Nghề làm tàu hũ ky ở vĩnh long được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Chiều 3/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ công bố Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh".
Nghề làm tàu hũ ky ở vĩnh long được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 4/8/2022, "Nghề làm Tàu hũ ky, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1832/QÐ-BVHTTDL. Làng nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa hiện có 27 hộ tham gia sản xuất, mỗi ngày cung ứng số lượng lớn sản phẩm cho các chợ, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Người đầu tiên làm nghề tàu hũ ky ở xã Mỹ Hòa là ông Châu Xường, từ năm 1912. Dần dần, người dân trong xóm theo nghề làm tàu hũ ky và sản phẩm được bán ra khắp vùng. Từ đó đến nay, trải qua hơn 100 năm, người dân xã Mỹ Hòa vẫn làm nghề tàu hũ ky, trở thành làng nghề truyền thống, đem lại thu nhập ổn định và cuộc sống khấm khá cho người dân.

Bàn giao 17 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo

Ngày 7/4, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho biết vừa phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và chính quyền các huyện Châu Thành, Gò Công Ðông, Tân Phú Ðông và thị xã Cai Lậy bàn giao 17 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; mỗi căn có giá trị 50 triệu đồng. Theo đó, huyện Châu Thành được 7 căn; huyện Gò Công Ðông được 6 căn; huyện Tân Phú Ðông 1 căn và thị xã Cai lậy 3 căn. Các gia đình được trao nhà đại đoàn kết đều thuộc diện nghèo khó.

Chúc Tết cổ truyền Bunpimay tại tỉnh Khăm Muộn (Lào)

Ngày 5/4, đoàn cán bộ tỉnh Cà Mau đã có chuyến thăm, chúc Tết cổ truyền Bunpimay năm 2023 tại tỉnh Khăm Muộn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Tại buổi làm việc, hai bên thông tin về những thành tựu kinh tế-xã hội của địa phương. Ðại diện tỉnh Khăm Muộn cũng ghi nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của tỉnh Cà Mau trong suốt thời gian qua. Hai bên đã nhất trí về việc thực hiện các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai tỉnh, trong đó trọng tâm là hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch.

Trước đó, sáng cùng ngày, đoàn công tác tỉnh Cà Mau đã đến thăm, chúc mừng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khăm Muộn đón Tết cổ truyền Bunpimay năm 2023 vui tươi, hạnh phúc, tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai tỉnh ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu. Ðoàn công tác cũng đến dâng hoa, dâng hương, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm của Người; tham quan nhà trưng bày hiện vật gắn liền với thời gian hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối quan hệ hữu nghị Việt-Lào tại bản Xiêng Vang (huyện Noong Bok, tỉnh Khăm Muộn).

Mở 45 vòi nước công cộng cho người dân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương đã mở 45 vòi nước công cộng ở hai huyện Gò Công Ðông và Tân Phú Ðông phục vụ cho người dân ở các khu vực chưa tiếp cận được nguồn nước từ hệ thống cấp nước tập trung. Ðến thời điểm này, các địa phương đã cung cấp hơn 1.700 m3 nước ngọt. Ðang vào mùa khô, nhu cầu nước sinh hoạt của người dân ở các huyện, thị xã phía đông của tỉnh Tiền Giang tăng cao. Vì vậy, tỉnh dự kiến sẽ mở thêm các vòi nước công cộng và phục vụ đến giữa tháng 5/2023.

Tỉnh Bến Tre công bố thành lập 3 thị trấn mới

Tỉnh Bến Tre vừa công bố thành lập 3 thị trấn mới, gồm: Phước Mỹ Trung (huyện Mỏ Cày Bắc), Tiệm Tôm (huyện Ba Tri) và Tiên Thủy (huyện Châu Thành) theo Nghị quyết số 724 ngày 13/2/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, thị trấn Phước Mỹ Trung được thành lập từ xã Phước Mỹ Trung; thị trấn Tiên Thủy được thành lập từ xã Tiên Thủy và thị trấn Tiệm Tôm được thành lập từ xã An Thủy. Ðồng thời với việc công bố thành lập 3 thị trấn, Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định về việc chuyển ấp thành khu phố thuộc thị trấn Tiên Thủy (huyện Châu Thành); thị trấn Tiệm Tôm (huyện Ba Tri) và thị trấn Phước Mỹ Trung (huyện Mỏ Cày Bắc) kể từ ngày 10/4/2023. Sau khi chuyển ấp thành khu phố thuộc các thị trấn Tiên Thủy, Tiệm Tôm và Phước Mỹ Trung, toàn tỉnh Bến Tre có 870 ấp, 83 khu phố.

số ca mắc sốt xuất huyết ở An Giang gia tăng

Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trong toàn tỉnh hiện tăng cao và đứng thứ hai trong số 20 tỉnh, thành phố phía nam, nhưng may mắn chưa có ca tử vong.

Theo thống kê của Sở Y tế, tính từ đầu năm đến ngày 31/3, số ca mắc sốt xuất huyết trong toàn tỉnh là 1.201 ca, tăng 4% so với cùng kỳ. Tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có ca mắc. Trong đó, các huyện Châu Phú, Chợ Mới, Tịnh Biên có số ca mắc cao đứng đầu, vượt ngưỡng dự báo dịch. Còn thành phố Châu Ðốc và huyện Châu Phú, Chợ Mới, Tịnh Biên, Tri Tôn có số ca mắc tăng so với cùng kỳ.

Qua kiểm tra, ngành y tế phát hiện 366 ổ dịch và đã dùng 290 lít hóa chất để xử lý. Theo dự báo, thời gian tới vào mùa mưa cho nên dịch bệnh sẽ gia tăng. Ðể phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế phối hợp cùng ủy ban nhân dân các xã, phường nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch như: diệt bọ gậy, diệt muỗi; nhắc nhở các trường học chú ý phòng dịch, bệnh cho trẻ nhỏ, học sinh.

Ðồng thời, ngành y tế tiếp tục công tác giám sát véc-tơ, giám sát huyết thanh vi-rút sốt xuất huyết, giám sát xử lý dịch của tuyến dưới, chỉ đạo và hỗ trợ công tác chống dịch tại các điểm nóng, tổ chức phun hóa chất dập dịch diện rộng chủ động tại các khu vực có nguy cơ bùng phát; tiếp tục công tác giám sát, phát hiện và xử lý sớm, có hiệu quả từng ổ dịch khi phát hiện, hạn chế lây lan diện rộng; chuẩn bị đủ vật tư, hóa chất, thuốc, kinh phí... để sẵn sàng chống dịch bùng phát ■