Liên hợp quốc: Hoạt động cứu trợ tại Gaza đang chịu sức ép nghiêm trọng

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 23/7 cho biết, các hoạt động cứu trợ tại Dải Gaza đang chịu sức ép nghiêm trọng do khó khăn trong tiếp cận hàng hóa cứu trợ và các rủi ro an ninh đối với nhân viên cứu trợ.

Người dân Palestine chờ nhận thực phẩm tại khu phố Al-Rimal ở trung tâm thành phố Gaza, ngày 20/7/2025. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Người dân Palestine chờ nhận thực phẩm tại khu phố Al-Rimal ở trung tâm thành phố Gaza, ngày 20/7/2025. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc, nhân viên cứu trợ đang đối mặt với các mối nguy lớn về an ninh. Các điểm tiếp nhận hàng hóa cứu trợ vẫn không ổn định, nhiều vật tư thiết yếu thường xuyên bị trì hoãn hoặc ngăn chặn. Khối lượng hàng cứu trợ vào Gaza chỉ là một phần rất nhỏ so với nhu cầu khổng lồ tại khu vực.

“OCHA nhấn mạnh rằng Israel cần tạo điều kiện để hàng viện trợ được phân phối an toàn và không bị cản trở, cho phép nhập cảnh thiết bị thiết yếu và nhiên liệu, mở tất cả các cửa khẩu và khôi phục lưu thông trên các tuyến vận chuyển chính”, cơ quan này nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh nhân viên nhân đạo cần được bảo đảm an toàn trong khi làm việc, người dân cần được tự do đi lại và hàng hóa, bao gồm cả từ khu vực tư nhân cần đến được mọi nơi trong Gaza.

OCHA cho biết nếu các điều kiện trên được đáp ứng, Liên hợp quốc sẽ khẩn trương ưu tiên cung cấp thực phẩm, nước, chỗ ở, chăm sóc y tế và bảo vệ cho dân thường tại Gaza. Cơ quan này cũng khẳng định sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội ngừng bắn để mở rộng hoạt động cứu trợ trên toàn Gaza, như đã từng thực hiện trong các giai đoạn tạm ngừng giao tranh trước đây.

OCHA cảnh báo nạn đói tại Gaza chưa bao giờ nghiêm trọng đến vậy, khi tình trạng suy dinh dưỡng lan rộng khắp vùng, khiến cả người dân và nhân viên cứu trợ đều rơi vào tình trạng kiệt sức.

Các đối tác nhân đạo của OCHA báo cáo rằng một số nhân viên cứu trợ đã bị ngất vì đói và kiệt sức. Mặc dù điều kiện vô cùng khắc nghiệt, nhân viên cứu trợ vẫn tiếp tục phân phát hàng viện trợ cứu sinh ở bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào có thể.

Tuy nhiên, để duy trì các hoạt động cứu trợ, bao gồm các chương trình dinh dưỡng, OCHA cho rằng nhà chức trách Israel cần cho phép đưa nhiều hàng cứu trợ hơn vào và phân phối tới mọi khu vực trong Dải Gaza mà không bị trì hoãn.

Tình hình y tế tại Gaza cũng rất nghiêm trọng. OCHA cho biết các bệnh viện đang bị quá tải và không đủ khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân, trong đó có nhiều người bị thương do giao tranh, vì thiếu vật tư và nhiên liệu.

Cơ quan y tế địa phương báo cáo rằng trong những ngày gần đây, nhiều cơ sở y tế đã phải đóng cửa vì không còn nhiên liệu. Một số bệnh viện khác, trong đó có bệnh viện Al Shifa, cũng đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động trong vài ngày tới.

Các tổ chức nhân đạo cũng cho biết, những người khuyết tật tại Gaza không có thực phẩm, không có thiết bị hỗ trợ và không được chăm sóc y tế. OCHA kêu gọi cần có các biện pháp bảo vệ dân thường, trong đó có hàng chục nghìn người cao tuổi và người khuyết tật.

Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng chính quyền Israel là bên duy nhất quyết định cấp phép vào Dải Gaza, trong khi các thách thức hậu cần vẫn rất lớn. OCHA cho biết để thu gom hàng hóa tại các cửa khẩu bị rào chắn nghiêm ngặt quanh Gaza, các tài xế cần có nhiều giấy phép tiếp cận, và phải chờ đợi việc ngừng không kích để cổng được mở.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo, ông Tom Fletcher, phát biểu trước Hội đồng Bảo an tuần trước rằng, việc di chuyển phải vượt qua nhiều trở ngại: Phối hợp với lực lượng Israel, băng qua vùng chiến sự, di chuyển trên những con đường hư hại, và thường phải chờ đợi ở các điểm trung chuyển hoặc đi qua khu vực do các băng nhóm kiểm soát.

Tại phiên họp Hội đồng Bảo an, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc, ông Danny Danon, đã tuyên bố các biện pháp hạn chế đối với nhân viên OCHA, theo đó Israel sẽ không còn cấp thị thực tự động cho nhân viên quốc tế của OCHA, và các thị thực hiện nay chỉ có thời hạn 1 tháng.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Stephane Dujarric, cho rằng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cũng sẽ chỉ làm gia tăng rào cản khiến các nhân viên cứu trợ không thể tiếp cận những người đang phải chịu đói, mất nhà cửa và thiếu thốn nghiêm trọng.

TRUNG HƯNG