Loạt 3 bài về chủ đề này sẽ nhìn thẳng vào thực trạng, phân tích những nguyên nhân gốc rễ từ sự yếu kém của tuyến dưới đến tâm lý vượt tuyến của người dân và tìm lời giải cho bài toán đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ. Không chỉ phản ánh bức tranh hiện thực, loạt bài còn mong muốn góp thêm góc nhìn để hướng tới một hệ thống y tế bền vững, nhân văn và gần dân hơn.
VÒNG XOÁY CHƯA CÓ LỐI RA
Hàng nghìn người xếp hàng từ 4 giờ sáng tại Bệnh viện K để chờ xạ trị, máy móc phải vận hành tới 23/24 giờ mỗi ngày mà vẫn không xuể. Các Bệnh viện K, Bạch Mai, Nhi Trung ương ken đặc bệnh nhân, bác sĩ làm việc rất vất vả, nhiều ca bệnh nhẹ cũng đổ dồn lên tuyến trên.
Mòn mỏi, mệt nhọc chờ đợi
Gần 4 giờ sáng, ngày 3/7/2025, hàng người trước phòng máy xạ trị của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đã dài dằng dặc chờ đợi. Nhưng chờ đến lượt mình có khi mặt trời lúc đó đã sắp lặn. Sau ngày 1/7, chính sách bảo hiểm y tế có nhiều thay đổi theo hướng mở rộng quyền lợi cho người bệnh. Đặc biệt, một số trường hợp tự đi khám, chữa bệnh trái tuyến sẽ được hưởng tới 100% mức hưởng bảo hiểm y tế. Quyền lợi này chủ yếu dành cho những người phải điều trị các bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm gặp, hoặc cần phẫu thuật, kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế tuyến cơ bản hoặc chuyên sâu, theo danh mục Bộ Y tế ban hành. Chính vì thế, Bệnh viện K - nơi điều trị bệnh nhân ung thư lại càng đông hơn.
Tôi có mặt trong hàng người ấy. Nhìn phía trước, phía sau toàn những gương mặt xanh xao, vàng vọt, mệt mỏi, những tiếng thở dài, ngáp dài, có người như muốn ngã quỵ, nhưng không ai dám rời khỏi hàng. Chị Nguyễn Thị Huệ xã Đại Đồng, tỉnh Nghệ An tóc đã rụng vì chạy hóa chất, đứng trước tôi, tâm sự: “Tôi biết tuyến cuối luôn quá tải, nhưng với bệnh hiểm nghèo và thuộc nhóm được phép vượt tuyến, tôi đã chọn điều trị ở tuyến Trung ương. Dù biết hành trình điều trị sẽ dài và tốn kém, nhưng trình độ bác sĩ, thiết bị và khả năng can thiệp chuyên sâu ở đây tốt hơn. Quá đông, mệt nhọc, nhưng tôi vẫn chấp nhận xếp hàng”.
Bệnh viện K, nơi được coi là tuyến cuối trong điều trị ung thư, có tới ba cơ sở, gần 2.300 giường bệnh và gần 2.000 y, bác sĩ, nhân viên. Thế nhưng, những con số ấy vẫn chưa đủ khi mỗi ngày lượng bệnh nhân đổ về càng đông. Các phòng khám luôn chật kín, còn nhiều máy móc, thiết bị y tế vẫn thiếu hoặc chưa đủ hiện đại để đáp ứng hết nhu cầu điều trị.
Hành lang khu chờ xạ trị ken kín người từ sáng sớm. Nhiều bệnh nhân ung thư phải đến viện từ lúc trời còn tối để lấy số, nhưng có khi vẫn phải chờ tới chiều muộn mới được gọi tên. Tôi đã tận mắt thấy những người bệnh ung thư giai đoạn cuối nằm co ro trên băng ghế sắt, thi thoảng lại nôn khan vì kiệt sức sau nhiều giờ chờ đợi. Có cụ ông hơn 70 tuổi, run rẩy chống gậy, thều thào hỏi “Bao giờ mới đến lượt xạ trị?.” Không ai có thể trả lời ông.
Bệnh viện K cơ sở Tân Triều được thiết kế với công suất tối đa khoảng 4.500-5.000 lượt khám mỗi ngày, nhưng giờ đây con số ấy đã tăng vọt lên gần 7.000. Bệnh nhân không chỉ đến từ Hà Nội mà từ khắp miền bắc, miền trung, thậm chí cả miền nam, vì nhiều người tin rằng “ung thư thì phải lên viện K mới chữa được”.

Bước vào khu điều trị nội trú của bệnh nhân ung thư, cảm giác như người khỏe mạnh vào đây cũng không thể chịu nổi. Có phòng chỉ có 3 giường, nhưng phải ghép đến 6 bệnh nhân, chưa kể người nhà túc trực. Một vài hành lang dài trở thành “khu tạm trú” với chiếu, chăn, bếp ga mini để hâm cháo. Mùi cồn sát trùng lẫn với mùi thức ăn nguội, mùi thuốc, mùi mồ hôi, khiến không khí càng thêm ngột ngạt.
