27 tuyến metro sẽ hình thành
Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương rà soát lại toàn bộ quy hoạch đường sắt đô thị theo mô hình mới sau sáp nhập, bao gồm xác định lại vị trí nhà ga, depot, quy hoạch không gian ngầm và định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm). Theo quy hoạch hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh mới có 27 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 940 km. Trong đó, thành phố đang triển khai đồng loạt 7 tuyến metro dài khoảng 355 km theo Nghị quyết 188 của Quốc hội, dự kiến hoàn thành vào năm 2035.
Đáng chú ý, hai tuyến quan trọng gồm Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến metro kết nối từ trung tâm thành phố đến huyện Cần Giờ cũng đang được thúc đẩy triển khai theo hình thức xã hội hóa, kêu gọi vốn tư nhân tham gia đầu tư.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho 9 tuyến metro và đường sắt đô thị hiện ước tính hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được kỳ vọng sẽ trở thành “trục xương sống” kết nối hai sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Long Thành, còn tuyến metro kết nối từ trung tâm thành phố đến huyện Cần Giờ sẽ hướng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển “siêu đô thị” hướng biển cùng với Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được hình thành trong tương lai không xa.
Hiện tại, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã vận hành hơn 6 tháng và ghi nhận hơn 10 triệu lượt hành khách, vượt xa kỳ vọng ban đầu. Tiếp nối thành công này, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang được khẩn trương hoàn thiện thủ tục để có thể khởi công vào cuối năm 2025.
Về công tác chuẩn bị đầu tư 7 tuyến đường sắt đô thị theo Nghị quyết 188, Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) Phan Công Bằng cho biết, dự kiến năm 2026 sẽ tuyển chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED). Năm 2027, trình thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED), lựa chọn nhà thầu thi công.

Đột phá nhờ cơ chế
Nói về quy hoạch mạng lưới metro, PGS, TS, Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, gần 1.000 km metro là con số rất ấn tượng cho quá trình phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, đồng bộ và kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển mọi mặt của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. “Với các cơ chế đặc thù, đặc biệt từ Nghị quyết 98 và Nghị quyết 188, Thành phố Hồ Chí Minh có thể huy động được nguồn vốn từ nhiều nguồn. Các cơ chế mới cho phép xây dựng hệ thống metro nhanh chóng, theo đúng tiến độ đề ra”, PGS, TS Nguyễn Bá Hoàng tin tưởng.
Còn theo TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh với quy hoạch hệ thống metro đồ sộ như trên, cộng với cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt sẽ là nền tảng để nước ta phát triển ngành công nghiệp metro, đưa chúng ta làm chủ công nghệ làm các tuyến metro từ sản xuất thiết bị, xây dựng, lắp ráp, vận hành. Đặc biệt, các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 và Nghị quyết 188 sẽ tiếp tục được áp dụng cho toàn bộ khu vực mở rộng. Nhờ đó, thành phố có thể bỏ qua bước lập chủ trương đầu tư mà tiến hành ngay lập dự án nếu đã có vốn.
Về định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD, TS, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất quy hoạch TOD và metro nên thực hiện đồng thời, tận dụng quỹ đất mới thay vì bám theo trục dân cư cũ có chi phí giải phóng mặt bằng cao. Có thể nói, hệ thống metro sẽ là “trái tim” trong quá trình phát triển đột phá hạ tầng giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập.
Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, thành phố sẽ huy động nhiều nguồn vốn, trong đó có ngân sách địa phương, khai thác quỹ đất, tín dụng, trái phiếu, ngân sách Trung ương hỗ trợ và hợp tác công tư. Trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật liên quan, kể cả quy hoạch không gian ngầm.
Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Trường Hải (Thaco) vừa đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép doanh nghiệp được nghiên cứu đầu tư tuyến metro số 2 (Tham Lương - Bến Thành và Bến Thành - Thủ Thiêm) và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Nếu được nghiên cứu tích hợp, tuyến thống nhất Bến Thành - Thủ Thiêm - sân bay Long Thành sẽ có tổng chiều dài gần 48 km, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,8 tỷ USD.