Sự hy sinh thầm lặng
Thắp nhang tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh trong ngày Địa điểm tưởng niệm Thanh niên xung phong ga Núi Gôi được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh, những thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 895 (C895) rưng rưng xúc động. Đã gần 60 năm trôi qua, ký ức về trận chiến ác liệt năm xưa vẫn chưa phai mờ.
Cuối năm 1965, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi “quê hương năm tấn” hăng hái xung phong lên đường làm nhiệm vụ khai thác đá, san lấp hố bom, cứu sập, đắp sửa đường, bốc xếp hàng hóa trên cung đường bộ, đường sắt từ Trình Xuyên, qua Gôi, Cát Đằng đến cầu Ninh Bình. Với khẩu hiệu hành động “Dù máu của C895 có đổ nhưng đường không tắc”, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, cả đại đội quyết tâm vượt qua mưa bom bão đạn bám trụ, lấy hầm trực chiến ven đường làm nơi ăn nghỉ, phối hợp với công nhân đường sắt sửa đường, bảo vệ hàng hóa, khắc phục hậu quả sau mỗi lần địch đánh phá, cùng đơn vị pháo cao xạ đánh trả máy bay địch, vô hiệu hóa hàng trăm quả bom nổ chậm, giúp các đoàn xe thông tuyến kịp thời. Các điểm nóng ác liệt ở khu vực cầu Tào, ga Đồng Giao, ga Đò Lèn, thị xã Ninh Bình, họ đều có mặt. Dẫu gian nan vất vả, nguy hiểm luôn rình rập, nhưng ai cũng lạc quan, yêu đời. Tình đồng đội keo sơn, mọi người gắn bó, thương yêu đùm bọc như người một nhà.
Là một trong những đầu mối tập trung vận chuyển hàng hóa dân sự, quân sự từ miền bắc chi viện cho chiến trường miền nam, ga Núi Gôi là trọng điểm oanh tạc của máy bay Mỹ. Nhiều lần bom thả trúng đường sắt, kho tàng, nhà cửa gây thiệt hại nặng nề. Khoảng 17 giờ chiều 20/8/1966, đoàn tàu quân sự 381 vừa tập kết xong mấy trăm tấn hàng chuẩn bị lăn bánh rời ga thì bất ngờ một tốp máy bay Mỹ ập tới bắn rốc két, thả hàng chục quả bom. Đoàn tàu trúng bom, toa bị đổ, toa bốc cháy dữ dội. Tiếng kẻng báo động dồn dập vang lên từ trên đỉnh núi, các TNXP hối hả băng qua cánh đồng chạy về phía nhà ga, nhanh chóng dàn đội hình dập lửa. Thấy TNXP Đặng Thị Nhung nằm gục cạnh đường ray, Đại đội trưởng Lê Nguyên Nhung hô lớn “Máu đã đổ. Các đồng chí hãy dũng cảm xông lên cứu hàng, cứu tàu, trả thù cho đồng đội”. Mỗi người một việc cùng công nhân đường sắt, các lực lượng của địa phương múc nước chữa cháy, ngăn chặn không để cháy lan, phá cửa bốc dỡ hàng hóa ra khỏi các toa tàu. Những thanh niên dáng vóc nhỏ bé vác những bao gạo, hòm vũ khí, đạn dược nặng tới 60, 70 kg vẫn chạy băng băng.
Hơn một giờ sau, ngọn lửa được dập tắt và phần lớn hàng hóa được chuyển ra khu vực an toàn thì bỗng toa cuối cùng gần đầu máy phát nổ. Lửa cháy ngùn ngụt, mùi hóa chất bốc lên nồng nặc, khói độc phả ra làm ô nhiễm cả vùng, không khí càng ngột ngạt. Dù đã thấm mệt, mọi người lại dốc sức lao vào dập lửa, đưa những kiện hàng chưa bị vỡ ra ngoài. Một lát sau, trên sân ga và khu vực lân cận, số người nhiễm độc gục ngã tăng nhanh, nằm la liệt. Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi lao tới hiện trường, ngược xuôi như con thoi dìu, cõng đồng đội, tất tả hô hấp nhân tạo, hà hơi tiếp sức những người bị ngạt, cứu sống 20 người. Sức cùng lực kiệt, chị bị nhiễm độc, ngã quỵ và anh dũng hy sinh. Nhiều cựu TNXP xúc động bộc bạch, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hồng Mùi là ân nhân cứu mạng, suốt đời chúng tôi không quên ơn.

Cựu TNXP Phạm Văn Noãn kể, đoàn tàu bốc cháy như rồng lửa, nhưng lòng căm thù giặc đã vượt qua cả nỗi sợ, mọi người dùng xà-beng, cuốc, xẻng đập phá cửa toa, cứu hàng. Không có đồ bảo hộ, các chai hóa chất vỡ ra, ngấm vào cơ thể, nhiều người lăn đùng ngất xỉu. Bà con thôn Phú Thứ cho uống nước lá cây, nước mía giải độc, những người nhiễm độc nặng nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Bí thư Đoàn thanh niên tuyến đường sắt Hà Ninh Đỗ Lệnh Minh về nghỉ phép lao ra ứng cứu, bị nhiễm độc không qua khỏi. Thương tâm là có người không biết, lên cơn khát, uống nhầm chai hóa chất đã qua đời. Sau trận chiến bi tráng ấy, 13 TNXP, 1 Bí thư chi đoàn ngành đường sắt hy sinh, hơn 250 người bị thương, nhiễm độc nặng.