Tôi đã thấy không ít đôi mắt xa xăm như đã chuẩn bị sẵn cho điều tồi tệ nhất, chỉ còn bám víu hy vọng mong manh vào chiếc phiếu hẹn xạ trị. Nhưng phải “cày” suốt ngày đêm, máy xạ trị ở đây thường xuyên bị hỏng. Máy hỏng, bệnh nhân lại xếp hàng xuyên đêm chờ đến lượt mình. Chị Hoàng Hường từ Cao Bằng xuống đây để điều trị ung thư vòm họng giai đoạn 2, tuy nhiên đành phải ra về vì bản thân máy xạ trị cũng đang phải “điều trị” vị hoạt động quá công suất.
TS, BS Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đang quản lý hơn 20 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú, trong khi lượng người dân đến khám và chữa bệnh đã vượt mốc 500 nghìn lượt mỗi năm và vẫn tiếp tục gia tăng.
Tình trạng quá tải gia tăng
Tôi đứng lẫn trong hàng người dài ngoẵng trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, đồng hồ mới điểm 5 giờ sáng mà số thứ tự đã vọt qua 200. Đó không phải cảnh tượng bất thường, mà là “bình thường mới” những ngày này ở các bệnh viện tuyến Trung ương, nơi lượng bệnh nhân đổ về ngày càng đông, đẩy cả hệ thống vào tình cảnh quá tải.
Sáng tinh mơ, đám đông dán mắt vào bảng điện tử nhấp nháy số thứ tự, mong tên mình được gọi. Không khí lúc ấy chẳng khác cái chợ không tiếng rao. Người ngồi san sát trên bậc thềm, bậc cầu thang, vỉa hè, ghế đá. Tiếng ho, tiếng thở dài, tiếng gọi điện về nhà báo tin “vẫn chưa được khám”.
Tôi len lỏi vào dãy hành lang vốn chỉ đủ hai người đi ngược chiều. Nay, người ngồi la liệt hai bên, khiến lối đi chỉ còn hẹp như cái khe. Các bác sĩ, điều dưỡng hối hả di chuyển, hồ sơ bệnh án cầm lỉnh kỉnh. Tôi nghe họ nói với nhau: “Hôm nay còn ít...”.
Bệnh viện Bạch Mai quá tải đến mức bệnh viện đã triển khai khám bệnh ngoài giờ hành chính, lúc 17-21 giờ, bắt đầu từ 1/8/2024. Theo PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 8.000 - 10.000 người bệnh tới khám, nhiều năm trước đây chỉ ở mức 4.000 - 6.000 người/ngày.
Dù đã thực hiện nhiều giải pháp, thế nhưng Bệnh viện Bạch Mai vẫn luôn trong tình trạng quá tải cả lượt khám, chữa bệnh và bệnh nhân nội trú. Bệnh nhân đến thăm khám có tới 80% là các tỉnh thành lân cận, vùng sâu, vùng xa, còn lại 20% là người dân ở Hà Nội.
Nếu ở Bạch Mai chủ yếu là người lớn chen nhau đi khám, thì ở Bệnh viện Nhi Trung ương, những cảnh tượng ám ảnh nhất là tiếng khóc trẻ thơ và dáng vẻ các bà mẹ kiệt sức. Cách đây chưa lâu, bệnh nhân sởi từ tuyến cơ sở dồn về quá đông, Bệnh viện Nhi Trung ương đã yêu cầu các bệnh viện tuyến dưới chỉ chuyển tuyến người bệnh sởi trong trường hợp có biến chứng nặng. Chỉ 3 tháng đầu năm 2025, bệnh viện đã tiếp nhận gần 2.000 ca bệnh, trong đó có nhiều trường hợp chuyển tuyến từ các cơ sở y tế địa phương. Đó chỉ là riêng bệnh sởi, chưa kể rất nhiều khoa đang “quá tải tuyệt đối” như trung tâm Ung thư, có hơn 120 ca điều trị mỗi ngày…

Hành lang bệnh viện kín chỗ, người lớn ngồi bệt xuống nền ôm con trong lòng, quạt giấy phe phẩy cho đỡ nóng. Mùi sữa, thuốc kháng sinh, mùi cháo loãng nguội tanh còn sót lại trong những chiếc bát nhựa đặt bên chân. Cảnh vật như ngưng đọng giữa những tiếng khóc vắt qua đêm trắng, khiến không ít người ở đây cảm nhận rõ ranh giới giữa ngày và đêm.
Để giảm áp lực, bệnh viện buộc phải sàng lọc, chỉ tiếp nhận điều trị nội trú cho những ca bệnh nặng hoặc có biến chứng. Trẻ mắc bệnh thông thường, không nguy hiểm tính mạng, được hướng dẫn điều trị tại tuyến dưới. Nhưng giữa lúc bệnh tật, nhiều phụ huynh vẫn cố bám viện tuyến Trung ương vì cảm thấy yên tâm hơn.
Năm 2023, công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương trung bình 112,5%, một con số duy trì gần như bất biến trong hơn một thập kỷ, dẫu đã có nhiều đề án giảm tải.
Nằm ghép giường đã trở thành hình ảnh quen thuộc, nhưng đi kèm nó là nguy cơ lây nhiễm chéo, là sự căng thẳng của nhân viên y tế không còn đủ sức quan tâm từng bệnh nhân một cách tận tình.
Thời gian chờ đợi ở bệnh viện tuyến Trung ương có thể kéo dài tới nhiều tiếng chỉ để được khám, xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh. Một cái giá không hề nhỏ cho những người đang trên hành trình đi tìm câu trả lời cho tình trạng sức khỏe của mình.