Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, mở ra cơ hội phát huy giá trị của Phật giáo Trúc Lâm trong đời sống đương đại.
Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới tại phiên họp ngày 12/7.
Đây còn là thời điểm đặt ra tầm nhìn dài hạn trong việc bảo tồn cảnh quan linh thiêng, thúc đẩy du lịch văn hóa bền vững và lan tỏa những giá trị nhân văn của di sản đến với thế giới.
1. Chiều 12/7 (giờ Việt Nam), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) diễn ra ở Paris (Pháp), Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Trải dài trên địa bàn Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc bao gồm hệ thống di tích thuộc các di tích quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống trong khu vực… cùng cảnh quan với hệ thống núi rừng và không gian văn hóa Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc. Theo UNESCO, di sản đã đáp ứng hai tiêu chí (iii) và (vi), với bằng chứng nổi bật là sự kết hợp giữa nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong xây dựng bản sắc dân tộc; đồng thời phản ánh giá trị toàn cầu của một hệ tư tưởng đề cao lòng khoan dung, nhân ái, tự tu dưỡng và hòa bình, phù hợp với sứ mệnh bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh, việc ghi danh không chỉ là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, mà đây còn là niềm vui chung của Việt Nam. Sự công nhận từ UNESCO góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững.
2. Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới dạng chuỗi đầu tiên, đồng thời là Di sản liên tỉnh thứ hai trong số 9 Di sản Thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc quần thể Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được UNESCO vinh danh là lời nhắc nhở đầy trọng trách đối với Việt Nam trong cách chúng ta gìn giữ và phát huy những giá trị vô giá này. Sau cột mốc vinh danh ấy, điều Việt Nam cần không chỉ là bảo tồn theo nghĩa hẹp, như gìn giữ cảnh quan hay trùng tu đền tháp, mà phải là một tầm nhìn chiến lược đa ngành, liên kết và có chiều sâu văn hóa. Đó là tầm nhìn coi quần thể di sản này như một “trường học sống”, nơi văn hóa, tôn giáo, lịch sử và du lịch không tồn tại tách biệt, mà hòa quyện và bổ trợ cho nhau, tạo nên nguồn lực phát triển bền vững từ chính chiều sâu bản sắc.
Theo ông Sơn, muốn đạt được điều đó, trước hết, cần xác lập rõ quy hoạch liên tỉnh về không gian di sản, kết nối các tỉnh mới là Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng như một hành trình văn hóa, tâm linh liên tục, không đứt gãy. Tiếp đó là xây dựng các sản phẩm du lịch giáo dục chuyên sâu: không phải chỉ là hành hương, mà còn là hành trình học hỏi, chiêm nghiệm. Những khóa học, trải nghiệm tại chỗ về thiền học Trúc Lâm, về nghệ thuật Phật giáo, về văn bia, thư tịch cổ, về tư tưởng đạo lý dân tộc… hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, thu hút không chỉ du khách mà cả giới học thuật quốc tế.
Cũng theo chuyên gia về du lịch Nguyễn Chính, cần tránh “thương mại hóa lễ hội” đối với di sản, nên giới hạn lưu lượng du khách, tổ chức tour hành hương có chiều sâu văn hóa, kết hợp trải nghiệm thiền định, khám phá triết lý sống. Cùng với đó, phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh, liên kết với các di sản lân cận như Hạ Long, Cát Bà, chùa Dâu, Bút Tháp… để tạo thành hành lang di sản vùng Đông Bắc - Kinh Bắc.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, cần ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng lực lượng làm công tác văn hóa, du lịch, tôn giáo ở chính địa phương để họ không chỉ “trực tiếp canh giữ kho báu”, mà còn làm “người kể chuyện” sống động nhất. Và ở tầm vĩ mô, cần có cơ chế tài chính linh hoạt, từ Quỹ bảo tồn di sản quốc gia, từ hợp tác công tư, từ doanh nghiệp xã hội, để bảo tồn không phải là gánh nặng ngân sách mà là đầu tư cho tương lai.
Theo ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Di sản văn hóa, thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chỉ đạo các địa phương tiếp tục hoàn thiện và triển khai Kế hoạch quản lý Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc, tập trung vào các giải pháp cụ thể: Thực hiện đầy đủ khuyến nghị, cam kết của Việt Nam đối với tổ chức UNESCO, nhất là các khuyến nghị liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ di sản thế giới; Phối hợp xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý di sản và quy chế bảo vệ, cơ chế phối hợp điều phối giữa Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng...; Hoàn thiện, cập nhật và tiếp tục triển khai các Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, để bảo đảm phù hợp hơn nữa với quy định của Luật Di sản văn hóa 2024, Công ước 1972, Hướng dẫn thực hiện Công ước 1972 và pháp luật khác có liên quan; Kiện toàn và nâng cao năng lực cho các Ban quản lý di sản thế giới theo hướng tăng cường công tác đào tạo, ứng dụng công nghệ quản lý theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; Đẩy mạnh quảng bá và giáo dục di sản, thông qua Chiến lược diễn giải, truyền thông; gắn bảo tồn di sản với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường; Lồng ghép các mục tiêu quản lý di sản với Chính sách lồng ghép quan điểm phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước Di sản Thế giới UNESCO 2015.
Cuối cùng, di sản chỉ thật sự sống khi nó trở thành một phần trong đời sống tinh thần hiện đại. Khi học sinh được học về Trần Nhân Tông và Trúc Lâm không phải qua sách giáo khoa khô cứng mà qua những trải nghiệm sáng tạo tại Yên Tử. Khi giới trẻ tìm đến Côn Sơn không chỉ để check-in, mà để thiền hành, học về lòng vị tha, lẽ sống hòa hợp. Khi người Việt tìm thấy trong di sản ấy một bản đồ tâm hồn dân tộc, nơi lắng đọng những giá trị đạo đức, trí tuệ và khát vọng hòa bình, thì đó mới là sự bảo tồn đích thực, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
UNESCO đã trao cho Việt Nam một “tấm huân chương” danh giá. Tuy nhiên, ghi danh Di sản thế giới mới chỉ là bước khởi đầu. Việt Nam cần biến di sản ấy thành động lực mềm và sức mạnh nội sinh trong tiến trình phát triển đất nước. Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc, nếu được phát triển đúng hướng, có thể trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch tâm linh đặc sắc của châu Á, sánh vai cùng Kyoto (Nhật Bản), Lumbini (Nepal) hay Bodh Gaya (Ấn Độ).