Phát triển giai cấp công nhân xứng tầm trong giai đoạn cách mạng mới

Phân tích những vấn đề lý luận căn bản và góc nhìn thực tế của Việt Nam, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng ta, đó là, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Ảnh minh họa. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Ảnh minh họa. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Điều đó đồng nghĩa với việc Đảng tiếp tục xác định giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo cách mạng.

Tổng Bí thư chỉ rõ, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện…

Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sau gần 40 năm đổi mới khẳng định vai trò của lực lượng lao động chủ chốt trong xã hội là công nhân. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp. Đó là thời cơ, thuận lợi, đồng thời cũng là thách thức đặt ra yêu cầu phát triển giai cấp công nhân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Thực tế chỉ rõ, một trong những yếu tố bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự trưởng thành của giai cấp công nhân.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các lĩnh vực của đời sống đều ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt giai cấp công nhân Việt Nam trước thực tế phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trí thức hóa giai cấp lãnh đạo cách mạng là yêu cầu tất yếu khách quan. Nhiệm vụ này ngày càng đòi hỏi giai cấp công nhân Việt Nam phải nâng tầm nhận thức về vai trò, vị trí, nâng cao học thức, bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp…, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Thực tế chỉ rõ, một trong những yếu tố bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự trưởng thành của giai cấp công nhân. Do đó, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh không chỉ là sự nỗ lực của bản thân giai cấp công nhân mà cần cộng hưởng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cấp ủy, chính quyền và tổ chức công đoàn có nhiệm vụ bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và xã hội.

Trước mắt, cần hoàn thiện các chính sách xã hội, quan tâm đúng mức, giải quyết thỏa đáng các lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân một cách cơ bản, nhất là những vấn đề thiết yếu, sát sườn, chi phối căn bản đời sống vật chất, tinh thần của từng gia đình công nhân như: việc làm, nâng cao thu nhập, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, bảo hiểm thất nghiệp; các chính sách cải thiện điều kiện làm việc, ăn, ở, nuôi dạy con cái và chăm sóc sức khỏe công nhân. Làm tốt công tác này sẽ tạo động lực để công nhân chuyên tâm nâng cao kỹ năng, trình độ, tác phong công nghiệp. Công nhân cần được hoàn thiện và phát triển chính mình trong môi trường có các yếu tố văn hóa, xã hội lành mạnh, bảo đảm an sinh…

Các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp cần coi trọng đẩy mạnh việc thành lập và nâng cao chất lượng tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp để củng cố và phát huy vai trò đội ngũ ưu tú, đại diện cho giai cấp công nhân, góp sức gánh vác trách nhiệm lãnh đạo phát triển đất nước.

Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh có vai trò quan trọng của Công đoàn Việt Nam. Qua 95 năm hình thành và phát triển, tổ chức công đoàn đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam năng động, hiện đại như hiện nay.

Công đoàn phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, cũng như vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả sáu nhóm giải pháp chủ yếu đề ra trong Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, các tổ chức công đoàn đã từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước.