Tuyển sinh vào lớp 10:

Nhiều thay đổi, áp lực cạnh tranh không giảm

Kỳ thi vào lớp 10 năm nay cho thấy nỗ lực cải cách: Từ đề thi nhân văn, phân luồng mở rộng đến quy chế tuyển sinh điều chỉnh. Nhưng cánh cổng trường công vẫn chật, không ít thí sinh điểm cao vẫn trượt, chọn trường theo học càng bó hẹp, chênh vênh.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội động viên thí sinh tại một điểm thi vào lớp 10 năm học 2025-2026.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội động viên thí sinh tại một điểm thi vào lớp 10 năm học 2025-2026.

Giữa chủ trương đổi mới và thực tế thi cử, giữa chính sách và nhận thức xã hội vẫn còn những khoảng cách chưa thể san bằng. Những gì chưa trọn vẹn sau kỳ thi này hy vọng sẽ nhanh chóng trở thành mục tiêu cho những cải tiến kế tiếp.

Dư âm từ kỳ thi

Một kỳ thi kết thúc, nhưng dư âm thì chưa khép lại. Trong niềm vui đỗ đạt xen lẫn tiếc nuối, nhiều câu hỏi vẫn lẩn khuất, không chỉ hướng về kết quả thi mà còn về những chuyển động sâu xa hơn của giáo dục.

Dễ nhận thấy, sự thay đổi rõ nhất nằm ở cách ra đề, đặc biệt là môn ngữ văn. Đề thi không còn là thước đo ghi nhớ mà trở thành lời mời gọi học sinh nghĩ-viết và thể hiện chính mình. Hà Nội chọn bài thơ cũ “Hạnh phúc” của Giang Nam để mở ra một cuộc trò chuyện mới mẻ về cảm xúc, lý tưởng và bản lĩnh sống. TP Hồ Chí Minh chọn hành trình trưởng thành làm điểm tựa để học sinh đối thoại với chính mình. Còn Đà Nẵng đưa thơ Lưu Quang Vũ vào đề thi như một người bạn đồng hành, lặng lẽ thắp sáng những băn khoăn, mơ hồ tuổi mới lớn.

Theo nhận định từ các giáo viên, đề văn năm nay “mở”, “thật” và “chạm”. Chạm vào cảm xúc. Chạm vào suy nghĩ riêng. Chạm vào những mối quan tâm rất người của lứa tuổi mười lăm. Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hà Nội) chia sẻ: “Đề Văn không còn khuôn mẫu nhưng cũng không làm học sinh bị sốc. Nó cho phép các em nghĩ và viết theo cách của riêng mình- một chuyển động đáng quý”.

Tương tự, đề Toán và Ngoại ngữ tại nhiều địa phương cũng giảm áp lực, tăng phân hóa, tạo điều kiện để thí sinh thể hiện năng lực thay vì học tủ. Tuy nhiên, đề mở không đồng nghĩa với áp lực giảm. Tình trạng “điểm cao vẫn trượt” tiếp tục tái diễn, chủ yếu do lựa chọn nguyện vọng chưa phù hợp.

Riêng Hà Nội chỉ khoảng 64% học sinh có suất vào công lập, hơn 35 nghìn em phải chọn ngã rẽ khác: Trường tư, giáo dục thường xuyên, trường nghề… Một số trường nội thành như Việt Đức, Phan Đình Phùng, Lê Quý Đôn có điểm chuẩn lên tới 25-26/30, trung bình mỗi môn từ 8,5 điểm.

Phổ điểm năm nay cho thấy sự phân hóa rõ nét: Toán chủ yếu ở mức 7-8, Văn dao động quanh trung bình khá. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Đề thi dễ tiếp cận, phổ điểm tăng nhẹ, nhưng áp lực cạnh tranh không giảm, nhất là ở nhóm trường tốp đầu”.

