Sáng tạo từ di sản để bảo tồn di sản

Ý tưởng thiết kế sản phẩm sáng tạo của các bạn trẻ với cảm hứng từ di sản văn hóa thường rất bay bổng, gây ấn tượng thị giác mạnh.

Hình ảnh Ngai vàng triều Nguyễn trong bộ hộp mù khảo cổ Đế đô khảo cổ ký. (Nguồn ảnh COMICOLA)
Hình ảnh Ngai vàng triều Nguyễn trong bộ hộp mù khảo cổ Đế đô khảo cổ ký. (Nguồn ảnh COMICOLA)

Song, từ ý tưởng đến tạo ra một mô hình, một sản phẩm mẫu và tiến tới sản xuất hàng loạt, hình thành nên một sản phẩm công nghiệp văn hóa đúng nghĩa... lại thường là khoảng cách dài, cần nhiều bài học kinh nghiệm.

Đây là chia sẻ chân thành của anh Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập Comicola, công ty nổi tiếng không chỉ với thị phần truyện tranh lớn nhất Việt Nam mà còn là đơn vị thực hiện nhiều dự án sản xuất sản phẩm sáng tạo của giới trẻ và dành cho giới trẻ, được phát triển từ nguồn cảm hứng vô tận với di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của đất nước.

Đẹp và hay vẫn là chưa đủ

Dự án bộ sưu tập hộp mù (blindbox) khảo cổ mang tên Đế đô khảo cổ ký được xem là một trong những dự án mới nhất được Comicola đầu tư trọng điểm, ra mắt vào những ngày cuối năm 2024. Dự án do công ty này hợp tác với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và một số đối tác khác để cùng triển khai thực hiện. Hai bảo vật đơn lẻ - Ngai vàng triều Nguyễn và Đại hồng chung chùa Thiên Mụ - cùng hai đại diện của hai bộ bảo vật quốc gia (khầu Hạ thuộc bộ Cửu vị thần công và Cao đỉnh thuộc bộ Cửu đỉnh) được đúc theo khuôn 3D thu nhỏ, rồi bọc trong một khối thạch cao giả lập và đóng hộp. Người chơi sử dụng bộ dụng cụ phá thạch cao được bán kèm để đục bỏ khối thạch cao, nhận lấy món đồ khảo cổ bên trong đó.

Tuy nhiên, để bảo đảm sự chuẩn mực của mọi công đoạn sản xuất cũng như giá thành chấp nhận được, phía nhà đầu tư đã phải giải bài toán không đơn giản: Sắp xếp và chia các thành phần của một món đồ vào khuôn đúc công nghiệp, để làm sao tất cả có thể vừa trong một khuôn. “Mỗi một chiếc khuôn đúc công nghiệp cho dòng sản phẩm đồ chơi thiết diện 3D có giá khoảng 300 triệu đồng. Nếu tính toán không kỹ, chỉ cần mỗi bộ phận dư diện tích một chút là một sản phẩm phải cần thêm nhiều khuôn hơn, khi đó, giá thành sẽ bị đội lên nhiều”, anh Dương cho biết. Người sáng tạo luôn muốn sản phẩm của mình thật ấn tượng, nhưng trong ngành công nghiệp văn hóa, yếu tố giá thành cạnh tranh lại luôn đóng vai trò chi phối mạnh mẽ, đòi hỏi người sáng tạo và nhà đầu tư, đội ngũ thiết kế sản xuất song hành, chia sẻ.

Đến nay, bộ hộp mù khảo cổ Đế đô khảo cổ ký chuẩn bị vào đợt sản xuất thứ hai. Bộ đồ chơi này cũng được sản xuất với hai phiên bản: phiên bản khảo cổ học và phiên bản đồ chơi/đồ lưu niệm thông thường (không có khối thạch cao), đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng cũng như khả năng tài chính của khách hàng. Đây cũng có thể coi là một thành công ấn tượng của Comicola và các đơn vị đối tác trong việc phát triển dòng sản phẩm sáng tạo từ nền tảng di sản văn hóa truyền thống dân tộc.

