Giờ đẹp

Sáng nay, thời tiết bình thường, trời không nắng, chẳng mưa, chỉ hơi ưng ửng vàng, gió thổi nhẹ. Nghe nói, mấy ngày tới sẽ có đợt áp thấp.

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Bác cả kêu người tới dọn vườn, cắt tỉa bớt mấy nhánh cây lớn, các chậu cây to thì bê hết lui phía sau nhà kho cho gọn. Ba con chó cảnh nhà chú út được đem sang gửi bên nhà bác, nghe nói tụi nó sủa ầm ĩ từ hôm qua đến giờ, chị giúp việc đang than trời than đất.

Hai mươi ba giờ đêm nay, ông nội đi là đẹp. Đó là giờ mà chú út đi coi đến ông thầy thứ ba.

- Coi kỹ cho chắc. Mất vào giờ tốt thì con cháu mới làm ăn phát đạt - bác cả dặn dò.

Bác đã sai mọi người chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo, chuẩn bị trước để đến khi vô việc, khỏi chạy lăng xăng tới lui, thiếu trước hụt sau, người ta cười cho. Bác đã gọi bên dịch vụ chuẩn bị sẵn sàng, nghe nói có thêm đội kèn tây hoành tráng lắm. Bác gái đã cọc tiền lo cỗ đám, chọn món ăn. Mâm cúng cho ông nội là mâm chay nhưng khách thì đãi mặn. Thím út đã thuê người trông hết đám trẻ con của cả nhà. Người lớn bận tiếp khách, lo hậu cần, lu bu chắc mệt phờ người. Bao nhiêu việc đã sẵn sàng. Những người họ hàng từ trong nam đang bay ra.

Xe bệnh viện chở ông về đến cổng lúc bảy giờ tối. Luôn có một bác sĩ và y tá trực. Bác cả tới thì thầm, dặn Dương, con gái của bác, không được đến gần ông nội trong những lúc này. Nó quý ông nên điều này cũng khó. Bác dặn nhiều lần rồi mà chẳng yên tâm, nó hạp tuổi, sợ vía ông bắt đi thì khổ. Ông cũng thương nó nhưng đến lúc hồn lìa khỏi xác, người ta đâu biết làm thế là hại người sống đâu. Bác cả dặn tới dặn lui, mọi người chú ý, ai làm việc người nấy. Hai mươi hai giờ ba mươi phút là được, đúng giờ đó có thể rút ống thở cho ông. Bác sĩ nói, trong vòng ba mươi phút ông sẽ đi. Bác cả tính rồi, giờ giấc du di vậy là đẹp.

Tôi thấy ông nằm yên như đang ngủ, chẳng có biểu hiện gì của người sắp chết. Mặt ông hồng hào, tay duỗi thẳng, gương mặt bình an. Ông nội qua tuổi tám mươi nhưng vóc dáng đẹp, tại ông ăn uống khoa học, siêng tập thể dục. Lối sống ấy giúp ông không đau ốm trong mấy chục năm nay. Bác kể, chưa bao giờ ông phải đi bệnh viện. Nếu có cảm sốt gì đó, ông cũng tự chữa bằng các phương pháp dân gian. Ngay cả thời điểm dịch hồi trước, người trong nhà lo sợ ông lớn tuổi, dễ bị lây rồi trở nặng, thế nhưng ông vẫn khỏe mạnh đi qua mùa dịch. Vậy mà mấy hôm trước, khi đang ngồi xem thời sự, ông lăn ra ngất. Bác sĩ kết luận là đột quỵ. Ông mê man bất tỉnh từ hôm đó, phải thở máy…

Giờ tốt tới rồi, bác cả lên nói thầm với bác sĩ.

- Tập hợp quanh ông chào ông lần cuối nào - Bác gọi mọi người.

Bác sĩ làm các thao tác rút bình. Mọi người chăm chú nhìn ông. Thím út khóc ré lên. Có tiếng nạt của bác gái, chưa chi hết... Mọi người nín thở, tập trung. Tôi vẫn không tin là ông nội sắp chết. Tuần trước ông còn mắng bác và ba tôi rổn rảng khi anh em chưa thống nhất để lo việc chạp mả cho ông bà cố. Tối đó, ông còn trò chuyện, hỏi tôi chọn được trường đại học nào chưa. Ông mới xem thời sự, thấy thời đại này khó khăn, cần xác định cho kỹ. Hình như ông còn lấn cấn, chưa yên tâm nhiều chuyện. Tôi nghe nói, những người nhiều dự định lo toan như ông thì không dễ dàng rời đi đâu.

