Đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò khai mạc trưng bày chuyên đề “Bút sắc, lòng son”. Không gian là chốn lao tù xưa, nay trở thành nơi kể chuyện về tinh thần đấu tranh cách mạng, về lòng yêu nước của những thế hệ người Việt Nam đi trước. Sau khi chiếm được nước ta, thực dân Pháp dựng nhà tù ở khắp nơi để giam cầm những chí sĩ yêu nước, những nhà cách mạng.
Chuyên đề “Bút sắc, lòng son” gồm ba nội dung. Trong đó, nội dung đầu tiên nói về sự khắc nghiệt của chế độ lao tù thực dân, với chủ đề “Trong chốn lao tù”. Đó là Nhà tù Hỏa Lò được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”; Nhà tù Côn Đảo; Khám Lớn ở Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) - biểu tượng cho nền thống trị trực tiếp của thực dân Pháp ở Nam Kỳ; Trại giam Chín Hầm - nơi chính quyền Ngô Đình Diệm dùng để tra tấn, thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng từ năm 1954-1963; Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp lập năm 1930…
Nhà tù trở thành nơi giam cầm những người con yêu nước, những chiến sĩ cách mạng nhưng nhà tù cũng không thể tiêu diệt được ý chí của những con người ấy. Tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Song, một trong những yếu tố nổi bật chính là những bài thơ, trang viết mà các chiến sĩ để lại. Ở nội dung thứ hai - “Bút sắc, lòng son”, trưng bày giới thiệu 10 chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã dùng ngòi bút để phản ánh hiện thực cuộc sống, sự tàn khốc của chế độ nhà tù và lòng yêu nước thiết tha.
Ai cũng xúc động khi hôm nay đọc lại những trang viết ấy. Đó là câu chuyện của nhà văn hóa, nhà báo, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1900-1943) với những vần thơ đầy tinh thần đấu tranh tại Khám Lớn Sài Gòn và Nhà tù Côn Đảo: Sống mà vô dụng, sống làm chi/ Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?/ Sống trái đạo người, người thêm tủi/ Sống quên ơn nước, nước càng khi…
Hay câu chuyện cảm động về đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909-1944), một trong những nhà lãnh đạo cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đồng chí đã bị thực dân Pháp hành quyết tại Nhà tù Hỏa Lò. Trước khi ra đi, đồng chí để lại cho hậu thế bài thơ “Nhắn bạn”. Bài thơ toát lên tinh thần đấu tranh đến hơi thở cuối cùng, lúc ra đi vẫn động viên người ở lại kiên trung: Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm/ Chí còn theo đuổi mộng tung hoành/ Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu/ Trước sau xin giữ tấm lòng thành.
Trưng bày khiến người xem xúc động với câu chuyện của hai chị em Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941) và Nguyễn Thị Quang Thái. Năm 1940, Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt, kết án tử hình, giam tại Bót Catinat, Trại giam Phú Mỹ, Khám Lớn Sài Gòn.
Trong thời gian bị giam, bà đã dùng máu mình viết thơ, thể hiện tinh thần bất khuất: Dù đánh, dù treo, càng cương quyết/ Dù kềm, dù kẹp, chẳng sai lời. Đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái (1915- 1944) bị địch bắt nhiều lần. Năm 1942, bà bị bắt lần thứ hai, bị kết án 16 năm tù, giam tại Hỏa Lò. Trong tù, bà vẫn viết thư về cho con gái Võ Hồng Anh, gửi gắm tình yêu thương và lòng son sắt với cách mạng.
Phần cuối cùng của trưng bày là câu chuyện về những cánh thư hôm nay, khi trong thời công nghệ, những chiến sĩ đang công tác nơi biên cương, hải đảo luôn trân trọng từng lá thư, bài thơ từ hậu phương gửi tới. Những dòng chữ ấy không chỉ là lời nhắn nhủ của người thân, bạn bè, mà còn là nhịp cầu gắn kết những trái tim, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh nơi đầu sóng ngọn gió.
Tại lễ khai mạc diễn ra ngày 16/7, Ban Tổ chức mang đến với công chúng hoạt cảnh tái hiện câu chuyện về đồng chí Phạm Hướng, cán bộ Đoàn chuyên trách phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội bị bắt, giam tại Hỏa Lò năm 1949- 1950.
Khán giả xúc động trước khoảnh khắc hội ngộ đầy nước mắt giữa đồng chí Phạm Hướng và bạn tù, phút giây nghẹn ngào gặp người thân trong lần thăm nuôi ngắn ngủi trước khi bị đày ra Côn Đảo. Đồng chí Phạm Hướng cũng là một trong những người để lại những trang viết, những bức thư ngập tràn tinh thần lạc quan dù thể chất và tinh thần bị địch hành hạ, tra tấn dã man.
Có mặt tại buổi ra mắt trưng bày, ông Võ Điện Biên - con trai của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp chia sẻ: “Chúng ta cần tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu nhiều hơn nữa để lan tỏa tinh thần yêu nước và trách nhiệm với Tổ quốc; để mang đến cái nhìn chân thật và cảm xúc đối với người xem, đặc biệt là giới trẻ có thể hiểu hơn về thế hệ cha ông đã phải trải qua đấu tranh gian khổ để có được ngày hôm nay”