Người khơi dậy khát vọng chấn hưng văn hóa

Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sự hẫng hụt, tiếc nuối to lớn cho toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có những người làm văn hóa. Đó là bởi bên cạnh những cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, dấu ấn của Tổng Bí thư đối với lĩnh vực văn hóa là đặc biệt rõ nét.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021. Ảnh: Anh Sơn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021. Ảnh: Anh Sơn

Tôi có vinh dự được tham gia quá trình tham mưu soạn thảo Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước vào năm 2014. Vì vậy, tôi biết, quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội" trong Nghị quyết chính là tiếp thu từ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư. Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, sự phát triển của văn hóa chưa tương xứng, đồng bộ với phát triển kinh tế-xã hội, tình trạng xuống cấp đạo đức, băng hoại lối sống, tha hóa nhân cách có chiều hướng gia tăng và Tổng Bí thư là người có những chỉ đạo quyết liệt nhằm chấn chỉnh, thay đổi.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo rất mạnh mẽ, như "đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển văn hóa", "tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc", "quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới"... Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn". Khác với tính chất khô khan, hành chính thường thấy trong diễn văn chính trị, phát biểu của Tổng Bí thư đậm chất văn chương, thi vị, nhưng cũng rất sắc sảo, cao sâu, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của một lãnh tụ, một nhà văn hóa. Còn nhớ, tại Hội nghị, cả khán phòng đã lặng đi trong xúc động khi nghe Tổng Bí thư đọc những dòng thơ trác tuyệt của các nhà thơ Nguyễn Bính, Tố Hữu, những câu tục ngữ, ca dao đầy tính minh triết từ kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc.

Dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị đã quan tâm đẩy mạnh phát triển văn hóa. Trong năm 2022 và năm 2024, Quốc hội đã chủ trì, phối hợp tổ chức hai hội thảo văn hóa quan trọng về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, làm cơ sở để ra đời Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cũng như sự gia tăng đầu tư ngân sách cho văn hóa. Việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan cũng được đẩy nhanh. Các lĩnh vực văn hóa có sự phát triển khởi sắc ở nhiều địa phương, như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh,...

Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng đặt nền móng cho nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong phát triển văn hóa giai đoạn tới, như việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam; khắc phục tư tưởng "duy kinh tế"; xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng, trong hệ thống chính trị; xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số...

Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người cộng sản chân chính, một nhân cách lớn của dân tộc, tấm gương sáng để các thế hệ sau học tập và noi theo

GS, TS TỪ THỊ LOAN