Mảnh đất này nổi tiếng bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp, các thác nước nhiều tầng xanh lục. Nhưng ấn tượng hơn cả là khung cảnh xanh rì một màu mía, uốn lượn theo những con suối, triền đồi, tạo thành thung lũng trồng trọt rộng lớn tới hơn 1.300 ha.
Vào mùa thu hoạch, khắp vùng Phục Hòa rộn ràng tiếng nói cười của các tổ đổi công trên những cánh đồng mía, tạo nên bức tranh nông thôn miền núi đầy sức sống và khí thế lao động. Cây mía đã gắn bó với người dân nơi đây qua nhiều thế hệ, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa bản địa. Nhiều năm gần đây, giá mía tăng giúp thu nhập người dân được cải thiện, chú trọng hơn vào đầu tư, phát triển nông nghiệp cũng như bảo tồn các giá trị làng nghề truyền thống.
Từ những vạt mía đến cánh đồng tiền tỷ
Gia đình ông Nông Văn Sủi, Tổ dân phố 2 (Cốc Khau), xã Phục Hòa, là một trong những hộ đã gắn bó với cây mía từ thời ông bà, bố mẹ. Ông Sủi kể, trước đây giống mía gia đình ông trồng năng suất thấp. Hầu hết mía được dùng để làm đường phên truyền thống, thu nhập không cao, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Đó không chỉ là câu chuyện riêng của gia đình ông Sủi mà còn là nỗi niềm chung của nhiều hộ dân ở Phục Hòa lúc bấy giờ. Mía vốn là cây trồng chủ lực, mang đậm bản sắc địa phương, lại chưa thể đem lại giá trị kinh tế tương xứng.
Bước ngoặt lớn đến với Phục Hòa khi nhà máy mía đường đặt chân về đây, tạo ra một cơ hội kinh tế thật sự so làm nông truyền thống. Gia đình ông Sủi được nhà máy hỗ trợ tạo điều kiện mua giống cây mới với giá rẻ và cho vay phân bón. Nhờ đó, người dân địa phương cũng như gia đình ông trồng được nhiều mía hơn, năng suất tăng. Đặc biệt, đầu ra tiêu thụ sản phẩm được bảo đảm khi nhà máy bao tiêu hết sản phẩm cho người dân. “Làm ra đến đâu thì bán hết đến đó, việc tái sản xuất và nâng cao diện tích trồng mía cũng thuận lợi”, ông Sủi chia sẻ. Sau nhiều nỗ lực, hiện nay gia đình ông đã có gần 1 ha trồng mía, đạt năng suất ấn tượng 92 tấn/ha.
Còn toàn xã Phục Hòa đã hình thành hơn 1.300 ha mía, năng suất trung bình đạt 72 tấn/ha, cho doanh thu hàng tỷ đồng. Đồng chí Đàm Đình Đạo, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Định hướng phát triển vùng mía nguyên liệu của Phục Hòa không chỉ dừng ở việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng mà còn hướng tới thay đổi bền vững thu nhập cho người dân thông qua áp dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng mía. Chúng tôi đang nghiên cứu các giải pháp đa dạng hóa sản phẩm từ mía, tạo ra chuỗi giá trị khép kín, từ đó giúp người dân có thêm nhiều kênh tiêu thụ, ổn định kinh tế lâu dài. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân là chìa khóa để Phục Hòa phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai”.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ chính quyền, doanh nghiệp, điều đáng nói là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng bản địa. Người dân hiện vẫn duy trì truyền thống thành lập các tổ đổi công để giúp nhau trong sản xuất. Các tổ này thành lập từ thời kỳ những hợp tác xã trồng trọt mới ra đời. Người dân hỗ trợ nhau các công đoạn nặng nhọc như đốn chặt, vận chuyển mía. Dựa trên số công bỏ ra, người ta sẽ đổi công lại cho nhau, tạo nên một sự hỗ trợ qua lại bền chặt. Tinh thần hàng xóm láng giềng thể hiện không chỉ trong lao động sản xuất mà còn cả trong những lúc khó khăn như khi có thành viên ốm đau, bệnh tật. Thành công của các tổ đến nay góp phần không nhỏ vào sự phát triển vùng nguyên liệu mía, cũng như tạo nên sợi dây gắn kết chặt chẽ trong cộng đồng. Ông Nông Văn Thuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng cho biết: “Người dân Phục Hòa rất đoàn kết. Chúng tôi cũng trân trọng truyền thống đó bằng cách tham gia các hoạt động hỗ trợ người dân như cung cấp vật liệu sửa chữa đường giao thông nông thôn, thăm hỏi những hộ trong tổ trồng mía khi gặp khó khăn...”.