Bác sĩ đột nhiên luống cuống, nhanh chóng lấy tai nghe rồi cúi sát áp vào người ông.

- Có chuyện gì vậy? - Bác cả sốt ruột.

Bác sĩ lộ vẻ vui mừng, quay sang nhìn cả nhà:

- Ông đang tự thở, ông sống rồi.

Ai nấy đều ngạc nhiên, chưa kịp nói năng chi thì thằng Bin, con chú út lên tiếng:

- Ông chết chưa hả mẹ? - Nó hỏi bằng giọng ngái ngủ và gần như sắp khóc.

Nó buồn ngủ lâu rồi nhưng mẹ bắt chờ xong việc, phải chào ông lần cuối. Câu hỏi của nó đánh động cả nhà, người nào người nấy hoang mang tột độ. Chú lại gần rồi đưa tay sờ vào người ông, bảo ông tự thở thật này, người ông ấm lắm. Bác sĩ nói trong y học, thỉnh thoảng có vài điều kỳ diệu vậy. Cứ đà này ông tỉnh, bây giờ, nên chở ông lên bệnh viện để theo dõi tiếp.

Bác cả sững sờ mất mấy phút, dường như chưa tin nổi chuyện gì đang xảy ra. Bác hỏi, vậy thì ông có tỉnh lại không. Nếu tỉnh lại thì sẽ như thế nào? Bác sĩ bảo chưa thể trả lời được, giờ cứ vô bệnh viện theo dõi thêm. Mười một giờ đêm, đúng giờ đẹp, ông được đưa trở lại bệnh viện. Bác cả chợt nhớ ra, liền lấy điện thoại gọi cho người ta để hủy dịch vụ đám tang. Bác gái gọi điện hủy dịch vụ ẩm thực. Khuya rồi, không ai nghe điện thoại, chắc ai cũng ngủ sớm để mai đi làm sớm.

Sáng sớm, bên dịch vụ rạp cho xe tới nhà, bác gái hốt hoảng chạy ra ngăn họ dở dụng cụ xuống. Sau khi nói rõ lý do, họ vẫn không chịu về, cứ đứng đó lần lữa. “Trường hợp này, bao năm làm nghề, em có gặp rồi nhưng cũng đâu vào đó thôi chị, để tụi em đợi thêm một chút”. Bác trai tức giận ra nạt nộ một hồi thì họ mới chịu đi, bác sợ hàng xóm chửi cha chưa chết mà tụi nó chuẩn bị dựng rạp. Bác gái càu nhàu vì mất tiền cọc cho các dịch vụ.

Ngoài ngõ có xe dừng, là các anh chị em, con cháu bà con của ông nội, có người em của ông gần tám mươi tuổi cũng lụm đụm về tiễn anh. Ai đến nhà nghe thuật lại chuyện cũng vừa mừng vừa lo. Bác cả lấy xe chở mọi người lên bệnh viện, chuyện ở nhà cứ để đó đã.

Một tuần trôi qua, ông nội vẫn nằm trong phòng hồi sức. Ông thở tốt, thần sắc hồng hào nhưng vẫn chưa tỉnh. Các cô chú họ hàng đã có vài người phải quay về vì công việc. Bác gái nhắc thím nhớ trả tiền vé máy bay cho các cô chú về quê, chứ ai cũng bận việc. Mai mốt, ông có đi thật thì họ còn gắng sắp xếp mà về lần nữa.

Tôi trực bệnh viện nhiều nhất vì đang rảnh, chỉ chờ điểm xét tuyển để nộp vào trường đại học. Trực ngoài phòng hồi sức cũng chẳng làm gì, chủ yếu ngồi bấm điện thoại, lướt TikTok chán thì chơi game, nhưng bệnh viện yêu cầu nên có người nhà trực sẵn để nếu có bất thường thì họ gọi.

Ngày thứ ba, lúc đang lau người cho ông, thím giật mình khi ông đưa tay khều thím. Ông tỉnh dậy trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Có điều, hỏi gì, ông cũng không nói. Gương mặt ông trông rất tỉnh táo, bình thản. Ông ra hiệu bảo đói bụng, thím út lật đật khui hộp yến để sẵn trên bàn, ông lắc đầu nguầy nguậy. Thím lẩm bẩm: “Trời, chết đi sống lại giờ đổ chướng rồi. Ngồi với ông, để thím đi mua cháo”. Khi thím đi rồi, ông khều tay tôi, nói một hơi những chuyện mà xưa nay, chưa bao giờ tôi nghe người trong nhà nhắc đến.

