Tuy nhiên, chị là người viết chậm, ít công bố, không chạy theo số lượng. Cho đến gần đây, bạn đọc cả nước mới thấy chị xuất hiện trở lại bằng tập thơ “Em không thể nói lời từ biệt” (Nxb Hội Nhà văn, 2023), hoặc thi thoảng đôi chùm trên báo nọ trang kia, có cả thơ viết cho thiếu nhi nữa.
Viết ít, xuất hiện ít, ấy thế mà vẫn để lại nhiều ấn tượng trong giới văn chương và bạn đọc.
Nếu theo dõi hành trình thơ của Đào Phong Lan, có thể hình dung thơ chị đi qua hai thời đoạn: Quãng của trái tim thiếu nữ khi xưa và quãng của trái tim đàn bà đang là.
Thơ của thời thiếu nữ hầu hết chỉ toàn thơ của tình yêu muôn ngàn cung bậc. Cũng tất yếu thôi. “Khi người ta trẻ” thì tình yêu trở thành tâm điểm của cuộc sống. Đi qua hàng loạt các bài thơ tình của Đào Phong Lan, rất thú vị, có ba hình ảnh trở đi trở lại với một tần số dày đặc: Chiếc lá, ngọn gió, cơn mưa; và ở giữa không gian ấy là một người thiếu nữ yêu si mê, phần nhiều đơn phương, chờ đợi, thất vọng, đổ vỡ... Không gian thiên nhiên hiện lên trong hai tư cách: vừa chứa chấp con người, vừa đồng nhất với con người.
Những chiếc lá trong các trạng thái khác nhau. Khi tình yêu đang nồng nàn hạnh phúc: Thôi hãy yêu như cây lá trên đồng/Vẫy vào ngày mùa thơm náo nức/Còn em/Xin được làm chiếc cúc/Nép khiêm nhường trên ngực áo anh (Hoan ca). Lúc tình yêu trong đổ vỡ chia lìa: Câu thơ rơi như lá vàng trên đất/Khẽ cuốn theo gót gió la đà (Em không thể nói lời từ biệt).
Thường thì lá luôn được nhìn ngắm trong mối quan hệ với gió, một bản nguyên của tự nhiên. Nhưng gió có khi lại được quan sát trong tư thế độc lập, ngụ ý những trạng thái tâm hồn chủ thể. Đây là một tự thú của kẻ đang yêu và nhớ: Hình như là gió xa lòng phố/Hình như là môi lại nhớ môi (Hình như là...), một câu thơ thật trẻ trung, chứa đầy nhục cảm, đủ để gây nhớ. Còn đây là nỗi cô đơn của kẻ khát yêu và cô độc: Ba chiều ngồi dõi trăng lên/Bốn bên thì cả bốn bên gió lùa (Lỡ). Những câu thơ tình của Đào Phong Lan được cất lên từ khi tuổi đang còn rất trẻ, tươi non, mê đắm, dại khờ và có những lúc không kém phần táo bạo. Khi yêu người ta đâu biết cầm chừng. Vô số những câu thơ về gió về lá có cường độ nồng nàn như thế: Hồn ta mềm như cỏ/Chưa gió về đã lay (Ngỏ); Em về đi mang theo chiếc lá vàng/Mùa đông ném xuống mặt đường sẫm tối/Gió vẫn thổi/Qua vai anh/Rất vội... (Từ biệt)...
Như trên kia đã nói, bộ ba hình ảnh chiếc lá, ngọn gió, cơn mưa cứ quyến luyến đi về quen thuộc trong thơ nữ thi sĩ họ Đào. Những hình ảnh ấy được mượn để ngụ ý về tình yêu trong nhiều cung bậc. Hình ảnh cơn mưa cũng xuất hiện trong một tư thế ẩn dụ như vậy: Bỗng mây kéo về bất chợt/Vỡ mưa bong bóng đầy tay/Trên đất hoang tàn, mầm cỏ/Lên xanh hình những dấu giày (Dấu cỏ). Trong bài thơ “Viết giữa cơn mưa”, vẫn là nỗi yêu nỗi nhớ, nhưng cường độ được khuếch đại lên ngang tầm nước mắt của trời: Cơn mưa mọc hoang trên đất/ Nảy lên bong bóng bảy màu/Những đám mây chân trời rơi nước mắt/ Anh ở đâu???. Bài thơ kết bằng một câu thơ thật đẹp, mang hình hài của gió, gió sau mưa: Gió vẫn cồn cào góc núi tìm nhau. Phải chăng, đó là một ám ảnh không gian phố núi Pleiku trong tuổi ấu thơ của người thơ đã được triệu hồi...
