Phối hợp hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm

Hiện nay, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng tiếp tục có xu hướng gia tăng. Trước tình nêu trên, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác thanh tra, giám sát các tổ chức, cá nhân chuyên sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm.

Các cơ quan chức năng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: THANH BÌNH)
Các cơ quan chức năng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: THANH BÌNH)

Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy: Từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 5/2025, đơn vị này đã triển khai thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại hơn 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kiểm nghiệm chỉ định phục vụ quản lý nhà nước.

Kết quả, đã xử lý 198 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 24 tỷ đồng; chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 31 vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, chứa chất cấm, sử dụng giấy tờ giả. Riêng trong đợt thực hiện “Tháng cao điểm đấu tranh phòng, chống hàng giả thuộc lĩnh vực y tế từ ngày 17/5 đến 17/6/2025”, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Bình, Đồng Nai, Nam Định và Hà Nội.

Đơn vị chức năng đã phát hiện: Một cơ sở một vi phạm về ghi nhãn; hai cơ sở vi phạm về quảng cáo; một cơ sở vi phạm các hành vi về điều kiện sản xuất, kinh doanh; bốn cơ sở kinh doanh thực phẩm không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, các cơ quan công an liên tiếp phát hiện, điều tra các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe... với quy mô rất lớn.

Một số vụ việc cụ thể, phải kể đến như: trong tháng 4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả (các sản phẩm chủ yếu dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai) với số lượng lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận của Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group...

Mới đây, Công an tỉnh Hưng Yên triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ dầu ăn giả tại Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food. Công ty này nhập khẩu dầu thực vật dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, sau đó làm giả nhãn mác thành dầu ăn mang thương hiệu OFOOD để đưa ra thị trường tiêu thụ với số lượng dầu giả lên tới hàng chục nghìn tấn.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, nhóm chủ mưu sử dụng đường ống ngầm để bơm dầu từ bồn chứa nguyên liệu dành cho vật nuôi sang bồn chứa dầu dùng cho người. Sau đó, họ công bố sản phẩm là dầu ăn bổ sung vitamin A, nhưng kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy không hề có thành phần này.

Trao đổi về vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do mức lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả rất cao, là động lực khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi gian lận thương mại.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ cho phép doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Không ít doanh nghiệp đã lợi dụng điều này khi công bố chất lượng các sản phẩm.

Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là hiện nhiều bộ, ngành cũng tham gia quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Ủy ban nhân dân các cấp cùng tham gia quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm... dẫn đến chồng chéo trong quá trình thanh tra, giám sát. Việc này không chỉ khiến tăng chi phí quản lý mà còn làm giảm hiệu quả hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm, thậm chí khi phát sinh vụ việc thì một số đơn vị liên quan lại né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...

Đối với thủ tục tự công bố sản phẩm thực phẩm cũng khá đơn giản và không mất phí. Do vậy, nhiều doanh nghiệp ồ ạt tự công bố sản phẩm, nhưng số lượng sản xuất, kinh doanh thực tế không đúng với số lượng, thành phần đã công bố, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, hậu kiểm. Với các cơ quan quản lý, do số lượng sản phẩm công bố quá lớn, trong khi lực lượng còn hạn chế, cho nên ít triển khai các hoạt động kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cơ sở sản xuất, lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm... Chi phí cho công tác kiểm nghiệm khá cao, gây khó khăn cho các địa phương khi triển khai hoạt động này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ: Quan điểm của Bộ Y tế về xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng ở lĩnh vực y tế là phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm. Cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, tiêu cực, buông lỏng quản lý, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng lĩnh vực này.

Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm và dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2025; hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm theo ý kiến bổ sung của các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ; lấy ý kiến về tăng mức xử phạt hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm...

Thời gian trước mắt, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công thương, Công an... trong việc thực hiện kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thực phẩm giả, độc hại, không rõ nguồn gốc; nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về chuyên môn, kỹ thuật, quy trình tiền kiểm, hậu kiểm, cấp phép hàng hóa để hạn chế tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan cảnh sát điều tra xử lý các vụ đã phát hiện; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường hậu kiểm các sản phẩm có nguy cơ dễ bị làm giả. Các đơn vị chức năng cần xử lý nghiêm các vi phạm và chuyển ngay cơ quan cảnh sát điều tra nếu có dấu hiệu hình sự; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phân biệt hàng thật-hàng giả và ý thức tố giác tội phạm trên địa bàn.

TRUNG TUYẾN