Nơi ươm mầm và lan tỏa tiếng nói Cứu Quốc

Thông qua cán bộ Xứ ủy Trung kỳ Bùi Trung Lập và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Trương Hoàn, gia đình cơ sở cách mạng Lâm Công Lũy ở làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh, đã ủng hộ nhiều gánh tiền là đồng bạc Đông Dương để in Báo Cứu Quốc tuyên truyền phục vụ kháng chiến, giành chính quyền về tay cách mạng.

Một góc làng Gia Bình hôm nay.
Một góc làng Gia Bình hôm nay.

Xã Gio An nằm về phía tây huyện Gio Linh, có vị trí hết sức quan trọng. Ngày xưa vùng này là núi rừng thâm u, nối liền dãy Trường Sơn, được Tỉnh ủy Quảng Trị chọn làm một trong những căn cứ hoạt động bí mật an toàn của đảng.

Giai đoạn 1936-1945, nhiều lãnh đạo Huyện ủy Gio Linh, Tỉnh ủy Quảng Trị, Xứ ủy trung kỳ chọn nơi đây hoạt động, lãnh đạo phong trào cách mạng. Năm 1938, đồng chí Lê Duẩn về dự Hội nghị cán bộ cốt cán Tỉnh ủy Quảng Trị tại địa điểm Hóc Bồng, làng An Hướng, xã Gio An.

Quê hương anh dũng, dòng họ kiên trung

Những năm tháng chuẩn bị lực lượng cách mạng, cùng với nhiều người dân của xã Gio An, ông Lâm Công Lũy và gia đình ba, mẹ, bà nội mình dốc sức nuôi giấu, che chở, tiếp tế, liên lạc, nhường cơm, sẻ áo cho cán bộ hoạt động bí mật trong thời kỳ khó khăn nhất của Đảng, của đất nước.

Lịch sử dòng họ Lâm ở làng Gia Bình sớm có truyền thống yêu nước, luôn đồng hành cùng lịch sử quê hương. Dòng họ tự hào đã sinh ra nhiều người con ưu tú, trung với Tổ quốc, hiếu với gia đình.

Năm 1883, một người con của dòng họ là Thượng thư Bộ Công Lâm Hoằng, theo phe chủ chiến, cầm quân đánh thực dân Pháp tại cửa biển Thuận An, khi chúng vào xâm chiếm Huế lần thứ hai từ ngày 18 đến 20/8. Trận đánh không cân sức, cụ bị thương nặng vào ngày 20/8, không cho Pháp bắt sống, để giữ trọn thanh danh, cụ nhảy xuống biển tuẫn tiết.

ndo_c_gia-binh-2.jpg
Khu vực bên trái cây phượng đang ra hoa ngày xưa nhà của ông Hoàng Văn Luân ở làng Gia Bình, xã Gio An, nơi in Báo Cứu Quốc.

Phát huy truyền thống yêu nước của cha ông, nhiều gia đình dòng họ Lâm sớm đi theo Đảng, theo cách mạng. Khi phong trào cách mạng địa phương phát triển thêm bước mới với nhiệm vụ mới, nhất là giai đoạn 1939-1945, tại làng Gia Bình, nhiều con cháu của họ Lâm tích cực tham gia hoạt động chống Pháp.

Ông Lâm Đại, thoát ly từ nhỏ, bí mật tham gia hoạt động cách mạng, làm đến cán bộ Xứ ủy trung Kỳ, sau đó bị thực dân Pháp bắt giam tù. Năm 1940, ông anh dũng hy sinh tại nhà lao Quảng Trị khi bị chúng cắt đầu lìa khỏi cổ. Từ đây, ngọn lửa cách mạng của Gio An bùng lên thành những cao trào.

Lúc bấy giờ, mới 16 tuổi, ông Lâm Công Lũy đã làm liên lạc cho cách mạng. Với một người xuất thân từ gia đình thuộc tầng lớp trung nông, khá giả, việc đi làm cách mạng của ông Lũy đã khiến không ít người thán phục. Trong suy nghĩ của ông, làm cách mạng không phải để lấy thành tích, mà khi đất nước bị giặc xâm lược, mình phải dấn thân, can trường để giúp cách mạng đánh thắng giặc.

Tại làng Gia Bình, một trong những người có ảnh hưởng lớn đến ông Lâm Công Lũy, là ông Lâm Công Tùy, anh con bác ruột. Ông Tùy được ông Bùi Trung Lập, cán bộ Xứ ủy trung kỳ đào tạo.

Ngôi nhà của ba mẹ ông Lũy lúc trở thành cơ sở bí mật quan trọng của Đảng. Các ông Lâm Công Tùy; Phạm Chít, Bí thư Huyện ủy Gio Linh và Bùi Trung Lập, cán bộ Xứ ủy trung Kỳ; Trương Hoàn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị… thường xuyên ở lại trong nhà để hoạt động.

Nhiệm vụ cách mạng của ông Lũy là bí mật đưa những chỉ thị cách mạng của các đồng chí lãnh đạo đi treo lên những ngọn cây to ở giữa rừng đã được mật giấu từ trước để đợi cơ sở tìm về nhận. Rồi ông nhận báo cáo từ cơ sở để đưa về cho những đồng chí đang hoạt động ăn ở bí mật trong ngôi nhà của mình.

Ủng hộ vật chất in Báo Cứu Quốc

Giai đoạn 1939-1945, Đảng ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích về tình hình đất nước, chủ trương kháng chiến, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến về mọi mặt như nhân lực, vật lực, tài lực, từng bước tập hợp lực lượng, khi có điều kiện chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay cách mạng.

Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Trị tháng 5/1941 tổ chức tại xã Gio An, huyện Gio Linh, quyết định cho xuất bản Báo Cứu Quốc. Vấn đề đặt ra tiền đâu để in báo? Một nhiệm vụ cấp tốc và tối quan trọng lúc ấy là tìm sự ủng hộ của nhân dân về tiền của.

Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề, ông Lâm Công Lũy vận động gia đình là bà nội và mẹ ủng hộ thường xuyên về tài chính, cụ thể là đồng bạc Đông Dương với số lượng rất lớn. Là một gia địa thuộc tầng lớp trung lưu, sớm có tinh thần yêu nước, nên khi cách mạng cần họ không tiếc gì của cải vật chất.

Số tiền nhà gia đình ông Lũy ủng hộ lên đến hàng tạ bạc thông qua ông Bùi Trung Lập để giúp cách mạng có thêm tiền in báo và mua vũ khí cất giấu trong các vách tường nhà thờ họ Lâm.

Ông Lũy nhiều lần chứng kiến ông Bùi Trung Lập và anh mình là Lâm Công Tùy nhận đồng bạc Đông Dương từ bà nội và mẹ để đưa đi. Không lâu sau đó tờ Báo Cứu Quốc số 1 được in ra. Chính ông Bùi Trung Lập giao Báo Cứu Quốc số 1 cho ông Lũy chuyển đến từng cơ sở cách mạng trong niềm hân hoan.

ndo_c_gia-binh-3.jpg
Bí thư Đảng ủy xã Gio An Hồ Xuân Hải trao Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho ông Lâm Công Lũy.

Tư liệu lịch sử báo chí cách mạng Quảng Trị, giai đoạn 1928-2009 ghi rõ: Cơ quan in ấn của Báo Cứu Quốc lúc đầu đóng ở làng An Khê, sau đó dời về đặt tại nhà ông Hoàng Văn Luân ở làng Gia Bình, xã Gio An. Số 1 Báo Cứu Quốc ra ngày 25/7/1941, số 2 ra ngày 6/10/1941. Mỗi số phát hành 300 bản. Nội dung chính của các số báo giải thích đường lối, chủ trương của Đảng; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chuẩn bị, tập hợp lực lượng cách mạng.

Đến đầu năm 1942, Ủy ban Mặt trận Việt Minh từ tỉnh đến cơ sở được thành lập, tỉnh đổi tên báo thành Cờ Khởi Nghĩa do báo Cứu Quốc trùng tên với tờ báo của Mặt trận Việt Minh Trung ương (nay là Báo Đại đoàn kết).

Cách mạng Tháng Tám thành công, gia đình ông Lũy tiếp tục là cơ sở được tin tưởng. Sau giai đoạn này gia đình ông Lũy thường xuyên đón thêm một nhân vật quan trọng nữa thường về ở lại trao đổi công việc với ông Lâm Công Tùy và các đồng chí, đó là ông Trần Trọng Tân (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, rồi Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông Lũy vào Đảng rồi tiếp tục tham gia các chức vụ ở xã, ở huyện Gio Linh cho đến năm 1954, hòa bình lập lại. Sau tháng 7/1954, Đảng bộ xã Gio An bố trí ông Lũy ở lại địa phương hoạt động bí mật.

Đến năm 1956, cơ sở bị lộ nên ông Lũy bị địch bắt tù tại nhà lao Quảng Trị. Ra tù lần thứ nhất vào năm 1964, ông Lũy trở về quê hương tiếp tục tham gia động cách mạng. Do cơ sở tiếp tục bị lộ, tháng 4/1965, ông Lũy một lần nữa bị địch bắt giam tù cho đến cuối năm 1968 tại nhà lao Thừa Phủ ở Huế.

Luôn luôn bất hợp tác với giặc, vừa mới ra tù lần thứ hai vào cuối năm 1968, ông Lũy chủ động móc nối với cơ sở cách mạng, tiếp tục tham gia hoạt động nội tuyến, là cơ sở hoạt động bí mật tại thị xã Quảng Trị cho đến tháng 5/1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng.

Hồ sơ của Ty Cảnh sát quốc gia chế độ Việt Nam Cộng hòa mà chúng tôi có được nhận định: “Lâm Công Lũy là một trường hợp đặc biệt, có trình độ văn hóa, hiểu biết sâu sắc, một cựu tù chính trị, đảng viên Cộng sản, một cơ sở bí mật, có thể đương sự giữ một chức vụ quan trọng trong cấp lãnh đạo của chúng, nhưng không thành thật khai báo, chứ không phải làm cứu thương viên thôn An Nha, đề nghị tống biệt giam".

Bí thư Đảng ủy xã Gio An Hồ Xuân Hải cho biết, những ngày xã Gio An viết lịch sử Đảng bộ xã, ông Lâm Công Lũy được mời đến như là một trong những nhân chứng quan trọng của quê hương, của Đảng, ông góp phần không nhỏ vào việc hình thành quyển lịch sử Đảng bộ xã.

Những đóng góp của gia đình, cá nhân ông cho nền báo chí cách mạng, cho Tổ quốc để góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, so với người ta tuy là khiêm tốn, nhưng như báu vật kỳ diệu để con cháu tiếp tục nuôi dưỡng, sống có ích cho xã hội.

QUANG HUY