Cần sự kiên trì đồng hành để hiểu di sản

Được thành lập từ năm 1996, Craft Link là doanh nghiệp xã hội giàu kinh nghiệm trong tham gia phát triển sản phẩm sáng tạo cùng nhiều nhóm đồng bào thiểu số và thợ thủ công ở làng nghề truyền thống.

Từ trải nghiệm làm việc với người dân, chị Trần Tuyết Lan, Tổng Giám đốc Craft Link nhấn mạnh đến sự kiên trì khi một người sáng tạo muốn hiểu ngọn ngành về một di sản để từ đó, phát huy một cách đúng đắn nhất giá trị, ý nghĩa của di sản ấy thông qua việc ứng dụng vào sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường hôm nay.

Đến nay, Craft Link đã và đang hỗ trợ 70 nhóm cộng đồng, trong đó có 75% số lượng nhóm thuộc đồng bào thiểu số và làng nghề thủ công truyền thống, bao gồm từ sản phẩm vải dệt, thêu, nhuộm, và nhiều mẫu mã đồ thủ công mỹ nghệ khác. Để đồng hành cùng bà con sáng tạo mẫu mã mới và kỹ thuật sản xuất tương ứng trên nền tảng di sản, đội ngũ tư vấn từ Craft Link thường mất ít nhất hai năm cho một dự án; các nhà thiết kế, kỹ thuật viên của doanh nghiệp thường ở lại bản làng cùng người dân trong nhiều khoảng thời gian nhất định.

Mục tiêu bao trùm của Craft Link tựa như chiếc kiềng ba chân vững chãi: Thứ nhất, giúp các nhóm cộng đồng bảo tồn sản phẩm văn hóa truyền thống cùng kỹ thuật chế tác, bên cạnh đó là phát triển vùng nguyên liệu liên quan; Thứ hai, giúp họ tăng thu nhập một cách bền vững với việc phát triển mẫu sản phẩm mới, tìm thị trường tiêu thụ; Thứ ba, giúp nâng cao nhận thức chung của công chúng về giá trị, sức sống của văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa.

Sự phong phú, đa dạng chủng loại mặt hàng, từ thời trang, trang sức, phụ kiện, đồ bếp, trang trí nhà cửa… trong tệp sản phẩm giới thiệu tại Craft Link những năm qua minh chứng phần nào cho sự kiên định của đơn vị này, trên hành trình phát triển sáng tạo cùng các nhóm cộng đồng dựa trên tài nguyên di sản văn hóa.

Anh Nguyễn Khánh Dương và chị Trần Tuyết Lan là hai trong số nhiều người đồng hành giàu kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn với cuộc thi ý tưởng thiết kế sản phẩm công nghiệp văn hóa dựa trên di sản mang tên Theo bước di sản cộng đồng, dành cho các công dân Việt Nam trẻ, 18-30 tuổi. Đây là lần đầu có một cuộc thi như vậy ở quy mô toàn quốc, cho thấy mối quan tâm chung ngày càng sáng rõ, lớn mạnh của xã hội dành cho việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó vai trò của thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng.

Không chỉ đồng hành trong khuôn khổ cuộc thi, các doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp sáng tạo như Comicola hay Craft Link sẽ còn tiếp tục đồng hành với các tác giả đoạt giải, để hướng tới việc có thể sản xuất sản phẩm từ ý tưởng thiết kế ban đầu, góp phần thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái sản phẩm công nghiệp văn hóa phong phú, đa dạng ở Việt Nam.

Cuộc thi Theo bước di sản cộng đồng nằm trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối - Bộ sưu tập Di sản số, do Hội đồng Anh khởi xướng và TUVA Communication phối hợp thực hiện, nhằm tạo cơ hội để cộng đồng trực tiếp đóng góp và hưởng lợi từ việc bảo tồn di sản văn hóa.

Xuân An