Trường hợp ông Phùng Văn Hoa may mắn còn sống là kỳ tích. “Lúc đó, tôi còn khỏe, hăng hái cứu hàng, người ướt sũng mồ hôi, vai đầm đìa hóa chất. Hai hôm sau ngấm độc nặng, đồng đội tưởng không qua khỏi, định lo hậu sự thì phát hiện còn thở, đưa đi cứu chữa kịp thời, vài tháng sau mới dần bình phục. Hóa chất chảy vào tai nên ông nghe kém dần, nay tuổi cao, sức khỏe càng xuống dốc, hay bị bệnh hô hấp, khó thở”, ông Hoa trải lòng. Ánh mắt xa xăm đượm buồn, Đại đội phó Đinh Nhật Lệ hồi tưởng, hôm đó được cấp trên điều động học lớp sơ cấp lý luận chính trị ở Hưng Yên. Khi trở về, đồng đội người còn, người mất, ông đau buồn xót xa. Chứng kiến cảnh tượng nhiều người nhiễm độc, thần kinh tê liệt trở nên ngẫn ngờ, cả ngày trèo cây hát, ra sân dội nước giữa trời nắng chang chang, tim ông như bị bóp nghẹt, nước mắt tuôn trào. Ông Lệ chăm sóc, động viên mọi người chịu khó uống thuốc, tĩnh dưỡng mau lành bệnh, hồi phục.
Tưởng nhớ, tri ân
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mất mát, đau thương, di chứng vẫn còn hiện hữu. Do bị nhiễm độc, nhiều người ốm đau dai dẳng, có người qua đời khi tuổi còn trẻ, bị vô sinh, có nữ TNXP sống trong cảnh đơn chiếc hay nương nhờ cửa Phật. Con cái họ cũng chịu thiệt thòi, không ít bé sinh ra bị dị tật, chết yểu, thiểu năng trí tuệ. Dẫu đời sống còn khó khăn, mọi người thường xuyên hỏi thăm, động viên nhau vượt qua bệnh tật, sống vui, sống khỏe lúc tuổi già. Chỉ đồng quà, tấm bánh đơn sơ mà ấm tình đồng đội.

Để tri ân, tưởng nhớ những tấm gương hy sinh anh dũng, không tiếc tuổi xuân và xương máu, chiến đấu quên mình vì độc lập tự do của dân tộc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xây nhà bia tưởng niệm TNXP ga Núi Gôi ghi danh 14 liệt sĩ, trên mảnh ruộng sát đường tàu có toa xe bị ném bom. Sau một tháng san lấp, thi công, công trình đã hoàn thành và đến năm 2007 tiếp tục được trùng tu, tôn tạo khang trang, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đặc biệt với thế hệ trẻ. Năm 2013, Đại đội 895 TNXP vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hằng năm, vào ngày “Giỗ trận”, các đơn vị của Tổng công ty Đường sắt, đồng đội, thân nhân liệt sĩ tề tựu về khu tưởng niệm dâng hương tưởng nhớ tri ân. Đứng trước bia tưởng niệm, bà Bùi Thị Bở, em liệt sĩ Bùi Thị Nội xúc động bồi hồi nhớ kỷ niệm hồi còn nhỏ gặp chị gái lần cuối, được chị bế vào lòng bảo lần sau về mua quà cho em, nhưng lời hứa đã vĩnh viễn không trở thành hiện thực. Nhận được sự quan tâm chu đáo từ ngành đường sắt, các cấp lãnh đạo và chính quyền địa phương, chứng kiến Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh long trọng, bà Bở và gia đình các liệt sĩ phấn khởi, tự hào. Còn với hơn 100 TNXP đã ở tuổi gần đất xa trời, tâm nguyện của họ là tròn 60 năm ngày “Giỗ trận”, được tạo điều kiện về ga Núi Gôi tưởng niệm đồng đội đã hy sinh và thăm lại nơi in dấu chiến tích anh hùng một thời hoa lửa.
Trưởng ga Núi Gôi Vũ Đình Biên bộc bạch: “Tên tuổi của những TNXP không quản khó khăn, gian khổ, anh dũng hy sinh đã đi vào lịch sử, để lớp lớp con cháu ngưỡng vọng, tôn kính, tự hào. Chăm sóc cảnh quan, giữ gìn di tích là vinh dự, bổn phận và trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên nhà ga và mong một ngày không xa, khuôn viên khu di tích được đầu tư mở rộng, tu bổ, nâng cấp thành Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia”. Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Đức Tiền nhấn mạnh, trận chiến năm xưa trở thành biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, là niềm tự hào và động lực để thanh niên đường sắt tiếp bước, nỗ lực cống hiến, xứng đáng với hy sinh thầm lặng, đóng góp lớn lao của thế hệ cha anh. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn, tri ân sâu sắc và tinh thần xung kích biến thành hành động với những hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” thiết thực, tiên phong đảm nhận việc khó, góp sức để ngành đường sắt phát triển vững mạnh, chung tay xây dựng đất nước cường thịnh.
Hằng ngày, những đoàn tàu vẫn chạy ngang qua khu tưởng niệm ngay trong khuôn viên ga Núi Gôi. Tiếng còi tàu vang xa như nhắc nhớ về một thời oanh liệt không thể nào quên.