Người trực tiếp chế tạo nhiều nhạc cụ góp phần làm nên tâm hồn và bản sắc của nhóm Đàn Đó là nghệ sĩ Nguyễn Quang Sự, vốn xuất thân từ một nghệ sĩ xiếc. Anh trò chuyện cùng chúng tôi về quá trình sáng chế những chiếc đàn thật độc đáo từ tre, đồ gốm, cũng như hành trình hơn 10 năm bền bỉ sáng tạo của nhóm Đàn Đó.
Sức mạnh của Đàn Đó chính là sự gắn kết tập thể
- Trước tiên, xin chúc mừng nhóm Đàn Đó với hai đêm diễn ra mắt GOm Show vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ khán giả.
- Vâng. Chúng tôi rất vui khi nhận được nhiều phản hồi tốt. Khán giả trong nước và quốc tế thích chương trình ở sự khác biệt, mới lạ, thanh âm lôi cuốn. Nhiều nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc dân tộc hay phương tây cũng ngạc nhiên và bất ngờ với những nhạc cụ được sử dụng trong chương trình.
- Cái tên GOm Show có hàm nghĩa gì ngoài gợi ý chỉ “gốm” được viết theo lối tiếng Anh không có dấu thanh như tiếng Việt, thưa anh?
- “GOm” có ý nghĩa là “gốm”, như chị nói, mà cũng có nghĩa là “gom”- theo nghĩa tiếng Việt thông thường. Chúng tôi muốn gom thêm nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng hơn nữa, cũng như gom các nhạc cụ mới mẻ, gom nhạc cụ bản địa, gom âm thanh đem lại giá trị cho mọi người, gom người yêu văn hóa dân tộc (cười).
- Một trong những điều làm nên bản sắc và thành công như ngày hôm nay của nhóm Đàn Đó chính là các nhạc cụ tự sáng chế. Làm thế nào mà anh, một nghệ sĩ xiếc chưa từng học qua âm nhạc, lại trở thành một nhạc công chơi được nhiều nhạc cụ và đặc biệt là sáng chế ra nhiều cây đàn từ chất liệu tự nhiên độc đáo như vậy?
- Đó thật sự là bước ngoặt của cuộc đời tôi. Nó bắt đầu từ việc tôi tham gia chương trình nghệ thuật xiếc Làng tôi. Trong chương trình, có một trích đoạn mà các diễn viên xiếc phải biểu diễn với quả mõ, vừa tung hứng như một đạo cụ xiếc, vừa biểu diễn với nó như với một nhạc cụ, tạo nên các thanh âm giàu tiết tấu. Đây là lần đầu tiên tôi “chơi” nhạc.
Sau khi kết thúc ba năm lưu diễn chương trình xiếc Làng tôi ở châu Âu, tôi và một số nghệ sĩ xiếc, nhạc công trong đoàn lập nhóm bắt đầu xây dựng lối đi riêng. Chúng tôi nghiên cứu về tre để sáng tạo nhạc cụ biểu diễn.
Sau hai năm, chúng tôi đã chế tác được cây đàn đầu tiên, đặt tên đàn Đó bởi hình thù giống chiếc đó bắt cá. Chiếc đàn không có dây kim loại để tạo âm thanh mà hoàn toàn được tạo nên từ tre. Ban đầu định chơi bằng dùi, nhưng chúng tôi phát hiện ra nếu chơi đàn đó bằng tay thì thanh âm bay hơn. Từ đấy, anh em chúng tôi mới tập kỹ năng cảm nhận tiết tấu, cũng hoàn toàn tự học truyền miệng với nhau. Cứ thế, vừa làm nhạc cụ, vừa tập nhạc, âm nhạc ngấm vào chúng tôi theo thời gian.
Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy một số vùng ở châu Á đều có nhạc cụ được làm từ thân của một số cây thuộc họ tre trúc chứ không dùng dây kim loại. Việt Nam mình có cây đàn chapi của người Raglai Ninh Thuận (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa) làm theo cách này. Sau này chúng tôi biết thêm, ở nước ta, còn có cây đàn Coọng Linh cũng làm từ thân cây trong họ tre trúc. Âm thanh của cây đàn Coọng Linh giống tiếng cồng chiêng bằng kim loại.
- Mất không ít thời gian để nghiên cứu và thể nghiệm các nhạc cụ mới nhưng các anh vẫn gọi đó là “nghịch”, là “chơi”…
- Đúng như vậy mà (cười).
Hồi đó, chúng tôi còn đặt xưởng ở ngoại ô Hà Nội. Xưởng rộng nên chúng tôi mua thêm một chiếc chum sành để đựng thóc làm thức ăn nuôi gà. Lại có sẵn mấy dây săm xe máy. Khi ấy, nhóm vừa chế tác được chiếc đàn Đó nhưng vẫn còn thiếu dải âm trầm. Mọi thứ như xui khiến bày ra trước mắt để chiếc trống chum ra đời. Tôi thử đặt chiếc săm xe máy lên miệng chum và gõ, vang lên đúng dải âm siêu trầm và sâu mà chúng tôi cần, rất thú vị.
