Bài viết khẳng định, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc, qua trường kỳ lịch sử đã phát huy làm nên những thành tựu to lớn, giữ vững bờ cõi, vượt qua áp bức, đói nghèo, vươn lên no ấm, giàu mạnh. Với những luận điểm “Đoàn kết - Chân lý của mọi thời đại”, “Đoàn kết là chiến lược xuyên suốt của Đảng” và “Đòi hỏi tất yếu của đổi mới”, đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại: “Sức mạnh của một dân tộc chính là sự đoàn kết, thống nhất giữa chính quyền và người dân”. Tổng Bí thư định hướng: “Lịch sử giao cho chúng ta nhiệm vụ hết sức quan trọng là kiến tạo một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời kỳ mới. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, không có “vũ khí” nào lợi hại và hiệu quả hơn sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.
Cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền hai cấp đã triển khai hoạt động trên 34 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Quyết tâm chính trị lớn của Đảng và hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đã được thể hiện mạnh mẽ. Từ góc nhìn văn hóa, đặc trưng vùng miền, thời gian qua, từ người cao nhất trong hệ thống lãnh đạo của Đảng đến nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử đều đã khẳng định về ý nghĩa thống nhất của quê hương - vùng miền - đất nước trong khối cộng đồng các dân tộc chung một mái nhà Việt Nam. Các giá trị văn hóa, di sản quý báu qua trường kỳ lịch sử được hun đúc thành truyền thống, phong tục, lối sống, nếp nghĩ tốt đẹp của đồng bào vẫn giữ nguyên vẻ đẹp trên các tỉnh, thành phố, các phường, xã mang tên mới. Tin rằng, các giá trị đó, trong quá trình vận hành xã hội ở các địa phương vẫn sẽ được bảo tồn, tôn vinh, duy trì và tiếp biến như một lẽ tất yếu của cuộc sống.
Từ đây, lại thấy rằng, rất cần vận dụng sáng tạo những giá trị, truyền thống lấp lánh đó để truyền lửa lịch sử, tiếp thêm sức mạnh văn hóa cho hệ thống chính quyền và đội ngũ lãnh đạo, cán bộ địa phương hiện tại và tương lai. Truyền thống tốt đẹp được thể hiện rất rõ qua sự cố kết cộng đồng vốn đã được hình thành trong lịch sử phát triển làng xã hàng nghìn năm; qua sự quần tụ nơi các bản mường, buôn làng, phum sóc của các dân tộc anh em để vượt lên thử thách thiên tai, địch họa. Truyền thống cũng mang những giá trị văn minh có thể tham khảo, chọn lựa và phát huy vào đời sống hiện đại, thông qua hệ thống hương ước của đồng bằng, luật tục của miền núi, cả những quy định nghiêm khắc mà nhân văn của các triều đại xưa, nhất là trong những thời kỳ hiển hách và văn hiến của dân tộc. Truyền thống đó còn được thể hiện sinh động nơi các địa phương, địa bàn cơ sở qua lối sống tôn trọng cộng đồng, tôn trọng bản sắc, đặc thù, nét riêng giữa các làng xã, miền quê khác nhau trên rừng, dưới biển…
Những giá trị trường tồn, khi được thấm nhuần vào suy nghĩ, hành động của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, chuyên viên chính quyền và cơ quan ban, ngành, đơn vị chức năng mới, sẽ càng nâng cao tính nhân văn của mục tiêu hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả mà hệ thống công quyền và các công bộc của dân đang hướng tới.
Đó chính là sự tôn kính văn hóa, truyền thống để truyền thống, văn hóa ràng buộc cho vững bền hệ thống những "cột, kèo, khung, xà, hiên, mái…" của tòa nhà xã hội hôm nay.