Hiệu quả vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Tại tỉnh Bắc Ninh, quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã thể hiện tinh thần quyết liệt, đồng bộ, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Đây là bước ngoặt quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thúc đẩy tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Ninh vận hành thông suốt sau sáp nhập tỉnh.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Ninh vận hành thông suốt sau sáp nhập tỉnh.

Quyết liệt và đồng bộ

Từ những ngày đầu, theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã tổ chức công bố các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và thành lập đảng bộ tỉnh, kiện toàn nhân sự lãnh đạo để bộ máy chính quyền chính thức vận hành từ ngày 1/7/2025. Kết quả, hiện tỉnh còn 99 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 214 đơn vị), còn 15 sở và cơ quan tương đương (giảm 15 sở), giảm 123 phòng và 2 chi cục, cùng với đó tinh gọn 184 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Vũ Mạnh Hùng chia sẻ: “Tỉnh đã ban hành xong các nghị quyết, quyết định bổ nhiệm, chỉ định cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền, bảo đảm ổn định tổ chức, hoạt động từ ngày 1/7/2025. Các cơ quan, đơn vị đã phân công nhiệm vụ lãnh đạo, cán bộ, công chức để thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu hợp nhất, sáp nhập”. Với tổng số 2.685 cán bộ, công chức cấp tỉnh và 12.581 viên chức, Bắc Ninh đã bố trí chỗ làm việc, trang thiết bị đầy đủ, bảo đảm hoạt động bình thường của đội ngũ, nhất là tại các trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp xã, phường.

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, đúng tiến độ theo yêu cầu của Trung ương. Các đoàn kiểm tra do lãnh đạo tỉnh đứng đầu đã xuống cơ sở động viên, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đáng chú ý, tỉnh chú trọng phân cấp, phân quyền rõ ràng và triển khai 17 hệ thống phần mềm dùng chung vận hành ổn định, đồng bộ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đánh giá: Sau sáp nhập tỉnh, việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đã mang lại kết quả tích cực, kỳ vọng tạo động lực mới. Tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến, từ thực hiện nghĩa vụ hành chính sang phục vụ nhân dân. Các cơ quan, đơn vị đã khẩn trương bắt tay vào công việc, phát huy tốt cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực, không để xảy ra khoảng trống hay độ trễ công việc. Hệ thống thủ tục hành chính công bước đầu vận hành ổn định, dù còn gặp một số lỗi kỹ thuật nhưng được xử lý kịp thời.

1-vuot-kho-van-hanh-chinh-quyen-hai-cap-o-bac-ninh-2.jpg
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Ninh vận hành thông suốt sau sáp nhập tỉnh.

Tinh gọn và đoàn kết

Trong bức tranh chung của Bắc Ninh, một số địa phương, đơn vị đã nổi lên như những điểm sáng tiêu biểu. Sở Tài chính tỉnh đã giảm 10 đầu mối, bố trí công tác ổn định cho đội ngũ cán bộ với tinh thần “rõ người, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm”. Đồng chí Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Nhiều đảng viên đã sẵn sàng “rút lui” khỏi chức vụ, hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự phát triển chung. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Sở Tài chính nhanh chóng ổn định tổ chức, bảo đảm các hệ điều hành tác nghiệp dùng chung vận hành thông suốt, đồng bộ, không để gián đoạn thông tin dữ liệu.

Phường Kinh Bắc, với dân số 84.000 người trong đó có 1.500 hộ kinh doanh cùng khoảng 200 doanh nghiệp, hướng tới trở thành cực phát triển về dịch vụ, thương mại, giáo dục, y tế, vận tải và du lịch. Sau sáp nhập, phường tận dụng cơ sở vật chất hiện đại của Trung tâm hành chính công cũ của thành phố có đầy đủ trang thiết bị để phục vụ người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Kinh Bắc Nguyễn Mạnh Hiếu chia sẻ: Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường tiếp nhận trung bình hơn 100 hồ sơ thủ tục hành chính mỗi ngày, chủ yếu liên quan đến chứng thực, hộ tịch, tư pháp. Các hồ sơ cơ bản được giải quyết ngay, riêng lĩnh vực đất đai còn một số vướng mắc thì người dân đã được cán bộ hướng dẫn để hoàn thiện.