Phương pháp mà chúng tôi chế tác nhạc cụ là anh em cùng bàn luận, trao đổi đưa ra các ý tưởng về một âm thanh hoặc một nhạc cụ nào đấy. Quan trọng nhất là trực tiếp thực hiện để tìm ra âm thanh thú vị, nhạc cụ thú vị. Tôi là người chịu trách nhiệm chính trong quá trình chế tác này. Trong GOm Show, tôi là người chịu trách nhiệm chế tác nhạc cụ.
Trong các buổi diễn cũng vậy, mỗi người một vai trò để cùng nhau tạo nên sản phẩm chung. Anh Nguyễn Đức Minh có chuyên môn về nhạc đóng vai trò người dẫn dắt, tổ chức nhóm về phần âm nhạc. Anh Đinh Anh Tuấn là người có cái nhìn tổng thể tốt, là người đưa ra ý tưởng, nội dung, câu chuyện… Sự gắn kết tập thể chính là sức mạnh của Đàn Đó.
Sáng tạo bằng tất cả đam mê
- Trò chuyện với anh, thêm cảm nhận sâu sắc rằng Đàn Đó chọn con đường khó khăn để đi?
- Quá khó khăn. Nếu không có tình yêu, đam mê thì Đàn Đó không có ngày hôm nay. Nhóm có nhiều chương trình biểu diễn nhưng phải đến Chuyện của Đó từ cuối năm 2023, nhóm mới có chút thu nhập. Trước đó chúng tôi làm bằng tất cả đam mê và nhờ sự trợ giúp của gia đình.
Nhớ hồi mới bắt đầu, anh em chúng tôi cứ ở lì trong cái xưởng thuê đó và miệt mài hoàn thiện cây đàn Đó, nhiều lúc, cảm tưởng như lạc ra khỏi thế giới này. Tới nay đã có hơn chục chiếc đàn được chúng tôi chế tác từ chất liệu tre và đất (sành, gốm). Bộ gõ đã có đàn Đó, trống chum, trống thanh, trống nước, trống lãng, trống đất, chiêng sành. Bộ dây có thuyền tranh, đàn chuồn, chiêng vè, con tè… Và một số cây đàn đang làm, chưa đặt tên.
- Bằng cách nào nhóm đã thu hút được các bạn trẻ để cùng làm GOm Show?
- Chúng tôi hiểu rằng, cần phải có các bạn trẻ có kỹ năng biểu diễn âm nhạc tốt, được đào tạo bài bản để chơi trong chương trình này cũng như đưa Đàn Đó đi trên đường dài. Vì vậy, chúng tôi muốn xây dựng một nhóm nghệ sĩ biểu diễn mới hoàn toàn.
Còn vì sao Đàn Đó giữ chân được các bạn trẻ tài năng thì là bởi chúng tôi tạo môi trường tự do sáng tạo, không áp đặt. Khi xây dựng chương trình, chúng tôi gần như không có bản nhạc soạn trước. Các bạn tự chơi với nhau, cùng tương tác, trò chuyện với nhau thông qua âm nhạc. Trong quá trình ấy, anh Đức Minh thu gom lại các chất liệu đẹp để xây dựng tác phẩm. Cho nên ở Đàn Đó, các nghệ sĩ phải chơi bằng chính tâm hồn mình chứ không phải chỉ bằng bản nhạc. Nhiều bạn trẻ thích tinh thần làm việc này và gắn bó với nhóm.
- Vậy là mọi sự được bắt đầu từ khi các anh tham gia chương trình xiếc Làng tôi. Anh có thể chia sẻ thêm về những gợi mở từ vở xiếc này trong nhận thức về nghệ thuật, ít nhất là đối với cá nhân anh?
- Chương trình Làng tôi có những hoạt cảnh đậm đà chất liệu văn hóa miền bắc. Điều này đã đưa chúng tôi chạm vào tiềm thức văn hóa xa xưa vẫn luôn âm ỉ chảy trong mình. Khi lưu diễn chương trình này ở nước ngoài, chúng tôi nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả. Nhiều người đã rơi nước mắt khi xem Làng tôi. Chúng tôi như bừng tỉnh, nhận ra văn hóa của đất nước mình quá đa dạng. Chúng tôi thấm thía và càng thêm quý trọng vốn văn hóa của dân tộc mình, tìm cách khai thác vốn văn hóa ấy để góp phần truyền tình yêu văn hóa dân tộc tới khán giả. Chúng tôi tự nhủ, cứ làm hay, làm với tâm trong sáng hướng tới cái đẹp thì khán giả sẽ tìm đến mình.
- Xin cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện!
Nhóm Đàn Đó được thành lập năm 2012. Nhóm đã xây dựng nhiều chương trình, như Chém gió concert; Lời của tre; Đó là ở đâu, Đó là ở đây; Xuyên không (cùng nghệ sĩ saxophone Quyền Thiện Đắc); Chuyện của Đó. Ngày 19/7, GOm Show tiếp tục được giới thiệu tới khán giả tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình được lên kế hoạch trình diễn định kỳ và thường xuyên ở Hà Nội từ tháng 8/2025.

(Ảnh NVCC)