Ông kể rằng thời xưa, nhờ hò hát hay mà ông quen bà nội, được bà để ý. Ông bà nên duyên, có với nhau bốn mặt con. Ngoài ba người con trai đang sống quanh ông bây giờ, ông có thêm một người con gái. Cô học giỏi, lại xinh đẹp, hát hay, bao nhiêu người để ý. Năm đó, người trong làng mách với ông, họ nhìn thấy cô thân thiết quá mức với một người đàn bà khác, người đó đã thôi chồng, sống một mình. Hồi đó, chuyện này kinh thiên động địa, người ta khó tin và khó chấp nhận. Ông tra hỏi thì cô trả lời thẳng thắn là thương người đó, sẽ sống với người đó chứ không lấy chồng. Khuyên nhủ bao nhiêu cô cũng không nghe, quá tức giận, ông lấy roi vụt cho cô một trận. Đêm đó, cô bỏ nhà đi cùng người đàn bà kia. Bà nội gần như suy sụp. Ông cấm người trong nhà nhắc đến nhưng mỗi khi có dịp, ông lại lặng lẽ đi tìm tung tích của con gái. Ông tìm mãi, đến bây giờ, vẫn chẳng nghe tin tức chi. Có lần, ông nhắc chuyện này với bác nhưng bác nói, giờ đưa thông tin này ra chẳng có chi hay ho, lại ảnh hưởng đến công việc, uy tín của bác. Bà nội vì chuyện của cô mà đau ốm rồi mất sớm, trước khi mất, bà nắm tay ông như thể muốn ông tìm con gái. Ông nhờ tôi tìm cách nào để biết thông tin của cô, nếu còn sống, đến bây giờ cũng gần sáu mươi. Chỉ cần biết cô còn sống hay đã mất, nếu mất thì mất ở đâu, còn sống thì giờ sống ra sao.

Tôi hỏi, ông có tấm ảnh nào của cô không, có ảnh tìm người dễ hơn. Lúc đó, vì quá giận nên ông đốt hết ảnh và áo quần, đồ đạc của cô. Nhưng con bé Dương rất giống cô, nét của cô sao thì nó y chang vậy, từ mắt, mũi, miệng đến điệu bộ, cười nói.

Tôi kể lại với bác cả chuyện của ông và nói, nếu không tiện cho bác thì tôi sẽ tự đi tìm cô, để không ảnh hưởng đến bác. Ai ngờ, bác thở dài. Bác bảo, biết ngay là ông lấn cấn chuyện này, bên ngoài thì tỏ vẻ dửng dưng nhưng thâm tâm đau khổ. Cô mất rồi, sau hôm thứ hai bỏ nhà đi. Hồi đó, bác cũng cỡ tuổi bây, khi biết người ruột thịt bỏ nhà đi thì cũng đi tìm. Cô bị tai nạn trên đường đi, người đàn bà kia sau chuyện này cũng xuống tóc quy y. Tro cốt của cô được đem vào chùa từ hồi đó. Nếu ông biết chuyện này, có lẽ sẽ càng hối hận, nghĩ là vì mình nên con gái mới chết. Bác giả vờ tung tin là cô đã vượt biên để ông bà đỡ khổ tâm.

Tôi thở dài. Không ngờ mọi chuyện thành ra thế này. Khi đang loay hoay chẳng biết phải trả lời sao với ông nội thì ba tôi gọi điện, bảo cả nhà chuẩn bị, ba đang trên đường đưa ông về. Ông đột ngột mất sau năm ngày tỉnh lại. Hình như trong y học, người ta gọi chuyện này là hồi quang phản chiếu, người sắp mất đột ngột tỉnh táo, minh mẫn để nói lời từ biệt hay nhắn nhủ, trăn trối với người thân.

Bác cả lại hối thúc mọi người chuẩn bị mọi thứ để lo đám tang. Bác hỏi ba tôi giờ chính xác ông mất, rồi lật đật coi thử giờ đó tốt không. Chú út đi xem giờ nhập quan, bác cả dặn với theo “nhớ tránh ông thầy bữa trước”. Tôi hỏi bác địa chỉ ngôi chùa đang gửi tro cốt của cô tôi. Rồi tôi sẽ vái lạy ông để kể sự tình, tôi nghĩ, ông sẽ tìm thấy cô...

Diệu Ái