CLB Quảng Nam đã đăng bài trên fanpage chính thức của Facebook về chuyện này. Theo đó, họ đang cân nhắc hai phương án: Thứ nhất, đề xuất lãnh đạo địa phương “quan tâm chỉ đạo tìm kiếm, mời gọi doanh nghiệp, thành lập CLB các nhà tài trợ” để duy trì đội bóng. Thứ hai, nếu không có nhà tài trợ mới, phía Quảng Nam đề xuất chuyển giao toàn bộ nhân sự và hạ tầng cho CLB SHB Đà Nẵng, nay là “người nhà” sau sáp nhập đơn vị hành chính. Nói nôm na là giải thể.
Động thái của CLB Quảng Nam khá “kỳ lạ”, khi thông báo trên mạng xã hội thay vì làm văn bản gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF, đơn vị tổ chức V.League). Mọi thứ cũng diễn ra quá đột ngột khi mới vừa đây họ vẫn thi đấu tại giải giao hữu Thien Long Tournament trên sân Tam Kỳ.
Nếu CLB Quảng Nam bỏ ngang giải giao hữu trước mùa, đó đã là điều không hay. Nhưng họ bỏ cả V.League thì thật sự “to chuyện”. Bởi công tác bốc thăm và sắp lịch thi đấu cho cả mùa mới đã xong. Khuyết một CLB, VPF có thể sẽ phải cân nhắc thay đổi điều lệ để tổ chức mùa mới với chỉ 13 đội, giống như mùa 2014, CLB Kiên Giang rút lui. Do số đội lẻ, mùa đó mỗi vòng diễn ra, một CLB lại “được” nghỉ.
Để duy trì V.League 14 đội, VPF sẽ phải lấy lại một “suất” đã xuống hạng, hoặc “đôn” thêm một đội hạng Nhất lên. Dù theo cách nào, đây vẫn sẽ là nguy cơ khởi đầu một chuỗi domino đầy xáo trộn và bất ổn, gây ảnh hưởng nhiều cầu thủ, CLB và thậm chí cả giải đấu.
Về phía CLB Quảng Nam, hy vọng tìm được nhà tài trợ, hay “CLB các nhà tài trợ” mới trong ba tuần tới vô cùng mong manh. Vì vậy, nhiều khả năng họ sẽ phải giải thể. Đó không chỉ là nỗi tiếc nuối với người dân xứ Quảng một thời, mà còn tác động trực tiếp đến đội ngũ ban huấn luyện và cầu thủ. Dù có muốn, SHB Đà Nẵng cũng không thể tiếp nhận toàn bộ nhân sự của nguyên một đội bóng. Nhiều người sẽ phải đôn đáo tìm bến đỗ mới, tệ hơn nữa là chấm dứt cả sự nghiệp.