Hiện đang giảng dạy tại Khoa Nghệ thuật của trường, anh cho biết, mới khai trương Phòng Trưng bày Sáng tác chỉ riêng cho sinh viên Khoa Nghệ thuật. Đây là một địa chỉ “hiếm có”, nếu so sánh với các trường nghệ thuật trên cả nước hiện nay.
Phóng viên (PV): Nha Trang là điểm du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Điều này có xúc tác gì cho việc đào tạo và hoạt động nghệ thuật mà các thầy trò đang theo đuổi?
Họa sĩ Đinh Thanh Hải: Có một niềm tự hào “ngầm” của giảng viên Khoa Nghệ thuật chúng tôi. Gần như toàn bộ sinh viên Khoa Nghệ thuật sau khi tốt nghiệp đều sớm vững hoạt động nghề nghiệp bằng chính các chuyên môn các em được học. Một số rất ít không theo được nghề vì lý do gia đình. Một số các bạn trẻ vừa tốt nghiệp, là được nhận chính thức ngay tại các công ty quảng cáo, thiết kế, in ấn, mà nhiều bạn trong số này đã tham gia làm thêm ngay từ lúc còn là sinh viên. Một số bạn khác tham gia giảng dạy hoặc mở trung tâm dạy vẽ cho các em thiếu nhi. Nhưng đa phần vẫn là tham gia các công việc chuyên về thiết kế có tính thẩm mỹ là căn bản…
PV: Ở các trường nghệ thuật lớn trên cả nước, đều có phòng trưng bày - triển lãm - biểu diễn; nhưng là chung cho giảng viên, sinh viên, cả nghệ sĩ khách mời hoặc cho thuê… Xin anh cho biết, từ đâu mà ở trường lại mở phòng triển lãm chỉ riêng cho các em sinh viên?
Họa sĩ Đinh Thanh Hải: Nếu nói đến việc hiện thực cụ thể, thì tôi lại phải xin phép “tự hào ngầm” bởi đây là ý tưởng của cá nhân tôi. Nhưng sâu xa cội nguồn ra đời, thì đó là việc thông qua các chủ trương “khuyến khích tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên toàn trường” mà Đảng ủy; Hội đồng lãnh đạo nhà trường và Khoa Nghệ thuật cũng như được các phòng, ban khác hoàn toàn ủng hộ. Đây là một trong những điểm mới của trường chúng tôi trong năm học 2024-2025. Chúng tôi mong muốn các em sinh viên ngoài học thì còn có không gian trưng bày, giới thiệu các tác phẩm tươi mới ra công chúng ngay khi vẫn đang là sinh viên. Để từ đó sẽ có cái nhìn thực tế về hiệu quả các sản phẩm do chính các em làm ra thông qua các hoạt động trưng bày, trao đổi, workshop, triển lãm… Để rồi chính các em sẽ tự giác phấn đấu, thay đổi tốt hơn nữa sau khi đã “trải nghiệm cất cánh” trên một “đường băng riêng an toàn”. Họ đang trẻ, rất cần như thế…

PV: Đến nay, đã hơn hai tuần khai trương, lượng khách tham quan ra sao, thưa anh?
Họa sĩ Đinh Thanh Hải: Cũng phải hơi khiêm tốn một chút, là phòng trưng bày hướng trực tiếp ra bãi biển, chia làm hai ngăn, diện tích tổng thể chưa lớn, mới khoảng 50 m2. Tên đầy đủ trên giấy tờ là: Phòng thực hành nghiệp vụ Khoa Nghệ thuật (trưng bày sản phẩm mỹ thuật) bao gồm các sản phẩm: Tranh giá vẽ (sơn dầu, sơn mài, acrylic, bột mầu, mầu nước…); Tranh đồ họa (khắc gỗ, thạch cao, cao su, in lưới). Và các sản phẩm thủ công, handmade, đồ lưu niệm của địa phương Khánh Hòa với chủ đề: Yêu biển, cùng đặc trưng văn hóa các vùng miền của Việt Nam.
Thú vị là chỉ mới hơn hai tuần hoạt động, nhưng nơi này đón khá nhiều du khách ghé thăm. Nhiều du khách Nga và Hàn Quốc. Tuy nhiên lượng khách Việt Nam chưa nhiều, có thể do địa điểm còn mới, công tác truyền thông chưa được quan tâm… Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện!
PV: Dự định của các giảng viên tổ chức là sẽ quản lý và duy trì phòng trưng bày này cho đến bao giờ?
Họa sĩ Đinh Thanh Hải: Ngay từ khi có chủ trương thành lập nơi đây, Ban Giám hiệu và Ban Chủ nhiệm Khoa đã xác định: Đây là không gian hoạt động dành cho đối tượng chính là sinh viên. Do đó, mọi hoạt động quản lý và thực hiện là do các em sinh viên tự thảo luận, lên kế hoạch. Khoa và các giảng viên chỉ có trách nhiệm hỗ trợ khi các em cần. Ngoài ra là việc kiểm tra và định hướng các hoạt động diễn ra tại đây, cũng như bảo đảm các điều kiện an ninh xã hội và an toàn chống hỏa hoạn… Khoa Nghệ thuật mong muốn sẽ duy trì đến bao giờ Ban Giám hiệu của trường có nhu cầu chủ trương sử dụng địa chỉ này vào việc khác. Tuy nhiên, hiện nay thì hoạt động của Khoa chúng tôi đang được ủng hộ và quan tâm “hết cỡ” về cơ sở vật chất và điều kiện thực hành như trên…
PV: Xin cảm ơn anh!