Nhân sĩ, trí thức, doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh tiếc nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

NDO - Trong ngàn vạn người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều sự tiếc nuối, hụt hẫng; nhiều kỷ niệm được nhắc nhớ và thể hiện từ nỗi lòng của nhân dân kính yêu ông; trong đó, có nhiều nhân sĩ, trí thức, doanh nhân đã bày tỏ lòng thành kính khi nhắc đến việc làm và hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời.
Tăng, ni và Phật tử ở Thành phố Hồ Chí Minh tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tăng, ni và Phật tử ở Thành phố Hồ Chí Minh tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với đoàn cán bộ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS, TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhắc nhớ về câu chuyện với Tổng Bí thư về công tác phát triển đảng trong trường học. Ông kể: Một trong những lần họp Hội nghị Trung ương Khóa XIII đầu tiên để thảo luận và thống nhất về Chương trình Hội nghị toàn khóa, tôi được phân công ở Tổ 1, cùng tổ với đồng chí Tổng Bí thư. Đến lượt mình phát biểu, tôi có nêu một số khó khăn thách thức trong công tác phát triển đảng viên mới tại Đảng bộ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đảng bộ chỉ hoàn thành được khoảng hơn 50% so với chỉ tiêu. Nguyên nhân có rất nhiều và tôi nhấn mạnh việc cần phải đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới từ những em sinh viên có thành tích học tập tốt, có trách nhiệm với xã hội, có năng lực lãnh đạo và tư duy đổi mới, lấy đó làm nguồn cán bộ cho tương lai…

Nhân sĩ, trí thức, doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh tiếc nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ảnh 1

PGS,TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi quan sát thấy đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi nghe và ghi chép. Tôi không chắc ý kiến của mình có được tiếp thu hay không nhưng khi ban hành Chương trình chính thức toàn khóa, tôi thấy có bổ sung thêm Nghị quyết về Tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII). Việc ban hành NQ21-NQ/TW đã cho thấy sự quan tâm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phát triển đảng nói chung và công tác phát triển đảng viên mới trong trường học nói riêng.

Hiện công tác phát triển đảng viên mới ở Đảng bộ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ này có nhiều chuyển biến tích cực, đã kết nạp được thêm 575 đảng viên mới. Tỷ lệ đảng viên được kết nạp mới hằng năm trong giai đoạn 2020-2025 đạt hơn 6% (so với tổng số đảng viên), vượt xa so với chỉ tiêu từ 3%-4% được Trung ương xác định trong Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Nhân sĩ, trí thức, doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh tiếc nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ảnh 3

Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức (phải) cùng Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải (trái).

Có mặt tại Hội trường Thống Nhất từ rất sớm, dù phải chịu cơn nắng nóng rồi mưa rào bất chợt, doanh nhân Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) vẫn kiên trì đợi đến lượt bản thân và đơn vị của anh vào viếng. Anh chia sẻ rằng, sự cống hiến vì dân, vì nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khiến doanh nhân soi rọi lại mình. Anh Đức nói: Đến viếng Tổng Bí thư hôm nay mới thấy hết sự yêu mến, kính trọng và niềm tiếc thương của người dân, cán bộ, đảng viên Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông.

Những thành tựu mà Tổng Bí thư để lại là định hướng, dìu dắt đất nước trong suốt thời gian qua. Tổ chức hợp tác xã Saigon Co.op có những kỷ niệm rất đặc biệt đối với ông mà gần đây nhất là sự ra đời Nghị quyết số 20 về việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong quá trình lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có 2 lần Luật Hợp tác xã được điều chỉnh. Đó là Luật Hợp tác xã 2013 và Luật Hợp tác xã 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Chính sự thay đổi này đã tạo điều kiện cho Saigon Co.op nói riêng và tổ chức hợp tác xã nói chung trở thành nền tảng quan trọng của kinh tế tập thể, và có nhiều đóng góp cho nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy tuổi cao, Tổng Bí thư không một giây phút nào ngơi nghỉ. Ông đã cống hiến vì dân, vì nước và làm việc cho đến giây phút cuối cùng. Hình ảnh của ông, những nền tảng ông để lại khiến tôi và nhiều doanh nhân phải soi rọi lại mình. Tôi đã thu thập những lời dạy, các câu giáo huấn của Tổng Bí thư thành sổ tay và lấy đó làm cẩm nang cho cuộc sống cũng như việc điều hành tổ chức của mình.