Đáng chú ý, số lượng hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh tăng đột biến từ 10-15 hồ sơ mỗi ngày, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh tại địa phương. Phường Kinh Bắc đã thành lập đội thanh niên hỗ trợ làm thủ tục trực tuyến, đồng thời cho phép xử lý trực tiếp các hồ sơ gấp như giấy chứng tử trước khi nhập liệu vào hệ thống; lập nhóm Zalo kết nối với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để nhận hỗ trợ kỹ thuật kịp thời. Tuy nhiên, phường Kinh Bắc cũng đang đối mặt với thách thức trong việc thống nhất cách làm việc giữa các cán bộ từ tỉnh, huyện và xã chuyển về.

Xã Tây Yên Tử là xã miền núi vùng xa được thành lập từ xã Thanh Luận và thị trấn Tây Yên Tử, có diện tích 13.264ha và dân số 10.612 người, trong đó 30,4% là dân tộc thiểu số. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Ủy ban nhân dân xã đã tổ chức phiên họp thứ nhất, tập trung vào quy chế làm việc, thành lập các cơ quan chuyên môn và kiện toàn bộ máy nhân sự. Phó Chủ tịch xã Tây Yên Tử Nguyễn Văn An cho biết: “Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo tập trung cao cho công tác nhân sự, ổn định tổ chức bộ máy ngay sau khi xã mới vận hành. Chúng tôi cũng rà soát, đánh giá kết quả kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm dựa trên số liệu của hai đơn vị hành chính trước sáp nhập, đồng thời xây dựng kế hoạch cho 6 tháng cuối năm 2025”.

Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Việt Oanh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn hoạt động của bộ máy chính quyền xã, phường, nhất là tại vùng sâu, vùng xa để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Đồng thời, tỉnh cần rà soát, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật liên quan chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Tập trung gỡ điểm nghẽn

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, quá trình vận hành chính quyền 2 cấp tại Bắc Ninh vẫn còn những bất cập. Hệ thống phần mềm quản lý hộ tịch điện tử và Cổng Dịch vụ công quốc gia đôi lúc quá tải, gây chậm trễ trong xử lý hồ sơ. Một số địa phương chưa được cấp chứng thư số hoặc tài khoản ngân hàng, ảnh hưởng việc ký số và thanh toán trực tuyến.

Để khắc phục, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã phối hợp Viễn thông Bắc Ninh hỗ trợ kỹ thuật tại tất cả các trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, phường. Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Ngọc Nam cho biết: “Chúng tôi cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn chi tiết để tháo gỡ khó khăn liên quan hệ thống phần mềm, tài khoản VNeID, dịch vụ công liên thông, đồng thời rà soát nhu cầu trang thiết bị, và làm việc với Sở Tài chính để phân bổ kinh phí mua sắm đồng bộ trang thiết bị cho các xã, phường”.

Ngoài ra, tỉnh đã công bố hơn 2.000 thủ tục hành chính, tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tập huấn cho cán bộ và ban hành văn bản hướng dẫn 40 nhiệm vụ cần triển khai. Các hệ thống công nghệ thông tin dùng chung được nâng cấp theo hướng phi địa giới hành chính, vận hành thông suốt.

Dù tập trung sắp xếp bộ máy, 6 tháng đầu năm tỉnh Bắc Ninh vẫn thu ngân sách hơn 41.000 tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán. Toàn tỉnh đã thu hút được khoảng hơn 12.036,2 triệu USD vốn đầu tư quy đổi. Tính riêng thu hút FDI, Bắc Ninh đứng thứ hai toàn quốc chỉ sau thành phố Hà Nội. Các động lực tăng trưởng như công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch đều tăng tốc, môi trường đầu tư được cải thiện nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại.

ĐẶNG GIANG