Lớp “áo giáp” trường tồn

Với độ dày 0,02 mm và trọng lượng chỉ 1,6 g/m², loại giấy truyền thống washi mỏng nhất thế giới đã được Công ty Hidakawashi, ở tỉnh Kochi (Nhật Bản) nâng tầm, trở thành “tấm áo” bảo vệ hoàn hảo cho những kiệt tác vĩnh cửu.

Giấy washi của Công ty Hidakawashi mang vẻ đẹp tinh tế, đậm chất Nhật Bản.
Giấy washi của Công ty Hidakawashi mang vẻ đẹp tinh tế, đậm chất Nhật Bản.

Từ thời Minh Trị Thiên hoàng (1868-1912), những nghệ nhân Nhật Bản đã cho thấy sự tinh xảo vô song, khi chế tác thủ công được tờ giấy washi có độ dày chỉ 0,03-0,05 mm. Đặc biệt, giấy washi Tosa (tỉnh Kochi) là một trong ba loại giấy washi nổi tiếng nhất, bên cạnh giấy washi Echizen (tỉnh Fukui) và giấy washi Mino (tỉnh Gifu).

Giấy washi Tosa, niềm tự hào của vùng Kochi, đã tồn tại hơn một thiên niên kỷ. Năm 1949, Công ty Hidakawashi bắt đầu sản xuất giấy thủ công này như một phần vật liệu không thể thiếu để làm nên cánh cửa shoji hay vách ngăn fusuma. Song, kể từ khi vật liệu kính được sử dụng trong kiến trúc hiện đại thay cho thiết kế nhà truyền thống, nhu cầu tiêu thụ giấy washi đã giảm mạnh.

Khi ông Chinzei Hiroyoshi, Chủ tịch Công ty Hidakawashi, trở về sau khi du học ở Mỹ, đã nhận ra tiềm năng mới của giấy washi trong việc phục hồi di sản văn hóa. Loại giấy siêu mỏng của họ, dù phủ lên tài liệu cổ vẫn để hiện rõ nguyên từng nét chữ mà không làm tổn hại kết cấu ban đầu của các di sản văn hóa hoặc tác phẩm nghệ thuật. Đặc biệt, do không bị ố vàng hay phai mầu theo thời gian nên giấy này đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các tổ chức bảo tồn di sản. Không những vậy, sản phẩm còn chinh phục giới kiến trúc và được sử dụng ở các không gian sang trọng, như nội thất phòng VIP tại sân vận động quốc gia mới ở Tokyo, hay để che phủ tường phòng nghỉ trong khách sạn cao cấp...

Là thành viên của Hiệp hội Bảo tồn Tài sản Văn hóa Nhật Bản, đội ngũ sản xuất Hidakawashi còn học hỏi từ Cục Lưu trữ Quốc gia để hoàn thiện kỹ thuật. Sau nhiều năm thử nghiệm, công ty đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình truyền thống. Từ loại giấy dày 0,05 mm, nặng 3-4 g/m², họ tạo ra giấy washi siêu mỏng với độ dày chỉ 0,02 mm và trọng lượng 1,6 g/m² vào năm 2013.

Nhờ sự tỉ mỉ trong khâu chuẩn bị nguyên liệu thủ công và khả năng tạo ra hơn 1.000 mầu sắc khác nhau cho giấy washi mỏng tang, Công ty Hidakawashi đã mang đến thế giới vẻ đẹp tinh tế, đậm chất Nhật Bản. Hiện nay, khoảng 40% doanh thu của Hidakawashi đến từ lĩnh vực phục chế di sản văn hóa, với 90% số đơn được đặt hàng từ nước ngoài. Những tổ chức bảo tàng lớn, như Bảo tàng Anh (London), Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp) đều tin dùng sản phẩm này.

Chủ tịch Chinzei Hiroyoshi nhấn mạnh: “Chúng tôi không chỉ làm giấy, mà còn góp phần bảo vệ giá trị văn hóa của nhân loại, qua đó biến di sản truyền thống thành những vẻ đẹp trường tồn”.

Anh Thư