Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

Cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt đúng Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là điều rất có ý nghĩa.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt cuốn sách về Đại đoàn kết toàn dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt cuốn sách về Đại đoàn kết toàn dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trong phần thứ nhất “Đại đoàn kết toàn dân tộc - Sức mạnh nội sinh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Tổng Bí thư nhiều lần đề cập vấn đề phát huy vai trò và phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới. Tôi rất tâm đắc với những nội dung chỉ đạo sâu sát đó.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại truyền thống trọng người tài: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nước ta mạnh hay yếu, thịnh hay suy, trước hết yếu tố con người có vai trò động lực, then chốt. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: Trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo, truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc.

Cha ông ta đã luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tinh thần tín nhiệm trí thức, trân trọng “tìm người tài đức”, chú trọng kêu gọi tập hợp đội ngũ trí thức chung quanh Chính quyền cách mạng của nhân dân…

Đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay tăng nhanh về số lượng (đã đạt mức khoảng 6 triệu người), chất lượng cũng ngày càng cao, tập trung trong các viện nghiên cứu thuộc các viện hàn lâm, học viện, trường đại học, các hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Các trí thức đang tích cực nghiên cứu góp phần hoạch định chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm đưa đất nước tiếp tục đạt những thành quả quan trọng trong công cuộc đổi mới, đồng thời nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đội ngũ trí thức cũng làm tốt vai trò tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII nhấn mạnh rằng cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về tư duy và hành động theo hướng: Xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao dân trí, nhân lực; bồi dưỡng, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Từng bước thực hiện định hướng đó, đội ngũ trí thức trước hết cần nắm bắt thời cơ khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội. Trong bối cảnh mới, trí thức đã chuyển thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đảm nhận vai trò tiên phong trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đóng vai trò kiến tạo trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và nghiên cứu-ứng dụng khoa học xã hội nhân văn. Do vậy, trí thức phải là người chủ động trực tiếp nghiên cứu và thực hành các hoạt động sáng tạo, phát hiện vấn đề để phản biện, tham mưu tư vấn, xây dựng và triển khai đường lối, chính sách…

Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có sự ưu tiên về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy phát triển đồng bộ, toàn diện khoa học công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật gắn với phát huy vai trò của trí thức; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để trí thức khởi nghiệp và lao động sáng tạo, phát huy tài năng, trí tuệ của tập thể và cá nhân các nhà khoa học; trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; có chính sách thu hút trí thức trẻ được đào tạo chính quy thực sự có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức và có cơ chế, chính sách thu hút, tập hợp trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài… Tất cả những chính sách đó nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức, đồng thời phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của đội ngũ này.