Mở ra nhiều cơ hội

Nghệ thuật biểu diễn là một trong những thế mạnh để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển công nghiệp văn hóa. Với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, công nghệ tổ chức biểu diễn đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần mang lại sự sôi động và hiệu quả cho hoạt động giải trí.

Chương trình Anh trai say hi diễn ra tại khu đô thị Vạn Phúc City. (Ảnh DatVietVAC)
Chương trình Anh trai say hi diễn ra tại khu đô thị Vạn Phúc City. (Ảnh DatVietVAC)

Chương trình ngày càng quy mô

Trong năm 2024, sự xuất hiện của chuỗi concert Anh trai say hi đã tạo nên cơn choáng ngợp bất ngờ trong lĩnh vực hoạt động tổ chức biểu diễn tại thành phố, khi hơn 20 nghìn khán giả phủ kín những địa điểm chương trình được diễn ra như Công viên bờ sông Sài Gòn hay khu đô thị Vạn Phúc City. Có thể nói, Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai là hai chương trình âm nhạc tạo được sức hút chưa từng có.

Từ hai “hiện tượng” trên cho thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động tổ chức biểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh đang dần cho thấy hiệu quả, khi các chương trình âm nhạc do các đơn vị này tổ chức ngày càng quy mô hơn, có sự đầu tư mạnh mẽ về âm thanh, ánh sáng, mang lại sự thỏa mãn cho khán giả ở cả hai yếu tố nghe và nhìn.

Trước đó, lễ hội âm nhạc Hò Dô với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân cũng đã mang đến sinh khí mới cho đời sống âm nhạc thành phố. Qua mỗi lần tổ chức, Hò Dô ngày càng khẳng định sức hút, là thí dụ điển hình về xã hội hóa thành công ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Gần đây nhất, chuỗi sự kiện văn hóa Sắc màu thành phố Bác, Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước đã đạt được thành công ngoài mong đợi. Sự kiện tổ chức theo phương thức xã hội hóa này đã trở thành ngày hội đích thực, khi người dân thành phố và du khách được đắm chìm trong không gian lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, đầy sắc màu.

Với điều kiện kinh tế-xã hội phát triển như ngày nay, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang dần trở thành điểm đến tiềm năng cho các chương trình biểu diễn quốc tế. Để chứng minh năng lực tổ chức nhằm thu hút đối tác, khách hàng trong và ngoài nước, các đơn vị tư nhân liên tục tìm tòi, ứng dụng các công nghệ mới vào việc dàn dựng, sản xuất chương trình, tạo ra những màn trình diễn độc đáo và ấn tượng. Từ đó, có thể tính toán khả năng đầu tư và thu hồi vốn, xây dựng uy tín lâu dài với các đối tác tổ chức, truyền thông.

Theo TS Nguyễn Văn Thăng Long, Đại học RMIT Việt Nam, các đơn vị tư nhân cũng có lợi thế trong việc tìm hiểu các hoạt động giải trí, biểu diễn ở các nước trên thế giới và trong khu vực. Thông qua các đơn vị đối tác, các đơn vị tư nhân ở thành phố có điều kiện dự báo được sự phát triển của ngành, các công nghệ và trang thiết bị hiện đại, từ âm thanh, ánh sáng, tới trang thiết bị, hệ thống bán vé để từ đó chủ động hơn trong việc cung cấp các dịch vụ. Điều này giúp các buổi biểu diễn trở nên sống động, hiện đại và chuyên nghiệp hơn. “Việc này cũng thúc đẩy các đơn vị đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật viên, đạo diễn, và các chuyên gia tổ chức sự kiện”, TS Nguyễn Văn Thăng Long, nhấn mạnh.

Cần đầu tư mạnh cho hạ tầng biểu diễn

Tuy nhiên, dù Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nhà hát, sân vận động, nhà thi đấu nhưng đa số có quy mô vừa và nhỏ, hoặc kiến trúc không phù hợp hoàn toàn cho các sự kiện âm nhạc quy mô lớn, đòi hỏi hệ thống âm thanh, ánh sáng và sân khấu phức tạp. Các sân vận động như Thống Nhất, nhà thi đấu Phú Thọ có thể phục vụ từ năm nghìn đến 20 nghìn khán giả, nhưng điều kiện cơ sở vật chất chưa đạt chuẩn quốc tế.

Thời gian gần đây, các sự kiện âm nhạc lớn diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh thường được tổ chức ở không gian ngoài trời như phố đi bộ Nguyễn Huệ, các khu đô thị mới như The Global City, Vạn Phúc City, Công viên bờ sông Sài Gòn. Tuy nhiên, việc tổ chức các chương trình ca nhạc lớn tại đây gây tiếng ồn với cộng đồng dân cư, điều kiện tổ chức đi lại, giao thông không tốt, và đặc biệt là không bền vững do sân khấu, khán đài, các dịch vụ đi kèm phải lắp đặt, vừa tốn kém và có thể kém an toàn.

Một số chuyên gia cho rằng, trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh có thể áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công-tư cho việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng của các sân vận động, nhà thi đấu hiện tại theo hướng đa năng chứ không chỉ là cho thể thao. Từ đó có thể trang bị các hệ thống âm thanh, ánh sáng, màn hình LED, hệ thống giàn không gian, mặt bằng sân khấu, khu vực hậu đài, và tiện ích cho khán giả đạt chuẩn quốc tế. Các khu phức hợp này nên có thể linh hoạt chuyển đổi công năng để phù hợp với nhiều loại hình biểu diễn. Trong khi đó, các khu vực không gian ngoài trời có thể phải được quy hoạch lại với các quảng trường, khu vực công viên diện tích lớn, thuận tiện giao thông và có thể kiểm soát an ninh để tổ chức các festival âm nhạc, sự kiện ngoài trời quy mô lớn như tại Công viên bờ sông Sài Gòn, Thủ Thiêm.

Trong tầm nhìn dài hạn, Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, kết hợp phát triển giao thông đô thị. Từ đó, thành phố mới có thể có cơ sở hạ tầng đáp ứng cho việc tổ chức sự kiện tầm vóc quốc tế. Ngoài ra, thành phố cần áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng đặc thù cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng với công nghệ biểu diễn, thiết bị hiện đại. Song song đó, thành phố cần hỗ trợ các hoạt động đào tạo trong nước và quốc tế về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu, quản lý sự kiện, sản xuất chương trình biểu diễn chuyên nghiệp để nâng cao trình độ cho đội ngũ kỹ thuật viên, đạo diễn, quản lý sự kiện.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, thời gian qua thành phố có sự đầu tư mạnh mẽ về các cơ sở vật chất, công trình trọng điểm để phát triển thiết chế nghệ thuật biểu diễn, như Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, Dự án Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm... “Chúng tôi rất kỳ vọng những dự án trong tương lai của thành phố sẽ mở ra những cơ hội rõ ràng, hiệu quả để thành phố trở thành nơi lý tưởng tổ chức các chương trình biểu diễn tầm cỡ quốc tế”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ.

Với tính chất công việc và sự năng động, các đơn vị tư nhân thường rất nhanh nhạy trong việc đánh giá nhu cầu và đáp ứng sự phát triển của thị trường giải trí, phát triển văn hóa.

VÕ MẠNH HẢO