Việc chọn nguyện vọng trở thành bài toán hóc búa với nhiều gia đình. Có học sinh đạt 25,25 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1, không phải do thiếu năng lực mà do hệ thống đăng ký chưa linh hoạt. Phụ huynh Phạm Vũ Khánh (Yên Hòa, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi phải tính từng điểm lẻ. Đặt đâu cũng lo. Một đằng tiếc, một đằng sợ trượt. Cảm giác như đi trên dây”.

Bức tranh điểm chuẩn cho thấy sự chênh lệch đáng kể: Khu vực nội thành có trường lấy tới 25,5 điểm trong khi nhiều trường ngoại thành chỉ lấy 10 điểm, chênh lệch 15 điểm. Dù Hà Nội đã chia thành 12 khu vực tuyển sinh và cho phép đăng ký 1 nguyện vọng ngoài khu vực để “mở đường lùi”, nhưng đa số học sinh vẫn tập trung chọn trường công lập gần nhà, dẫn đến tình trạng “quá tải” tại trung tâm và thiếu học sinh ở các trường ngoại thành.

chuan-bi-thi00-01-12-06still001-1.jpg
Thí sinh xem sơ đồ phòng thi trước giờ làm bài trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10.

Tại TP Hồ Chí Minh điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 cũng dao động trong khoảng 10,5-24,5 điểm; Đà Nẵng có phổ điểm dễ thở hơn nhưng sự cách biệt giữa các trường top trên và còn lại cũng rất rõ rệt. Điểm chuẩn phản ánh không chỉ năng lực học sinh mà cả khoảng cách cơ hội giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng tuyển sinh. Ông Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng trường THPT Xuân Phương (Hà Nội) nhận định: “Không nhân hệ số giúp điểm xét tuyển mang tính thực chất hơn, nhưng cũng bộc lộ rõ khoảng cách giữa các khu vực”.

Sau mỗi kỳ thi, bài toán chọn trường tiếp tục khiến nhiều phụ huynh trăn trở: Chọn vì phù hợp hay vì danh tiếng? Chọn nguyện vọng thật hay chiến lược? Và quan trọng hơn cả, sau kỳ thi đi đâu về đâu mới là câu hỏi khiến nhiều học sinh và phụ huynh day dứt nhất.

Trăn trở chọn trường

Từ năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ “chỉ tiêu cứng” 70/30 giữa học sinh vào THPT và phân luồng sau THCS. Các địa phương được trao quyền linh hoạt chủ động trong điều chỉnh. Đây là một bước tiến về chính sách, nhưng trên thực tế xã hội lại chưa chuyển động tương xứng. Trong suy nghĩ của phần lớn phụ huynh và học sinh, trường công vẫn là “đích đến an toàn”, là thước đo của thành công. TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) từng nhận xét: “Chúng ta nói nhiều về phân luồng, nhưng sự linh hoạt trên giấy vẫn chưa chuyển hóa thành thay đổi trong nhận thức. Chưa có một chiến lược truyền thông đủ mạnh. Học nghề hay học giáo dục thường xuyên vẫn bị gắn với mặc cảm học kém”.

Bởi vậy, trong lựa chọn sau kỳ thi, nhiều gia đình dù không vào được trường công vẫn ngần ngại với trường nghề hay giáo dục thường xuyên. Trường tư thục vì thế trở thành phương án thay thế phổ biến, nhưng cũng không dễ tiếp cận. Ở phân khúc chất lượng cao, nhiều trường tư đang từng bước lật ngược định kiến, tạo nên những chuẩn đầu vào đáng kể: Trường THPT Lương Thế Vinh lấy tới 24,5 điểm, Marie Curie Mỹ Đình ở mức 23 điểm, tương đương nhiều trường công lập top đầu Hà Nội. Các trường như FPT, Archimeded, Ngôi sao Hoàng Mai… đều ghi nhận mức chuẩn từ 22 điểm trở lên.

