Nhà văn hóa lớn trong mắt bạn bè quốc tế

Suốt cuộc đời cống hiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trong mắt bạn bè quốc tế, Tổng Bí thư là một nhà văn hóa lớn, người luôn nỗ lực nâng tầm văn hóa Việt Nam, trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, chúc Tết nhân dân Thủ đô Hà Nội đang vui xuân bên Đền Ngọc Sơn. Ảnh: Trí Dũng-TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, chúc Tết nhân dân Thủ đô Hà Nội đang vui xuân bên Đền Ngọc Sơn. Ảnh: Trí Dũng-TTXVN

Luôn trăn trở về sự phát triển của nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh nhiều thách thức từ hội nhập quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến quan trọng đóng góp vào tiến trình phát triển tư duy lý luận của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Cả một đời cống hiến, Tổng Bí thư đã có nhiều bài viết, phát biểu có tính khái quát cao, tổng kết lý luận và thực tiễn, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, định hướng cho sự phát triển của ngành văn hóa, trong đó văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội.

Chính sách và định hướng phát triển văn hóa Việt Nam là một trong những đề tài thú vị, hấp dẫn đối với lãnh đạo Hiệp hội Kinh tế, Văn hóa Hàn-Việt (KOVECA) Kwon Seong Taek. Theo sát những bước phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, chứng kiến mối quan hệ hai nước đạt thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay, chuyên gia nhấn mạnh vai trò nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bên cạnh hợp tác kinh tế vốn luôn là lĩnh vực trọng yếu trong quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc, lãnh đạo hai nước đã thúc đẩy mạnh mẽ trao đổi hợp tác văn hóa.

Theo ông Kwon Seong Taek, duy trì phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc chính là một trong những nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dày công xây dựng, bên cạnh chiến lược đối ngoại mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam, duy trì khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và phát triển con người Việt Nam.

Điều đặc biệt hơn, theo chuyên gia KOVECA, chính sách văn hóa của Việt Nam là luôn bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống, song lại rất mở để tiếp nhận và giao thoa với thế giới. Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam luôn chú trọng phát triển văn hóa song hành. Ông Kwon Seong Taek tin rằng, với nhiều thành tựu lớn, văn hóa Việt Nam đang rất được quan tâm và đã đến lúc gây được ảnh hưởng mạnh ra thế giới.

Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Cho Chul Hyeon bày tỏ “thật sự rất buồn”. Tác giả cuốn sách “Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng” vừa được xuất bản tại Hàn Quốc nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả đời cống hiến vì sự thịnh vượng của đất nước, vì ước muốn tôn vinh vị thế của dân tộc Việt Nam. Theo tác giả, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận uyên thâm, dẫn dắt người dân bằng trí tuệ và tinh thần nhân văn cao cả.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hóa Việt Nam tiếp tục được nâng lên một tầm cao mới. Việt Nam tiếp thu có chọn lọc văn minh tiến bộ của nhân loại trên cơ sở kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc, tác giả Hàn Quốc nhấn mạnh.

Hiệu trưởng Trường đại học Việt Nhật, Giáo sư Furuta Motoo khẳng định, với đường lối ngoại giao “kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại”, “chủ động hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sắc dân tộc”, Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng, được cộng đồng quốc tế tín nhiệm cao. Đường lối đối ngoại vừa mềm dẻo vừa nhất quán mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam đã và đang góp phần to lớn vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

TÙNG ANH