núi, tên sông. Nhớ những nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa đất này, như Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhà văn Nam Cao với Đôi mắt, Giăng sáng, Chí Phèo... bất hủ. Nhớ đến các sự kiện văn hóa lịch sử Trống Đồng Ngọc Lũ, Tiếng trống Bồ Đề. Cảm xúc ấy với những người tuổi đã ngả chiều thật khó phai mờ.

Nhưng nỗi buồn se sắt vơi hẳn khi chuyện trò với mấy bạn trẻ sinh ra và lớn lên thời internet về làng, cuối những năm 90 thế kỷ trước. Đấy là lớp người học “số” chính quy chứ không phải “bình dân học vụ số”. Câu chuyện tự nhiên, hào hứng và dĩ nhiên xoay quanh cái ý xã to, tỉnh lớn, đi lên thế nào, xoay sở ra sao? Một anh kỹ sư nông nghiệp đang giữ chân Phó Chủ tịch UBND xã nói về cảm xúc của mình sau ngày lập lại tỉnh mới: “Lứa chúng em sinh ra từ làng, lớn lên cùng đất nước. Nhiều bạn học ở nước ngoài đi khắp bốn phương trời nay trở về quê sinh cơ lập nghiệp. Thưa các bác, may mắn nhất là, chúng em gặp đúng thời cơ chuyển đổi số quốc gia để góp sức”.

Còn anh cán bộ ở một Viện Nghiên cứu khoa học Trung ương thì góp vào câu chuyện. Rằng cuộc cách mạng tinh giản bộ máy ở ta phải nói là long trời chuyển đất, quyết tâm rất cao, thời gian quá gấp, bởi đây là thời điểm tốt nhất khi chúng ta tổng kết 40 năm đổi mới, bước sang kỷ nguyên phát triển mới. Mới với chúng ta nhưng thế giới họ đã đi qua, đi trước từ lâu. Chẳng hạn, ông Javier Milei, Tổng thống Argentina từng bị chế giễu khi cầm… cưa máy đi tranh cử. Trước đông đảo cử tri, ông không ngại ngần khi tuyên bố sẽ dùng “cưa máy” để… cắt giảm bộ máy quá cồng kềnh đang tồn tại. Thế rồi, sau 17 tháng, quan chức và người dân Argentina không ai cười Tổng thống nữa. Trên đất nước của điệu nhảy Tango, một cuộc cải cách cấp tiến chưa từng có đã diễn ra. Đó là cuộc cách mạng thể chế sâu rộng, từ tinh giản biên chế, xóa bỏ hàng loạt quy định rườm rà, cho đến tái lập kỷ luật tài khóa. Sau 17 tháng cầm quyền và “cầm cưa” của Javier Milei đã khiến cho 48 nghìn biên chế chính phủ biến mất. Trong một thời gian ngắn, gần 50 nghìn việc làm công, tương đương 9,6% lực lượng lao động đã ra khỏi bộ máy nhà nước. Các công ty quốc doanh giảm 16,4% nhân sự, hợp đồng đặc biệt giảm 20%, lao động tự do cắt một nửa. Tính ra đã tiết kiệm khoảng 1,88 tỷ USD. Câu chuyện này xảy ra mới đây thôi, trong hai năm 2023-2024.

Hình ảnh chiếc cưa máy trong tay Tổng thống phần nào truyền cảm hứng đến chúng ta. Trước khi vào cuộc “đại phẫu hành chính”, xóa bỏ điểm nghẽn, vấn đề mở rộng không gian phát triển đã được bàn thảo một cách rốt ráo, bài bản. Làm sao đây để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng đất, sao cho mỗi địa phương có rừng, có biển, có đồng bằng trù phú, có các khu công nghiệp tập trung, nhất là các ngành công nghiệp có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. 34 tỉnh, thành phố mới sẽ tạo ra một không gian mở, năng động, chuyên nghiệp và hiện đại. Nhìn rộng ra cả nước, không gian ấy được kiến tạo dựa trên tầm nhìn dài hạn, hướng đến sự phát triển bền vững và khoa học, không chỉ là nhiệm vụ quản trị hành chính, mà còn là một cam kết chính trị. Tư duy chiến lược khi được vận hành bởi mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới sẽ phục vụ tốt hơn, sâu sát dân hơn và hiệu quả hơn. Vì dân, vì nước không còn là khẩu hiệu chung chung mà biến thành hành động cụ thể, thực chất.