Nhân sĩ, trí thức, doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh tiếc nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ảnh 4

PGS, TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Còn với PGS, TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), thì di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi là nguồn động lực lớn để thành phố vượt qua khó khăn, thách thức. Ông Hưng nhớ rất rõ buổi làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ sự trăn trở về những thách thức địa phương phải đối mặt trong quãng thời gian tiếp theo. Trong đó có những ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Chỉ sau đó khoảng một tháng, Tổng Bí thư đã quyết liệt thúc đẩy và ký ban hành Nghị quyết 24 vào ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nền tảng chủ trương, đường lối tạo khung thể chế quan trọng để phát triển vùng Đông Nam Bộ và các địa phương trong vùng trong giai đoạn mới. Và với tinh thần khẩn trương hoàn thiện chủ trương thúc đẩy phát triển thành phố phù hợp hơn với bối cảnh mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị đã đôn đốc việc hoàn thiện một bản nghị quyết riêng cho thành phố. Đến ngày 30/12/2022, Tổng Bí thư đã ký ban hành Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết là văn bản quan trọng, định hình sự phát triển cho thành phố với nhiều cơ chế, khơi gợi và thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của thành phố mang tên Bác.

Nhân sĩ, trí thức, doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh tiếc nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ảnh 5

Anh Khưu Thiên Thành, nhân sĩ người dân tộc Hoa.

Còn như anh Khưu Thiên Thành, nhân sĩ người dân tộc Hoa, khi đến viếng Tổng Bí thư tại một ngôi chùa (Chùa Long Hoa, quận 7, nơi đặt di ảnh và lập bàn thờ để Phật tử đến viếng), anh cảm thấy xúc động trào nước mắt vì nhân sĩ, đồng bào có đạo cũng vô cùng yêu kính Tổng Bí thư. Bởi: “Cho dù ở bất kì vị trí nào, hoàn cảnh ra sao, Tổng Bí thư còn là một người học trò lễ phép, phải đạo khi ông thường xuyên về thăm những ngôi trường cũ, những người thầy, cô giáo năm xưa đã dạy dỗ mình. Đây có thể nói là một điều mà bản thân anh Thành và thế hệ trẻ ngày nay cần phải học hỏi thật nhiều ở Tổng Bí thư vì chúng ta đôi khi lãng quên đi những điều giản đơn ấy.

Anh Thành xúc động chia sẻ: “Sự giản dị của Tổng Bí thư còn được thể hiện qua những lời nói đầy cứng rắn nhưng cũng vô cùng khiêm tốn, trong đó có thể nhắc đến những lời phát biểu trước Quốc hội khi nhậm chức Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đã nhắc nhớ về cảm giác khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội với hai câu thơ: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”. Chỉ với hai câu thơ cũng đủ cho thấy Tổng Bí thư luôn khiêm tốn trước khả năng của mình, không dám nghĩ những điều quá lớn lao, chỉ mong hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó như lời Tổng Bí thư tuyên thệ.

Hay khi tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, với sự tín nhiệm gần như tuyệt đối, Tổng Bí thư đã chia sẻ “Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, đảng viên thì phải chấp hành”. Rõ ràng Tổng Bí thư vừa cho thấy lòng tự trọng của một người lãnh đạo, nhưng cũng vẫn phải làm tròn trách nhiệm của một người đảng viên được Đảng phân công. Xin thành kính vĩnh biệt ông!”

MINH ANH (ghi)