Hà Nội có gì cho tôi mua!?

Hơn nghìn năm tuổi, Hà Nội hầu như bao giờ cũng là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của Việt Nam. Thế nhưng, nơi đây cũng thường được gọi là Kẻ Chợ.

Bản sắc Kẻ Chợ hiển hiện ở từng ngõ phố Thăng Long - Hà Nội.
Bản sắc Kẻ Chợ hiển hiện ở từng ngõ phố Thăng Long - Hà Nội.

Định danh này tạo nên một câu chuyện riêng về Thăng Long-Hà Nội, mảnh đất nằm giữa hai con sông, là trung tâm hợp lưu của tứ trấn Nam - Bắc - Đông - Đoài (tức là phía tây). Đây là những yếu tố thuận lợi về mặt địa lý để tạo nên trung tâm giao thương, hội họp chợ búa, buôn bán sầm uất.

36 phố phường là 36 ngành nghề sản xuất, buôn bán khác nhau, cộng thêm những làng nghề truyền thống ở vùng ven đô thị, tạo nên một cái chợ khổng lồ và một nền tảng mậu dịch đa dạng, phong phú, rộng khắp, được tiếp biến qua hơn một thiên niên kỷ.

Có thể nói, nhịp thở của Hà Nội là nhịp thở của chợ, mang căn tính của những người tham gia hoặc sống nhờ hoạt động quanh những khu chợ. Căn tính đó có sự tần tảo, cần mẫn, nhanh nhẹn, tháo vát, sành sỏi, tinh tế nhưng cũng không thiếu nét láu lỉnh, chao chát.

Từ sớm tinh mơ, trên đường phố Hà Nội đã ríu rít tiếng rao hàng, thứ thanh âm đánh thức những kẻ thị dân khỏi cơn ngái ngủ. Hà Nội đẹp một cách quyến rũ vào những thời khắc tảng sáng này. Những con phố dài khi thì cong cong như lồng ngực thiếu nữ, khi lại thẳng tắp “hành đại lộ” rợp bóng cây xanh, ẩn hiện những mảnh ngói nâu, những bức tường vàng loang lổ rêu phong.

Trên vỉa hè mảnh hẹp nhưng sạch sẽ, những quầng khói hư ảo bất chợt bay ra, bất chợt tan biến. Đó là khói của những thúng xôi, của thùng nước phở, của nồi tráng bánh cuốn và hàng chục thức điểm tâm nóng hổi khác chuẩn bị sẵn sàng phục vụ khách hàng của mình, bất kể quen thuộc hay vãng lai.

Người Việt có câu “dân dĩ thực vi tiên”, có nghĩa: Người dân lấy chuyện miếng ăn là ưu tiên số một. Vậy nên, nhịp thở đô thị khởi đi bằng một bát phở nóng hổi, một đĩa bánh cuốn mượt mà hay chiếc bánh mì kẹp pa-tê giòn rụm cũng chẳng có gì khó hiểu.

Những làn khói ban sớm mới là sự báo hiệu. Nó khơi mở cho rất nhiều hoạt động chợ búa khác. Trên đường, bắt đầu xuất hiện những chiếc xe đạp lỉnh kỉnh thúng sọt, chất đầy hoa tươi, trái cây, thực phẩm sống chín, cần mẫn len lỏi từng ngõ nhỏ, phố nhỏ để bán hàng từ mờ sáng đến sẩm tối.

Theo dịch chuyển của bóng nắng, cái chợ Hà Nội lại bán những món ăn uống ngon lành khác nhau. Có đến cả trăm món ăn được bán trên vỉa hè Hà Nội đã tạo thành một hệ thống ẩm thực đường phố có sức quyến rũ không chỉ với thị dân chốn này, mà còn với du khách.

Còn gì tuyệt vời khi được ngồi duỗi chân trên vỉa hè phố cổ, khoái trá ngắm ánh hoàng hôn đang chìm dần trong cốc bia hơi sủi bọt, uống ngụm nào mát lạnh ngụm đó, mặc cho cái nóng vẫn bốc lên hầm hập. Tiếng người, xe huyên náo chung quanh càng khiến cho trải nghiệm bia hơi Hà Nội thêm thi vị khó quên.

Tất cả tạo nên những cái chợ di động, cung cấp hàng hóa đến tận cửa nhà người mua, tạo nên những mối quan hệ chợ búa rất mật thiết. Cái nếp “Kẻ Chợ” đó rất dày dặn, và không thể thất truyền.

Dù đô thị Hà Nội ở giai đoạn lịch sử nào, những gánh gánh gồng gồng đó vẫn nhấp nhô trên vai những người phụ nữ chạy chợ đất này, thoăn thoắt dạo qua từng con phố, đôi khi dừng lại ở một đầu ngõ quen để gọi khách ra mua rươi, mua cốm, mùa nào thức ấy, một năm chỉ nghỉ đôi ba ngày.

“Hà Nội là một cái chợ lớn”, nhiều người thường đùa như vậy. Cũng chả sai, bởi mỗi vỉa hè, mỗi căn nhà mặt phố đều có công năng mua bán của chợ búa. Sự hấp dẫn của Hà Nội chính là điều đó, chứ không chỉ bởi viện bảo tàng, nhà hát, danh lam thắng cảnh. Bởi vậy, hôm nay, Hà Nội có gì cho tôi mua!?

img-20250707-183812.jpg
Nhịp thở Hà Nội là nhịp thở của những khu chợ.
Hải An