Vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp:

Nỗ lực phục vụ người dân tốt hơn

Từ ngày 1/7/2025, 34 tỉnh, thành phố sau sắp xếp, sáp nhập cùng mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được triển khai trên cả nước, mục tiêu cao nhất và xuyên suốt nhằm hướng tới nền hành chính quản trị hiện đại, sâu sát, gần dân, vì nhân dân phục vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (mới) Hồ Văn Mười trao đổi với người dân khi đến làm thủ tục hành chính tại phường Xuân Trường - Đà Lạt.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (mới) Hồ Văn Mười trao đổi với người dân khi đến làm thủ tục hành chính tại phường Xuân Trường - Đà Lạt.

Đây không đơn thuần là sự thay đổi để tinh gọn bộ máy, mà cả tư duy và phương thức vận hành.

Mô hình mới: gần dân, hiệu quả hơn

Trong dòng chảy chung của công cuộc sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy trên cả nước, tỉnh Lâm Đồng (mới) được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông. Với hơn 3,8 triệu dân và diện tích tự nhiên hơn 24.233 km², Lâm Đồng trở thành tỉnh lớn nhất cả nước, với 124 đơn vị hành chính cấp xã.

Khi vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, chính quyền tỉnh Lâm Đồng (mới) đã trực tiếp chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và giám sát việc thực hiện đến tận cấp xã - cấp thực thi cuối cùng. Để mô hình mới hoạt động hiệu quả, công tác chuẩn bị được triển khai đồng bộ từ tổ chức bộ máy, nhân sự đến hạ tầng cơ sở. Nhờ quy trình tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, các công việc của từng bộ phận được thực hiện nhanh chóng, chính xác, giảm ách tắc. Vì vậy, dù khối lượng công việc rất lớn và chưa từng có tiền lệ, ngay từ những ngày đầu vận hành ổn định, thông suốt.

Tại đặc khu Phú Quý, ông Võ Văn Vâng đến Trung tâm Phục vụ hành chính công làm thủ tục về nhà đất bày tỏ hài lòng: “Chính quyền thật sự đổi mới, cán bộ thân thiện, làm việc chuyên nghiệp, thủ tục nhanh gọn”. Nhiều người dân cũng đánh giá cao chuyển biến tích cực về quy trình làm việc và thái độ, tác phong phục vụ tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Xuân Trường - Đà Lạt. “Ngày trước, tôi phải đi hơn 10 km lên Trung tâm hành chính công thành phố Đà Lạt, bây giờ rất gần, thuận tiện hơn. Cán bộ tiếp đón niềm nở, hướng dẫn tận tình và giải quyết nhanh chóng”, ông Phạm Văn Đạt chia sẻ. Khi kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười thăm hỏi, trò chuyện với người dân, khẳng định những ngày đầu khó tránh khỏi điều chưa được như mong muốn, mong người dân chia sẻ và chỉ trong thời gian ngắn sẽ vận hành trơn tru. Đồng chí cũng yêu cầu phường Xuân Trường - Đà Lạt huy động toàn bộ nguồn lực, nhân lực, phương tiện, thường xuyên kiểm tra, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt, phục vụ nhân dân tốt nhất.

Với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, tỉnh Lâm Đồng (mới) tích cực xây dựng các chương trình, kế hoạch bám sát chủ trương, định hướng chiến lược của Trung ương, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện, chủ động đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, theo hướng khai thác hiệu quả lợi thế địa lý-sinh thái-văn hóa của cả ba vùng cao nguyên, trung du, duyên hải, tạo nên không gian phát triển mạnh mẽ và bền vững. Bí thư Tỉnh ủy Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh: “Tỉnh Lâm Đồng (mới) với địa bàn rộng hơn, không gian phát triển lớn hơn. Việc ban hành sớm các đề án liên quan là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nhanh chóng đi vào hoạt động, không để đình trệ, đứt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến hoạt động của cấp ủy, chính quyền, hoạt động của tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh”.

Tại Hà Nội, 126 đơn vị hành chính cấp xã mới đã chính thức đi vào hoạt động. Trong đó, phường Yên Nghĩa (mới) được thành lập, UBND phường gồm 3 phòng chuyên môn và Trung tâm phục vụ hành chính công, các công việc hành chính được tập trung xử lý theo một đầu mối thống nhất, thay vì phân tán qua nhiều tầng nấc như trước. Chủ tịch UBND phường Lê Xuân Hoàn dẫn chứng, Phòng Văn hóa-xã hội trực tiếp giải quyết tất cả công việc liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, lao động, nội vụ…

cong-chuc-trung-tam-phuc-vu-hanh-chinh-cong-xa-ta-hine-lam-dong-huong-dan-nguoi-dan-thuc-hien-thu-tuc-thay-doi-thong-tin-tren-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat.jpg
Công chức Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tà Hine, Lâm Đồng hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nếu trước đây mỗi quận, huyện có bộ phận một cửa và bộ phận một cửa phân tán tại UBND các xã, phường, thì hiện chỉ còn một đầu mối duy nhất ở cấp xã giải quyết toàn bộ thủ tục hành chính cho người dân. Từ ngày 1/7/2025, cấp xã tiếp nhận, giải quyết hàng trăm thủ tục hành chính, người dân không cần phải đi nhiều nơi, chuyển sang nhiều cấp như trước. Phó Chánh Văn phòng Đảng ủy phường Yên Nghĩa (mới) Dương Ngọc Thỏa cảm nhận đây thật sự là mô hình gần dân, phục vụ tốt nhất cho người dân, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải tập trung cao độ để thực hiện tốt.

