Tại Diễn đàn khoa học “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045” do Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới (KTVN&TG), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 15/7, Tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng KTVN&TG cho biết, trên thế giới một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã có giai đoạn bùng nổ với trên dưới 10 năm tăng trưởng hơn 10%, trong đó có Nhật Bản (giai đoạn 1955-1972), Hàn Quốc (giai đoạn 1960-1970), Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)…
Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước hiện nay là không thể tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng cũ dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và đầu tư bên ngoài, mà phải chuyển sang mô hình tăng trưởng mới có chất lượng cao hơn, hiệu quả, bền vững hơn, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. “Việt Nam đang có những cải tổ nhằm thúc đẩy khoa học - công nghệ, bộ máy nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân… Những chính sách này góp phần thúc đẩy những lĩnh vực còn yếu kém, bị kìm hãm. Từ việc tham chiếu kinh nghiệm quốc tế, chúng ta có thể lựa chọn mô hình phù hợp hơn cho Việt Nam”, ông Sang cho biết.

Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vân, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính, chỉ ra một điểm nổi bật trong quan điểm phát triển gần đây là sự gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. “Nếu đổi mới mô hình tăng trưởng là lựa chọn con đường phát triển, thì cơ cấu lại nền kinh tế là cách thức tổ chức thực hiện. Do đó, cả hai phải được triển khai đồng bộ”, bà Vân nhấn mạnh.
Để đổi mới mô hình tăng trưởng, Việt Nam cần tái cơ cấu mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực và các thành phần kinh tế, thúc đẩy những ngành có giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ tiên tiến, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cơ cấu lại nền kinh tế cũng đòi hỏi phải nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế với các cú sốc bên ngoài.
Theo bà Vân, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia có mức độ thành công cao trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng đều có chính sách tài chính đóng vai trò kiến tạo phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và dẫn dắt cơ cấu lại nền kinh tế một cách chủ động. Kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và các khuyến nghị từ các tổ chức tài chính quốc tế chỉ ra hướng đi phù hợp cho Việt Nam nhằm hoàn thiện khung chính sách tài chính, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, minh bạch và hiệu quả.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào lao động giá rẻ và công nghiệp lắp ráp sang một nền kinh tế tri thức và công nghệ cao. Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện tái cấu trúc đầu tư công theo hướng ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển (R&D), hạ tầng công nghệ và giáo dục, góp phần đạt được thành tựu ấn tượng này. Tỷ lệ chi ngân sách cho R&D của Hàn Quốc thường xuyên duy trì ở mức cao, đạt khoảng 4,8% GDP (năm 2022) - mức cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chính phủ cũng thiết lập quỹ tăng trưởng sáng tạo với sự tham gia góp vốn từ cả Nhà nước và khu vực tư nhân, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ non trẻ, đổi mới sáng tạo và các startup.
“Hay với mô hình của Trung Quốc, họ đã có quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng sâu rộng, từ dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang mô hình dựa trên tiêu dùng nội địa, đổi mới công nghệ và phát triển xanh”, Tiến sĩ Thùy Vân chia sẻ. Một trong những điểm nổi bật trong khung chính sách tài chính của Trung Quốc là hệ thống ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính phủ Trung Quốc áp dụng thuế suất ưu đãi 15% cho các doanh nghiệp công nghệ cao, thấp hơn so mức thông thường 25%, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2-3 năm đầu thành lập cho startup công nghệ, cũng như chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho hoạt động R&D.