Vậy là, dù nhiều băn khoăn, dù nhiều ý nguyện hãy chậm lại, giãn lộ trình này đã được đưa ra với nhiều lý do dựa trên quyền lợi nhiều phía - nhất là giới lao động bình dân, với thực tế chưa đầy đủ các điều kiện hạ tầng, kỹ thuật…, nhưng mốc thời gian cho việc cấm xe máy chạy xăng đã được xác định trước mặt: ngày 1/7/2026.
Sau đó theo độ lùi thời gian, thì từ ngày 1/1/2028, sẽ áp dụng với xe mô-tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô-tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; và từ năm 2030 sẽ thực hiện với các phương tiện trên trong đường Vành đai 3.
Vấn đề tiếp theo là sự chuẩn bị cho lộ trình đó, trước mắt là vấn đề của xe máy chạy xăng. Nói gì thì nói, với việc tuân thủ chỉ thị, mệnh lệnh, yêu cầu mang tính pháp lệnh của các cấp lãnh đạo đất nước, địa phương, thì người dân nói chung đều chấp hành. Như việc cấm pháo ngày xưa, hay việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm, và gần đây là “đã uống rượu bia thì không lái xe”… Nhưng để hỗ trợ cho tiến trình “không xăng” này, thì Nhà nước, địa phương cần chung tay vào với người dân nhiều lắm.
Với lượng người lao động rất lớn đổ vào nội đô làm việc mỗi ngày, sử dụng xe máy chạy xăng, cần nghiên cứu việc hỗ trợ mua, đổi xe chạy điện sao cho “dễ thở”, đa hình thức. Như đổi xe xăng - xe điện hoặc mua với giá ưu đãi, có hình thức trả góp phù hợp thu nhập và mức sống. Như đa dạng hóa nguồn cung xe điện để người lao động bình dân có nhiều chọn lựa phù hợp túi tiền, nhu cầu đi lại. Qua đó cũng thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp, điều này cũng có lợi hơn cho người tiêu dùng.
Và rộng hơn vấn đề phương tiện cá nhân là việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi làm, đi học, di chuyển vào-ra nội đô. Đây cũng chính là mục tiêu mà các nhà lãnh đạo, quản lý muốn khuyến khích, tạo thói quen sử dụng cho người dân. Nhưng một năm nữa, xe bus chạy điện, đường sắt trên cao có bảo đảm đáp ứng được nhu cầu đi lại của lượng cư dân khổng lồ hay không và ở mức độ nào, thì rất cần câu trả lời sớm từ các cơ quan chức năng hay doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ. Và câu trả lời này, có lẽ không nên chỉ dừng ở định hướng, dự kiến theo khả năng, mà cũng cần trở thành ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ. Đó là việc cấp bách của các cấp lãnh đạo địa phương trong việc bảo đảm đi lại cho người dân, vận hành đời sống bình thường phải thay đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới.
Vậy thì, có lẽ không nên chần chừ nữa, cần đặt ra ngay các câu hỏi về hạ tầng đường sắt trên cao, về năng lực phục vụ của các tuyến xe bus cho cộng đồng, về cam kết của các doanh nghiệp trong việc giúp cho người dân được thuận lợi khi chuyển sang dùng xe điện, về những phương án cụ thể của lãnh đạo thành phố và các phường, xã… Để những câu trả lời cũng có thể vạch ra lộ trình đáp ứng, góp phần ổn định tâm lý, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu người dân và rất quan trọng là giúp người dân vững tin, tự giác thực hiện định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Hãy cùng lo với người lao động!