Đã hơn nửa tháng trôi qua. Như con tàu rời ga không tránh khỏi chộn rộn, rung lắc lúc đầu, guồng máy lãnh đạo từ cơ sở đến tỉnh, thành phố đã từng bước làm quen mô hình mới, cung cách mới. Sau khi sáp nhập, các tỉnh, thành phố đã có những hoạt động tích cực, khẩn trương, ổn định tổ chức-cán bộ, tập trung vào việc xây dựng bộ máy quản lý hiệu quả, kết nối hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội. Các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát, tham mưu với cấp trên sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị, đường truyền, bảo đảm hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn; sớm xây dựng cơ chế tài chính phù hợp cho cấp xã, phường, đặc khu, bởi cỗ máy muốn chạy thì phải có nhiên liệu, nguồn tài chính được ví như “nhiên liệu” đó.

Còn ở cấp xã, qua buổi ban đầu chưa nhớ hết tên nhau đã từng bước ổn định bộ máy, sắp xếp nơi làm việc hợp lý. Tập trung giải quyết ngay các lĩnh vực quản lý nhà nước, dịch vụ công và xây dựng chính quyền điện tử, từ việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đến xây dựng, đất đai, môi trường, an ninh trật tự. Những khó khăn phổ biến ở cấp chính quyền gần dân nhất là khối lượng công việc phát sinh lớn, do có nhiều quy định còn quá mới cho nên không tránh khỏi tình trạng lúng túng trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

nghe-thuat-1.jpg
Phường Ô Chợ Dừa (mới), thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình nghệ thuật chào mừng sáp nhập địa giới hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh | Mạnh Trường

Vẫn còn đó bao nỗi tâm tư, bao niềm mong đợi. Ngay cả những người trong cuộc còn cảm thấy “mông lung”. Không ai có thể trả lời được tất cả những băn khoăn ấy. Hãy cứ làm đi, vừa chạy vừa xếp hàng. Hãy gác cái tôi sang bên. Đoàn kết thống nhất, đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết trong dân là chìa khóa vạn năng trong bước khởi hành này. Đoàn kết thì sẽ tạo nên sức mạnh muôn người như một, sẽ vơi đi những “bất bình”, “ấm ức” như một lẽ tự nhiên trong tâm lý con người, nào là phải xin nghỉ việc sớm, mất chức, xuống chức; nào là vì sao tỉnh tôi, xã tôi “mất tên”; nào là trụ sở cơ quan mới lại không đặt chỗ chúng tôi, tới đây việc phân bổ ngân sách liệu có công bằng?

Tiếp xúc với nhiều cán bộ đứng đầu phường, xã, đặc khu, trong đó phần lớn trước đây là cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, có đồng chí học hàm học vị cao, nhưng nay vẫn còn lúng túng, chưa thích nghi với công việc ở làng xã, nhất là khi xử lý công việc mang tính chất điều phối hoặc chuyên môn sâu. Một số xã, phường thiếu nguồn lực con người, cơ sở vật chất để “gánh” thêm chức năng quản lý. Và hiện nay còn có sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị trong khả năng thực hiện mô hình chính quyền địa phương mới.

Mặc dù cấp huyện không còn nhưng một số đơn vị chuyên môn theo “ngành dọc” vẫn tồn tại, được tổ chức theo địa bàn, gây chồng chéo trong chỉ đạo và phối hợp. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là các thông tư, hướng dẫn dưới luật để bảo đảm vận hành thông suốt. Tiếp tục thí điểm có kiểm soát, đánh giá định kỳ, lấy ý kiến người dân để điều chỉnh hợp lý. Muốn chuyển đổi số thành công, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải đổi mới tư duy. Các địa phương đang tập trung xây dựng hệ thống thông tin quản lý tập trung, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, bớt đi những cuộc họp dông dài, giảm bệnh giấy tờ, xóa bỏ nếp cũ “chào mừng”, “thưa gửi”.

Tương lai là kết quả của những suy nghĩ và quyết định trong hiện tại. Nhiệm vụ mới đòi hỏi sự khẩn trương, kiên trì, linh hoạt và đồng bộ từ nhiều phía, từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan quản lý đến đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Chìa khóa thành công của cuộc cải cách này như ý đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: Đất nước là quê chung, là quê hương lớn của mỗi chúng ta. Hãy để mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân sẽ tạo nền tảng ổn định dựng xây căn nhà mới thoáng đẹp, hiện đại, bền vững hơn.

Nước-làng-nhà là ba thành tố thiêng liêng, bền chặt, vững vàng qua mấy nghìn năm lịch sử Việt Nam. Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo. Thế hệ này chịu đau, vượt bão thì thế hệ sau được hưởng những điều tốt lành. Sinh ra từ làng, lớn lên cùng đất nước không phải là một phát hiện mới nhưng là một đòi hỏi mới. Các bạn trẻ hãy “lớn lên” nhanh hơn, nói gần và nghĩ xa, mạnh mẽ hơn trong một không gian rộng mở. Hãy trân trọng những giá trị, dù hôm nay còn nhỏ bé, song ngày mai sẽ trở nên vĩ đại.

TRẦN QUANG