Phát huy tinh hoa làng nghề
Nỗ lực phát triển bền vững nghề trồng mía, xã Phục Hòa vẫn nhận thức rõ giá trị truyền thống mà cây mía đem lại từ bao đời trước. Đó là bảo tồn, phát huy làng nghề làm đường phên thủ công truyền thống, góp phần giữ gìn bản sắc địa phương cũng như nâng cao giá trị của cây mía địa phương. Làng nghề lâu đời và cũng nổi tiếng nhất ở Phục Hòa ở xóm Bó Tờ, với hơn 100 năm tuổi. Bà Nông Thị Hảo (61 tuổi) chia sẻ, trồng mía để làm đường phên bằng phương pháp thủ công có từ thời bà chưa sinh ra và “hồi bé, tôi đã được xem ông bà, bố, mẹ ép mía, nấu đường”. Giống mía dùng làm đường phên là giống truyền thống từ thời cha ông để lại. Khi chặt mía để ép thì lại lấy ngọn mang giâm xuống đất, ăn Tết Nguyên đán xong lại mang trồng. Cứ như vậy từ năm này sang năm khác, vẫn giống mía ấy tạo ra một loại đường đặc trưng của xóm núi - đường phên.
Ban đầu, chỉ một số hộ trong xóm làm đường phên để tự phục vụ gia đình. Nhưng sau quá trình bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc từ làng nghề, đến nay, số hộ làm đường phên phục vụ kinh doanh trong xóm Bó Tờ đã lên tới 85/150 hộ. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công dày dạn kinh nghiệm, làm đường phên từ việc cho giá trị kinh tế thấp thì nay đã là một trong những nghề mang lại thu nhập cao, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Sản phẩm đường phên Bó Tờ đã được công nhận OCOP, khẳng định được uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, làng nghề sản xuất trung bình 2.550 tấn đường phên, cho nguồn thu chiếm 70% tổng thu nhập với hàng trăm triệu đồng/năm/hộ.
Tương tự, tại xóm Nà Lếch, cũng thuộc xã Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm đường phên thủ công cũng là một phần không thể tách rời của đời sống. Năm 2024, Nà Lếch trở thành làng nghề truyền thống thứ hai của Phục Hòa với sản phẩm đường làm từ cây mía bản địa. Người dân tại Nà Lếch trồng chủ yếu hai loại: Mía bán cho Nhà máy đường và loại mía chuyên để ép lấy nước nấu thành đường phên. Đáng chú ý, với việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, giống mía ROC 10 được đánh giá cao vì thân cứng, dai, dễ ép, ngọt hơn và cho tỷ lệ đường cao khi nấu, lại để được lâu. Hiện nay, trong xóm có khoảng 15 ha trồng mía làm đường, với 18 hộ duy trì sản xuất đều đặn. Với cách làm thủ công, cứ 6-7 tạ mía thì được 60-70 kg đường phên thành phẩm, bán trung bình 30-35 nghìn đồng/kg.
Quy trình sản xuất đường phên ở cả hai làng nghề đều là sự kết hợp giữa truyền thống và đổi mới. Trước kia, khâu ép nước mía là bằng sức trâu kéo nhưng nay đã thay bằng máy ép mía chạy bằng điện. Các công đoạn còn lại vẫn hoàn toàn thủ công. Nước mía được cho vào chảo gang lớn để đun trên bếp khoảng 4-5 giờ. Lửa nấu mật phải là lửa ngọn từ bã mía hoặc cỏ gianh, không dùng than củi. Quan trọng nhất là phải biết “lấy” đường vừa tầm, nếu non sẽ chảy nước, nếu già sẽ đắng. Thành phẩm đường phên được bọc gói trong lá vông khô hoặc lá chít, sau đó cuốn nylon bọc ngoài, để nơi thoáng mát có thể bảo quản được một năm. Mỗi miếng đường chứa đựng tâm huyết, tình cảm, niềm đam mê của nhiều thế hệ dày công gìn giữ, đó là lý do mỗi người dân nơi đây là một nghệ nhân được truyền từ đời này sang đời khác, từ trẻ nhỏ đến người già đều biết làm đường phên.
Nguồn nguyên liệu mía tự nhiên và bã mía dư thừa được sử dụng làm nhiên liệu đốt trong sinh hoạt hằng ngày, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường sống. Theo Chủ tịch UBND xã Đàm Đình Đạo, thời gian tới, xã định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn hóa làng nghề, giáo dục ý thức giao tiếp với khách du lịch, và phối hợp đào tạo kỹ năng du lịch cho cán bộ và nhân dân địa phương. Mục tiêu là nâng cao giá trị sản phẩm, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Đồng chí Vũ Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Phục Hòa: “Ngành mía không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn là cầu nối cho sự đoàn kết cộng đồng. Chúng tôi luôn khuyến khích bà con giúp đỡ nhau trong sản xuất, chuyển giao kinh nghiệm... Đảng ủy và chính quyền xã sẽ luôn sát cánh cùng người dân và doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cây mía Phục Hòa ngày càng phát triển”.