Khơi mở động lực liên vùng Gia Lai mới

Từ ngày 1/7, trên cơ sở sáp nhập Gia Lai và Bình Định, một thực thể mới mang tên Gia Lai đã xuất hiện trên bản đồ cả nước. Không chỉ mở rộng không gian phát triển, sự sáp nhập này còn khơi dậy tiềm năng liên kết vùng chưa từng có: từ Biển Đông đến biên giới Tây Nguyên.

Tỉnh Gia Lai mới có nhiều dư địa để mở ra cực tăng trưởng mới.
Tỉnh Gia Lai mới có nhiều dư địa để mở ra cực tăng trưởng mới.

Thế mạnh địa lý giao thoa

Gia Lai mới sở hữu diện tích hơn 21.500 km², nằm trong nhóm địa phương lớn nhất cả nước với dân số gần 3,5 triệu người. Điều đặc biệt là tỉnh có cả đường bờ biển dài hơn 130 km lẫn vùng cao nguyên rộng lớn giáp biên giới quốc gia.

Nằm ở vị trí chiến lược trên trục bắc-nam và hành lang kinh tế đông-tây, tỉnh còn là cửa ngõ gần nhất ra Biển Đông của Tây Nguyên và các khu vực tam giác phát triển như: Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan. Nói cách khác, Gia Lai mới hội đủ cả khả năng kết nối chiều sâu lục địa lẫn khả năng mở ra đại dương. Mô hình phát triển “hai cực, một trung tâm” dần hình thành với phường Quy Nhơn là đầu não hành chính-kinh tế, điều phối liên vùng được kỳ vọng sẽ là hạt nhân quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và phát triển vùng. Đặc biệt, khi tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku được khởi công trong năm nay, khoảng cách vận tải sẽ rút ngắn, thời gian giao thương được tính lại theo đơn vị giờ. Do vậy, việc sáp nhập không đơn thuần ghép hai địa phương mà là cuộc tái cấu trúc chiến lược, hướng tới mô hình tỉnh đa vùng, đa trục, đa động lực.

Một trong những điểm đáng chú ý là hạ tầng giao thông của tỉnh Gia Lai mới khá đa dạng khi có cả đường bộ, đường không, đường biển và đường sắt. Đối với hàng không, tỉnh đang hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay Cảng hàng không Phù Cát, dự kiến khởi công vào cuối quý III/2025. Dự án này nhằm nâng cấp hạ tầng để đón các loại máy bay thân rộng như Boeing 747 và Airbus A321, từng bước đưa Phù Cát trở thành sân bay quốc tế. Trong lĩnh vực cảng biển, đang triển khai xây dựng cảng Phù Mỹ trở thành cảng biển chính của tỉnh với độ sâu trên 22 m, không bị bồi lắng, có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 150 nghìn tấn, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Song song đó, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các bến cảng thuộc các khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa… tạo nên mạng lưới vận chuyển đa tầng, đủ sức phục vụ công nghiệp, du lịch, logistics và kết nối quốc tế. Đáng chú ý, tỉnh đang phát triển hạ tầng số đồng bộ, tận dụng lợi thế là điểm cập bờ của nhiều tuyến cáp quang biển quốc tế. Đây sẽ là “lõi mạng số” của miền trung-Tây Nguyên, phục vụ các ứng dụng từ AI đến dữ liệu lớn (Big Data) và công nghiệp bán dẫn.

Xác định tiềm năng, chiến lược

Hiện, Gia Lai mới đang tái thiết lập lại không gian kinh tế với 3 trục chính: Vùng duyên hải (Bình Định trước đây): trung tâm du lịch, đô thị thông minh, dịch vụ cảng biển, khoa học-công nghệ. Vùng cao nguyên (Gia Lai cũ): phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp sinh học, văn hóa bản địa. Trung tâm hành chính kết nối: phường Quy Nhơn giữ vai trò điều phối, tích hợp chính sách và dẫn dắt chiến lược. Thay vì đồng hóa, mô hình này phát triển đa vùng, bảo đảm bản sắc riêng của từng khu vực nhưng liên thông và bổ trợ lẫn nhau, tạo ra hành lang phát triển có chiều sâu.

Không chỉ tạo điều kiện về hạ tầng, tỉnh Gia Lai mới còn cho thấy năng lực hành chính phục vụ rõ nét khi thủ tục đầu tư rút ngắn xuống 118 ngày, với các dự án trong khu công nghiệp chỉ còn 60 ngày. Tỉnh cũng chuẩn bị 20-30 ha đất sạch mỗi năm với khung giá thuê cạnh tranh (25-60 USD/m²/50 năm) để thu hút đầu tư. Với các chính sách tiếp cận nhà đầu tư minh bạch, số hóa thủ tục và vận hành chính quyền hai cấp theo mô hình tinh gọn, các dự án FDI bắt đầu đổ về với nhóm ngành công nghệ cao, du lịch sinh thái, dịch vụ giáo dục, y tế quốc tế… Điều này cho thấy Gia Lai mới không chỉ hấp dẫn về địa lý, mà còn về khả năng quản trị và tiềm lực thực tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn cho biết, song song công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, tỉnh đã triển khai chính sách ưu đãi, cải cách hành chính, rút ngắn quy trình, thủ tục trong hầu hết các giai đoạn đầu tư. Qua đó tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi và tập trung đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối với phương châm “đi trước một bước” đã giúp tỉnh dần khẳng định vị thế là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp triển khai dự án thành công và phát triển bền vững. Với quan điểm nhất quán là không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, tỉnh hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này không chỉ thể hiện qua chính sách ưu đãi hấp dẫn, mà còn ở hệ thống hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng và sự đồng hành chặt chẽ của chính quyền tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

LƯƠNG TÙNG