Qua tuổi thiếu nữ, đúng hơn, qua tâm hồn thiếu nữ đắm say khờ khạo, người thơ bước sang tuổi đàn bà. Mọi thứ trở nên đằm thắm hơn, trầm tĩnh hơn. Như đất nâu. Như cây lớn. Giờ đây, thơ Đào Phong Lan bớt dần những ồn ã yêu đương, thay bằng nhiều khoảng lặng của nghĩ ngợi, suy tư về phận mình, về nhân thế... Trong bài thơ “Như tung đám lửa lên trời”, phần trước của bài thơ như một chiêm nghiệm về những ngày tháng đã qua với bao dấn thân, liều lĩnh, hy vọng, được mất..., để phần cuối bật lên một nỗi nghiệm sinh sâu lắng: Trút lòng một trận mưa sa/Tôi đi về giữa nghìn hoa mặt cười/Mai sau/Lá rụng xuống rồi/Nhường cho ngàn búp nụ chồi vươn lên. Có phải là một cách dọn lòng, nhủ lòng đó chăng?
Gần đây, nhà thơ Đào Phong Lan tham dự cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và đã nhận được giải Nhì cho một chùm thơ, trong đó có bài “Di chúc một người phương Nam”. Nội dung bài thơ chỉ là một thông điệp rất giản dị: Khi tôi chết đừng làm mộ chôn tôi, hãy hóa tôi thành tro bụi để nuôi cây lớn làm bóng mát che nắng che mưa cho người... Nhưng thông điệp ấy được nói bằng thơ, bằng một cái nhìn tự chủ, nhẹ nhõm, khiêm nhường: Bạn bè tôi đi về trong trưa nắng/Có bóng râm choàng vai/Những người từng đưa tay cho tôi nắm/Có hoa nở thơm rực rỡ từng ngày/Những người lạ qua đường mỏi mệt/Ghé vào tránh giọt mưa bay/Con tôi đến ngồi nghỉ ngơi dưới tán lá/Yên bình/Ngủ một giấc say. Yêu thương, một phẩm giá cao quý của tâm hồn muốn kéo dài ra mãi, miên viễn, vô hồi vô tận. Vâng, yêu thương chính là lý do để cho mỗi chúng ta sống trên mặt đất này...
Thơ Đào Phong Lan đang vào độ chín. Độ chín của lúa thơm. Bông lúa chín bao giờ cũng cúi mình. Do được đào tạo nghề viết văn bài bản, cộng với thiên khiếu và kỷ luật, thơ chị không có những “bông lép” - thứ mà không ít người coi thường kỹ thuật làm thơ mắc phải.
Một người viết những câu thơ như thế này: Thôi hãy yêu như cây lá trên đồng/Vẫy vào ngày mùa thơm náo nức thì người đọc được quyền chờ đợi vào những mùa thơ, những “mùa thơm” từ thi sĩ...
Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu 2 bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Đào Phong Lan
VIẾT GIỮA CƠN MƯA
Anh thân yêu!
Lá vẫn nằm bình yên trên đất
Cây vẫn xôn xao
Gió vẫn qua đồi
Em vẫn ngang qua con đường tắt
Mùa đông không nói một lời.
Em phân vân giữa những gì được, mất
Chẳng hay hạnh phúc có còn
Sợ anh đứng trên triền non cao ngất
Vẫn mơ về một bóng thùy dương.
Anh thân yêu!
Cơn mưa mọc hoang trên đất
Nảy lên bong bóng bảy màu
Những đám mây chân trời rơi nước mắt
Anh ở đâu???
Gió vẫn cồn cào góc núi tìm nhau.

DI CHÚC MỘT NGƯỜI PHƯƠNG NAM
Một mai này tôi chết
Đừng đưa tôi ra đồng
Mộ tôi sẽ chiếm đất
Nghênh ngang không cho vun trồng
Bao người bước qua dẫm lại
Vô tình như ngọn gió đông.
Đừng đưa tôi ra nghĩa trang
Xây lên ngôi nhà to đẹp
Mộ bằng hoa cương, bia bằng cẩm thạch
Để tôi nằm vô nghĩa giữa ngàn người
Lại phải giữ khuôn mặt tươi cười
Cứng đơ hàng trăm năm trên ảnh khắc
Không được buồn, không được khóc
Cứ phải cười trên ảnh làm vui.
Hãy thiêu tôi thành tro bụi
Bón tôi dưới một gốc cây
Để chân tôi nuôi đám rễ
Ngày ngày được ngủ giấc say
Để tay tôi hòa cùng lá
Vẫy lên ngàn trời mây
Để tim tôi lên chồi xanh mướt
Một ngày mai...
Bạn bè tôi đi về trong trưa nắng
Có bóng râm choàng vai
Những người từng đưa tay cho tôi nắm
Có hoa nở thơm rực rỡ từng ngày
Những người lạ qua đường mỏi mệt
Ghé vào tránh giọt mưa bay
Con tôi đến ngồi nghỉ ngơi dưới tán lá
Yên bình
ngủ một giấc say.