Từ nơi từng bị xem là “mở cửa” cho tất cả trường tư thục đang dần trở thành “đấu trường” tuyển chọn nghiêm túc. Nhưng song hành với chất lượng là chi phí - một bài toán không phải gia đình nào cũng giải được. Ở chiều ngược lại, trường nghề và giáo dục thường xuyên vẫn mang dáng dấp “con đường phụ”, nơi nhiều học sinh chỉ tìm đến khi đã hết lựa chọn. Nhưng đôi khi, chính ở nơi tưởng là điểm dừng tạm, lại khởi đầu một hành trình rực rỡ. Câu chuyện của Bùi Hà Anh là một minh chứng. Xuất phát từ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Chương Mỹ (cũ), Hà Nội - từng đứng trước những hồ nghi và định kiến - Hà Anh đã nỗ lực không ngừng và trở thành thủ khoa khối C00 của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2024 với 28,5 điểm, đồng thời nhận học bổng danh giá Lê Văn Hưu. “Chúng ta có thể thành công, bất kể xuất phát điểm ở đâu”, Hà Anh chia sẻ.

Đó không phải một tuyên ngôn mà là một sự thật được viết bằng nỗ lực, bản lĩnh và niềm tin vào chính mình. Bởi phân luồng không nhằm phân loại cao thấp, mà để mở ra những lối đi phù hợp với từng năng lực. Nhưng để điều đó thành hiện thực, ngoài chính sách, giáo dục Việt Nam cần một hệ sinh thái tư vấn hướng nghiệp sâu sát, một chiến lược truyền thông bền bỉ và trên hết là sự thay đổi trong quan niệm về thành công từ mỗi gia đình.

ps-gui-c-huyn00-00-58-04still001.jpg
Thí sinh xếp hàng vào phòng thi.

Cần cơ chế điều tiết hợp lý hơn

Áp lực thi cử hiện nay không nằm ở độ khó của đề, mà ở sự thiếu chắc chắn trong khâu chọn nguyện vọng. Nhiều học sinh nỗ lực học tập, đạt 25 điểm cho ba môn thi, vẫn không thể giành suất vào trường công. Phụ huynh mất ngủ vì điểm chuẩn vượt xa mọi tính toán. Giáo viên bất ngờ khi học sinh giỏi nhất lớp bị loại, chỉ vì sắp xếp nguyện vọng chưa hợp lý.

Điểm chuẩn, vì thế, không đơn thuần là con số, mà phản ánh một cơ chế điều tiết đang bộc lộ nhiều hạn chế. Việc hỗ trợ thí sinh trong đăng ký, chọn lựa và tiếp cận thông tin còn yếu. 12 khu vực tuyển sinh của Hà Nội được kỳ vọng giảm tải, nhưng thực tế lại trở thành rào cản với nhiều gia đình không đủ điều kiện di chuyển hoặc thiếu thông tin để lựa chọn phù hợp.

Vấn đề không nằm ở đề thi hay phổ điểm, mà ở cách thức chọn nguyện vọng vốn vẫn rất cảm tính, thiếu dữ liệu tham chiếu và công cụ hỗ trợ phù hợp. Cần sớm chuẩn hóa phương thức công bố điểm chuẩn, bảo đảm nhất quán trong quy chế, hạn chế tình trạng “điểm cao vẫn trượt” do “lệch sóng” nguyện vọng.

Song song với đó, mạng lưới trường tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cần được đầu tư đúng mức, trở thành lựa chọn chính đáng chứ không chỉ là giải pháp cuối cùng. Bởi một kỳ thi ba môn trong hai ngày chưa thể đại diện cho toàn bộ năng lực của một học sinh. Mỗi em là tổng hòa của thành tích học tập, trải nghiệm thực tiễn, kỹ năng xã hội và sự trưởng thành về tư duy, nhân cách… Những yếu tố ấy cần được nhìn nhận đầy đủ và đánh giá công bằng hơn.

Sau kỳ thi, điều khiến nhiều người trăn trở không chỉ là điểm số, mà là những bất cập trong toàn bộ quy trình tuyển sinh - từ chính sách đến tổ chức và định hướng lựa chọn. Những vấn đề này cần nhìn nhận thấu đáo để từ đó xây dựng một lộ trình thi cử phù hợp hơn với năng lực, điều kiện và tương lai của từng học sinh.

THU TRANG