Người ta gọi đó là “con đường mã não”, “con đường cồng chiêng”, nhưng phổ biến nhất là “cung đường muối”. Mã não và cồng chiêng là những sản phẩm của núi rừng Tây Nguyên, còn hạt muối là sản phẩm của vùng biển mà người Tây Nguyên luôn “mong chờ đỏ mắt”.
Từ cả nghìn năm trước, người dân tộc Cơ Ho, Cil, Bahnar, J’rai, Stieng… ở Tây Nguyên đeo gùi cõng lâm sản quý giá như da thú, ngà voi… xuống miền duyên hải để đổi lấy hạt muối. Giờ đây, những cung đường này lại trở thành một lộ trình trekking đầy hấp dẫn nhưng cũng rất khắc nghiệt.
Có hai cung đường chính, một là cung rừng quốc gia Bidoup (Lâm Đồng) - Phước Bình (Ninh Thuận) dài khoảng 30 km. Đây cũng là cung đường trekking được ưa thích nhất của những kẻ thích phiêu lưu, khám phá bởi nó trải qua một phổ địa hình khá đa dạng như rừng rậm âm u, rừng rêu lùn huyền ảo, rừng kín thường xanh, rừng hỗn giao lá rộng đa dạng mầu sắc, rừng thông, rừng tre vi vút và những trảng cỏ mênh mông, ngút tầm mắt.
Tuy nhiên, cung đường thứ hai lại nổi tiếng hơn: Tà Năng-Phan Dũng. Đây chính là cung đường muối của người J’rai và Bahnar, xuất phát từ xã Tà Năng (huyện Đức Trọng cũ) và kết thúc ở xã Tuy Phong - tỉnh Lâm Đồng mới (xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cũ), với chiều dài 50 km. Nó được đánh giá là cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam.
Trên cung đường này, những kẻ phiêu lưu sẽ vượt suối, trèo đèo, băng qua những cánh rừng xanh rậm rạp, lướt qua nhiều dạng địa hình và sinh cảnh nối tiếp nhau: Ruộng lúa đẹp như tranh của người Churu, đồi cà-phê, rừng thông, đồi cỏ, rừng khộp, cánh đồng hoa dại, đồng cỏ savan hay những ngọn đồi đất đỏ...
Sự chuyển đổi cao trình của cung đường cũng là một sự hấp dẫn đầy thách thức. Việc chinh phục đỉnh Tà Năng - Phan Dũng cao 1.160m, để được đứng trên một “nóc nhà” ngắm nhìn trọn vẹn khung cảnh hùng vĩ của núi rừng nam Tây Nguyên là một thử thách rất khó cưỡng lại.
Một viên ngọc khác của cung đường này là con thác Yavly huyền thoại đổ thẳng từ lưng chừng mây xuống một hồ phỉ thúy xanh biếc. Ngồi tĩnh lặng giữa một không gian đầy những hạt nước li ti, trong lành, chợt có cảm giác mình như trở thành “hoàng tử bé” phiêu du giữa các tinh cầu.
Khó có thể diễn tả được cảm xúc khi đi ngang qua gốc pơ-mu 1.300 năm tuổi thân thẳng tắp, cao vút chọc thẳng lên trời xanh, quanh thân vằn vện những dây leo, đủ khiến cho con người dù hãnh tiến, tự mãn tới đâu cũng phải thấy mình nhỏ bé giữa thiên nhiên, giữa đại ngàn như một hạt cát của thuở khai thiên lập địa.
Tiếp tục vượt qua những con suối chảy qua rừng khộp sẽ đến được một bình nguyên quang đãng, bao la. Nằm trên bãi cỏ xanh, ngậm một thân cỏ ngọt, chợt thấy mình như đang hóa nhập cùng bóng dáng những đoàn lữ hành ngày xưa. Họ cũng đang vứt gùi hàng hóa rồi nằm xuống đây ngắm bầu trời này, tận hưởng cảm giác sắp kết thúc hành trình mệt mỏi, nhưng đầy thỏa mãn...