Vẫn còn nhiều việc cần làm, từ rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ đến ứng dụng công nghệ và hỗ trợ chuyển đổi số…, nhưng với những ưu điểm nổi bật, mô hình mới đang từng bước hướng tới nền hành chính phục vụ - gần dân hơn, hiệu quả hơn.

Thay đổi tư duy, nâng cao năng lực cán bộ

Để vận hành mô hình chính quyền địa phương mới hiệu quả, một trong những yếu tố then chốt là thay đổi tư duy và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ. Trước đây, cán bộ cấp cơ sở thường đóng vai trò “người thi hành luật”, nặng về kiểm soát, giải quyết giấy tờ và quản lý nhân khẩu… Giờ đây trong mô hình “chính quyền hành động”, đội ngũ cán bộ phải chuyển đổi từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, từ “làm đúng quy trình” sang “làm đến nơi đến chốn”, giải quyết thấu đáo, làm cho dân tin, đồng thuận, ủng hộ.

Từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công (cũ), nay là chuyên viên của điểm phục vụ hành chính công phường Giảng Võ mới (Hà Nội), để đảm đương được công việc, chị Nguyễn Thị Hồng nhanh chóng thích nghi, chuyển từ tư duy lãnh đạo sang thực thi, nỗ lực học hỏi. Chị chia sẻ: “Tôi cũng như mọi người nhanh chóng bắt nhịp với công việc mới, tự trau dồi, hoàn thiện để phục vụ tốt người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Thay đổi này theo hướng tích cực nên tôi cố gắng hết mình”. UBND phường xác định đội ngũ cán bộ phải đổi mới cách làm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả. Khi nhiều người còn chưa quen địa điểm mới để thực hiện các thủ tục hành chính, ngoài địa điểm chính, phường đã linh hoạt, chủ động bố trí thêm hai điểm lưu động hỗ trợ.

diem-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-cong-phuong-giang-vo-moi-ha-noi.png
Điểm phục vụ hành chính công phường Giảng Võ (mới), Hà Nội.

Không dừng lại đơn thuần ở việc tiếp nhận - xử lý hồ sơ, mục tiêu lâu dài phường Giảng Võ (mới) hướng đến là từng bước hình thành thế hệ công dân số. Phó Chủ tịch UBND phường Lê Thị Thu Hà lưu ý cần chú ý đào tạo và tập huấn không chỉ với cán bộ, công chức mà với cả người dân. Từ chưa biết, người dân được cán bộ hỗ trợ, sau này sẽ tự chủ động thực hiện các thủ tục hành chính tại nhà mà không cần đến các điểm phục vụ hành chính công.

Bối cảnh mới đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo nêu gương, năng động thích ứng, phát huy tinh thần trách nhiệm, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần cống hiến vì lợi ích chung. Công tác quản lý, điều hành cũng phải đổi mới mạnh mẽ, theo tư duy phát triển từ chỗ hành chính hóa sang chủ động kiến tạo; từ cục bộ sang liên kết; từ ngắn hạn sang dài hạn. Trong thời gian tới công việc nhiều, có cái khó, cái mới, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đồng chí Tỉnh ủy viên phát huy trách nhiệm, tập trung vào công việc, bám sát cơ sở, vừa động viên cán bộ, công chức, viên chức, vừa quán xuyến, lãnh đạo, chỉ đạo tinh thần, thái độ phục vụ, trách nhiệm với nhân dân và thường xuyên nắm bắt, thông tin những vấn đề khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ hướng dẫn, tháo gỡ cho cơ sở. Lãnh đạo tỉnh cam kết tiếp tục xây dựng một chính quyền kiến tạo, liêm chính, hiệu quả, đồng hành với người dân và doanh nghiệp, lắng nghe và phục vụ nhân dân, từng bước xây dựng tỉnh Lâm Đồng (mới) trở thành vùng đất đáng sống, nơi hội tụ văn hóa, bản sắc, sáng tạo và thịnh vượng.

GS, TS Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển nhấn mạnh: “Mọi sự thay đổi, kể cả thay đổi tư duy cũng phải lượng hóa thành tiêu chí, như KPI cho từng địa phương, từng cơ quan, từng vùng lãnh thổ và cả quốc gia thì mới có sự đánh giá thực chất. Nó khác hẳn với hệ thống mà chúng ta đã có trước đây. Chỉ số của hệ thống mới là ích nước, lợi dân, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và góp phần vào sự phát triển của đất nước”.

Những chuyển động tích cực ban đầu cho thấy, thành công không thể chỉ đến từ văn bản hay nghị quyết, mà phải đến từ sự đồng thuận trong dân, quyết liệt trong lãnh đạo và tận tâm trong thực thi nhiệm vụ.

HOA BẢO